Điện Biên: Hàng chục cán bộ bị xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng
(Dân trí) - Thanh tra chính phủ vừa có kết luận về việc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng tại tỉnh Điện Biên. Theo kết luận, hơn 30 cán bộ tại tỉnh này đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó, UBND tỉnh Điện Biên đã thay mới Chủ tịch UBND TX Mường Lay.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc được thành lập 1/1/2004 với tổng diện tích tự nhiên là hơn 9,5000 km2 với dân số khoảng 53 vạn người với 19 dân tộc chủ yếu. Hàng năm, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt dưới 10% so với tổng chi ngân sách. Số hộ nghèo chiếm tới 35,22%.
Theo kết luận của Thanh tra chính phủ, để đảm bảo tính minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, lãnh đạo tỉnh Điện Biên, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 - 2013 đã yêu cầu kê khai tài sản của 9442 người. Số người đã kê khai là 9428 người. Số người chưa kê khai là 14 người.
Cơ quan thanh tra đã xác nhận tại TX Mường Lay, 1 cán bộ có hành vi liên quan đến tham nhũng đã bị phát hiện và xử lý. Hành vi sai phạm cụ thể là lập hồ sơ khống hơn 46 triệu đồng; sai phạm trong sử dụng ngân sách hơn 300 triệu đồng). Các cơ quan chức năng đã thu hồi được về cho nhà nước gần 350 triệu đồng.
Tại huyện Mường Áng, trong 3 năm đã kiểm tra, xử lý kỷ luật 37 cán bộ công chức, viên chức vi phạm. Trong đó 10 khiển trách; 22 cảnh cáo; 1 hạ bậc lương và 4 thôi việc.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Các hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng đều được UBND tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm và xử lý nghiêm. Riêng với sai phạm tại TX Mường Lay, UBND tỉnh Điên Biên đã quyết định điều chuyển chủ tịch thị xã làm công việc khác, đồng thời bổ nhiệm ông Vũ Ngọc Vương - Phó giám đốc Sở Xây dựng về giữ cương vị Chủ tịch UBND TX Mường Lay.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại tỉnh Điện Biên như việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa thường xuyên, nội dung thiếu chặt chẽ. UBND tỉnh chưa ban hành quyết định thành lập Trụ sở Tiếp công dân của UBND tỉnh và do đó chưa có quy chế, nội quy về tiếp công dân.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chưa sâu rộng, chất lượng còn hạn chế, còn nặng về hình thức. Ở một số đơn vị, công tác này chưa liên hệ chặt chẽ với tình hình và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành chưa nhiều, chưa chất lượng. Một số cuộc kiểm tra chưa đề cao việc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Kiểm tra thực tế, chất lượng, số lượng cán bộ làm công tác tiếp dân có nơi còn hạn chế cả về số lượng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện, Trụ sở Tiếp công dân UBND tỉnh vẫn dùng Quyết định và thông báo của tỉnh Lai Châu cũ là thực hiện chưa đúng Quyết định số 858 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa tập trung một đầu mối, dẫn đến việc tổng hợp, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn có nơi giải quyết chưa bảo đảm về trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu.
Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí càn bộ làm công tác thanh tra, tiếp công dân còn có nơi chưa quan tâm, chú trọng.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Đoàn Thanh tra chỉ ra việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật Nhà nước của một số cán bộ, công chức chưa tốt, còn có biểu hiện nhũng nhiễu và tham nhũng.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện một số quy định về phòng, ngừa tham nhũng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan lung túng trong thực hiện, nhất là chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, kê khai tài sản thu nhập, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu.
Liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, một số trường hợp vẫn để kéo dài.
Những thiếu sót nêu trên trách nhiệm chung thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên và trách nhiệm chính thuộc về giám đốc các sở, ngành; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; thanh tra các cấp liên quan.
Anh Thế