Đối tượng giả danh cảnh sát hình sự để lừa đảo đối mặt với khung phạt nặng

(Dân trí) - Đối tượng giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an" đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người sẽ phải đối mặt với án phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.

Trong thời gian gần đây tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, đặc biệt là các chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của nhân dân ngày càng tinh vi. Mới đây nhất, ngày 9/7/2016 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã phục hồi điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Bính (30 tuổi, trú xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu trong thời gian gần đây về vụ án trên thì vào tháng 4/2015, anh Nguyễn Trọng Hiến, phụ xe của xe khách Ngọc Dũng chạy tuyến Đô Lương - Hà Nội, trình báo: Một người khách giới thiệu tên là Tuấn Anh - cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hứa sẽ giúp đỡ anh Hiến và chủ xe nếu gặp vấn đề gì trên đường. Sau đó, xe khách có va chạm giao thông nên anh Hiến có điện nhờ thì "cán bộ" Tuấn Anh giải quyết giúp được nên rất tin tưởng. Tiếp theo Tuấn Anh nói với anh Hiến là có thể đưa được người đi xuất khẩu lao động ở nước Anh.

Anh Hiến nhờ Tuấn Anh đưa đi Anh. Tuấn Anh kết tình anh em rồi nói anh Hiến chuyển cho Tuấn Anh 7 lần, tổng số tiền là 520 triệu đồng. Sau khi nhận tiền Tuấn Anh đã trốn khỏi địa phương.


Cảnh sát dỏm Bùi Văn Bình

Cảnh sát "dỏm" Bùi Văn Bình

Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định truy nã Bính về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Bính bị bắt khi đang lẩn trốn tại thị xã Thuận An (Bình Dương).

Trước đó, năm 2005, Bính đã bị tuyên phạt 6 tháng tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2011, Bính đến tán chị Đ.Th.V. (23 tuổi, thuê nhà trọ ở phường Hưng Bình, TP Vinh) giới thiệu "mình tên là Tuấn, cảnh sát hình sự". Để lấy lòng tin, Bính còn mang chiếc quần cảnh sát, chiếc thắt lưng và chiếc còng số 8 đến phòng trọ chị V. Chị V. tin tưởng và yêu Bính. Sau khi "cá đã cắn câu", Bính mượn xe máy cùng giấy tờ xe để "anh có việc gấp về quê", rồi tắt điện thoại, chạy trốn.

Nhận định về vụ việc, Luật Sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho rằng, hành vi của Bính đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sd-bs năm 2000.

Cụ thể, với những hành vi trên Bính hoàn toàn là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự, với những hành vi đều có sự chuẩn bị trước.

Việc Bính lấy tên là Tuấn Anh và tự giới thiệu mình là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và hứa với anh Hiến là có thể đưa được anh Hiến đi xuất khẩu lao động ở nước Anh trong khi không hề có thẩm quyền, cũng như khả năng là hành vi lừa dối, Bính đã cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật, nhằm để anh Hiến tin tưởng, với mục đích cuối cùng là để chiếm đoạt tài sản của anh Hiến.

Từ việc đưa ra những thông tin không đúng về bản thân, Bính đã lấy lòng tin của anh Hiến, từ đó hứa giúp anh Hiến đi xuất khẩu lao động. Từ lòng tin vào người có tên là Tuấn Anh, anh Hiến đã chuyển cho Tuấn Anh 7 lần, tổng số tiền là 520 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền của anh Hiến, thì Bính (Tuấn Anh) đã chạy trốn, và cắt đứt luôn liên lạc với anh Hiến.

Không chỉ lừa một mình anh Hiến, trước đó với hành vi Bính cũng giả danh là công an, tán chị Đ.Th.V. và sau đó Bính mượn xe máy cùng giấy tờ xe của chị Đ.TH.V , rồi tắt điện thoại, chạy trốn.

Những hành vi trên đây của Bính, đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

P. Thanh