Độc giả chỉ ra điểm đáng ngờ trong vụ bé 2 tuổi mất tích bí ẩn
(Dân trí) - Độc giả cho rằng việc bé An sinh tồn được ở điều kiện đêm tối, trong rừng sâu suốt 2 đêm là điều đáng ngờ, đặt giả thiết về việc bé trai bị bắt cóc. Còn theo luật sư, có nhiều điều cần làm rõ.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 29/11, cháu Đoàn Phúc An (2 tuổi, ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) theo anh trai ra cổng đổ rác và sau đó mất tích bí ẩn. Tới ngày 2/12, bé trai được tìm thấy dưới một rãnh sâu khoảng gần 3m, không có nước tại khu vực đồi thông, keo thuộc phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).
Khu vực phát hiện bé An có cây cối rậm, đã được gia đình và cơ quan chức năng tìm kiếm trước đó nhưng không thấy. Thời điểm được phát hiện, An không mặc quần, tay chân có vết xước nhẹ, trong tình trạng tỉnh táo nhưng khóc và hơi hoảng loạn.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.
Thông tin sự việc thu hút sự quan tâm lớn của độc giả. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ và chỉ ra những điểm đáng ngờ trong vụ việc trên.
Bình luận dưới bài viết của Dân trí, độc giả Việt Anh đặt nghi vấn: "Một cháu bé 2 tuổi mất tích hơn 2 ngày, sau đó lại được tìm thấy ở hố sâu trong khu rừng gần nhà. Trong điều kiện đêm tối, rừng vắng người, khả năng sinh tồn của trẻ nhỏ là rất thấp.
Tuy nhiên tới khi được tìm thấy và thăm khám sơ bộ, cháu được đánh giá thể trạng bình thường. Vì vậy, cần phân tích một cách khoa học về việc có hay không việc cháu đã bị bắt cóc, sau đó do sự truy tìm quá gắt gao nên kẻ bắt cóc buộc phải thả cháu ra".
Chung luồng suy nghĩ, chủ tài khoản Vnevono viết: "Bé 2 tuổi, mất tích 3 ngày không ăn uống, trời lại có mưa rét thì sao khỏe mạnh bình thường được? Chưa kể nơi phát hiện chỉ cách nhà 100 m trong khi cả chó nghiệp vụ đã đi tìm".
"Quá bí ẩn, công an nên vào cuộc điều tra làm rõ. Có lẽ có kẻ đã bắt cóc cháu nhưng chưa kịp đưa đi thì gia đình đã báo công an, sau đó sợ bại lộ nên tìm cách thả cháu bé. Cần sớm xác minh, tìm ra kẻ thực hiện để tránh hậu quả về sau", độc giả Lê Hữu Long đặt giả thiết.
Theo dõi thông tin hiện có, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, dưới góc độ xã hội, đây là sự việc gây ra sự lo lắng, hoang mang cho người dân, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xác minh sự việc, tiếp tục thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ cũng như lấy lời khai các cá nhân liên quan để sớm làm sáng tỏ sự việc, tránh tình trạng hoang mang, sợ hãi cùng những tin đồn thất thiệt có thể xuất hiện, gây tác động xấu tới an ninh trật tự tại địa phương.
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Lực, những thông tin hiện có còn rất hạn chế, chưa đủ để đánh giá có hay không dấu hiệu của hành vi bắt cóc trẻ em trong vụ việc này. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như củng cố lời khai của cha mẹ, người thân bé An và những người liên quan; trích xuất dữ liệu camera những khu vực khả nghi; tìm kiếm những dấu vết đáng ngờ xung quanh khu vực phát hiện cháu bé (dấu giày, dấu vân tay, mẫu tóc...); làm rõ các mối quan hệ, cá nhân có mâu thuẫn với gia đình (nếu có) hay khoanh vùng các đối tượng có nhân thân xấu, đáng ngờ tại địa phương...
Từ những dữ liệu cần thu thập, làm rõ này, cơ quan chức năng sẽ đánh giá về việc có hay không sự xuất hiện của hành vi bắt cóc trẻ em trong vụ việc. Trong trường hợp không có dấu hiệu của hành vi bắt cóc trẻ em, việc bé An mất tích do đi lạc hoặc các nguyên nhân khách quan khác, lực lượng chức năng sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Ngược lại, trường hợp phát hiện nhiều điểm tình nghi, đáng ngờ, cần được mở rộng điều tra làm rõ, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) hoặc Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) tại Bộ luật Hình sự 2015, tùy thuộc các dữ liệu thu thập trong quá trình xác minh, để điều tra theo quy định của pháp luật.
Hoàng Diệu