Doanh nghiệp mòn mỏi chờ sửa Nghị định 132

PV

(Dân trí) - Để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, từ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngay trong quý 4 năm nay.

Tuy nhiên, sau gần 4 tháng việc sửa đổi vẫn gần như chưa có tiến triển.

Trong Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai hàng loạt các giải pháp để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Đáng chú ý, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về quy định quản lí thuế với giao dịch có liên kết.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm nay về việc sửa đổi trên.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ sửa Nghị định 132 - 1

Nghị quyết 132 được sửa đổi được hy vọng sẽ là hỗ trợ lớn với doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Tháng 8/2023, Bộ Tài chính có thông báo phân công các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ triển khai nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, yêu cầu Quý 4/2023, Tổng cục Thuế phải hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đến giữa tháng 10, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản xin ý kiến của các vụ, cục trong Bộ Tài chính về việc sửa đổi. Đáng chú ý, trong văn bản trên, Bộ Tài chính dự tính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi bổ sung Nghị định 132 trong… tháng 8/2024.

Thực tế, việc chậm trễ trên đang khiến rất nhiều doanh nghiệp lo lắng. Trước đó, động thái vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từng là tin vui lớn với cộng đồng doanh nghiệp bởi, trong suốt thời gian dài, hàng loạt kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp bị tắc nghẽn, dẫn tới việc hàng nghìn doanh nghiệp bị bào mòn "thể lực".

Hậu quả là vô cùng lớn khi nhiều doanh nghiệp đã phải rơi vào cảnh phá sản, người lao động mất việc, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống. Nghị quyết 132 được sửa đổi được hy vọng sẽ là hỗ trợ lớn với doanh nghiệp khi nhiều chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận đúng, phù hợp với thực tế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực.

Ở góc độ vĩ mô, một chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính khẳng định, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là vô cùng bức thiết bởi thực tế, nhiều quy định hiện tại về quản lý thuế với giao dịch liên kết đã bộc lộ điểm bất cập, không phù hợp với thực tế.

Đáng chú ý trong số này phải kể tới quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% EBITDA (tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ).

Tỉ lệ này có nghĩa nếu chi phí lãi vay vượt mức 30% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của đơn vị. Tỉ lệ này theo đánh giá là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển. Các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đều trong giai đoạn phát triển cần vốn, phải đi vay trong khi nền lãi suất cho vay ở mức cao.

Cụ thể, việc chặt trần với tỉ lệ trên khiến doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng đi vay 10 đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 7-8 đồng, gây thiệt hại, làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với Nghị định 132, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, một loạt vấn đề cần được xem xét, sửa đổi như việc chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang kỳ tính thuế tiếp theo hay kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế, hiện đang là 5 năm, lên mức cao hơn…

Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 132 cần gấp rút hơn, nhưng quan trọng không kém là "phải đúng" và "phải trúng". Về tổng thể, việc sửa đổi bổ sung phải làm sao gỡ khó cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển, thay vì làm khó, khiến doanh nghiệp sợ lớn lên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm