Hà Nội:

Doanh nghiệp mỏi cổ đợi phán quyết của UBND thành phố

(Dân trí)- Là doanh nghiệp được đánh giá là dũng cảm khi mua lại Nông trường Hữu nghị Việt Nam Mông Cổ lúc đơn vị này đứng trên bờ phá sản; Cty CP Gia súc Việt Mông đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn để giữ diện tích đất được bàn giao.

Doanh nghiệp mỏi cổ đợi phán quyết của UBND thành phố  - 1
Đơn kiến nghị của Công ty Cổ phần Việt Mông gửi đến Báo Dân trí.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến).

Kêu gọi mọi nguồn vốn, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đầu tư cho cây chè, những tưởng doanh nghiệp này sẽ được đền đáp xứng đáng công sức mình bỏ ra. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Dự án làng chè sinh thái của Cty CP Gia súc Việt Mông (nay là Cty CP Việt Mông) vẫn bị UBND thành phố trì hoãn. Không chỉ không được phép vay vốn, sản xuất, nhiều chục tỷ đồng đầu tư của đơn vị tiếp tục gặp khó. Vì sao có câu chuyện lạ đời này ngay giữa Thủ đô?

Trong đơn kiến nghị gửi đên Báo Dân trí, bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT Cty Việt Mông cho biết, tháng 7/2007, Cty CP Việt Mông nhận bàn giao các nguồn lực kinh tế xã hội của Nông trường Việt Nam Mông Cổ. Khi nhận bàn giao, Cty Việt Mông là đơn vị có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nông trường Việt Nam Mông Cổ.

Bà Nguyệt cũng cho biết, ngày 24/8/2007, UBND tỉnh Hà Tây có văn bản số 3346/UBND-CNXD về việc lập quy hoạch diện tích đất trước đây Nông trường Hữu nghị Việt Nam Mông Cổ quản lý tại Ba Vì. Trong đó giao cho Cty CP giống gia súc Việt Mông phối hợp với các cơ quan thẩm quyền của địa phương tiến hành đo đạc, kiểm tra lại toàn bộ phần diện tích đất đai thực tế của nông trường trước đây.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tây, Cty Việt Mông đã ký hợp đồng để Phòng Tài nguyên và Môi trường tỉnh đo đạc, xác lập bản đồ tỷ lệ 1/2000 và ngày 4/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 2024/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 Làng sinh thái chè Việt Mông, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Theo đó, tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 941 ha bao gồm các xã Vân Hòa, Yên Bài và Kim Sơn. Tiếp đó, ngày 11/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây lại có Quyết định số 2302/QĐ-UBND giao cho Cty Việt Mông làm chủ đầu tư và thực hiện dự án Làng sinh thái chè Việt Mông. Tại Quyết định này UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, UBND huyện Ba Vì, UBND thành phố Sơn Tây tạo điều kiện hướng dẫn chủ đầu tư triển khai dự án.

Tuy nhiên, sau đó, tỉnh Hà Tây sát nhập về Hà Nội. Và, theo quyết định của UBND thành phố, dự án Làng chè sinh thái Việt Mông là một trong số các dự án cần rà soát lại. Tuy nhiên, thời gian rà soát này, theo bà Nguyệt, là quá lâu và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Cty.

Gần đây nhất, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 10 khẳng định: “Về việc tiếp tục thực hiện dự án làng chè sinh thái Việt Mông, UBND thành phố ghi nhận ý kiến của Cty Việt Mông, chấp thuận và cho phép Cty thực hiện dự án sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Qui hoạch Thủ đô được phê duyệt”.

Bà Đặng Thị Nguyệt cho biết: “Từ khi được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt, Cty đã thực hiện công khai bản đồ qui hoạch 1/2000 tại vị trí thuận lợi trên thực địa. Cty cũng dành nhiều đầu tư cho cây chè, hợp tác với các đối tác quốc tế để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chè sạch với qui mô lớn. Tuy nhiên, mọi hoạt động này luôn bị khống chế bởi sự im lặng của UBND thành phố. Cty Việt Mông luôn ở trong tình trạng chờ đợi rất mòn mỏi các quyết định này. Mọi nhu cầu về thế chấp, vay vốn, xây dựng và thực hiện các đàm phán với các đối tác quốc tế của Cty không thể thực hiện được”.

Trước sự việc trên, Báo Dân trí đã có công văn số 34/BBĐ-2011 chuyển đơn kiến nghị của bà Đặng Thị Nguyệt đến UBND TP. Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến