Điểm tựa cho người đi xuất khẩu lao động

(Dân trí) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một hướng đi cần thiết cho những nước đang phát triển, có lực lượng lao động khá dồi dào như VN. Nhưng sự xa cách cùng những tác động của môi trường xã hội vốn khác biệt cũng gây ra không ít hệ lụy khó tránh khỏi.

Điểm tựa cho người đi xuất khẩu lao động - 1


Tuyển chọn lao động xuất khẩu sang Đài Loan.
 

Là phóng viên từng theo dõi và viết về người VN ở nước ngoài, bao gồm cả lực lượng XKLĐ của VN, tôi có nhiều dịp được tiếp xúc trực tiếp với những người trong cuộc, chủ yếu là phụ nữ.

 

B là một phụ nữ trẻ xinh xắn, người ở vùng nông thôn Hải Dương, đã có một gia đình yên ấm với người chồng hiền lành và hai con ngoan ngoãn. Ít học nhưng B mê văn chương, chăm đọc báo và cũng nhờ  báo chí mà chúng tôi quen nhau từ trước khi B quyết chí sang Đài Loan tìm cách đổi đời.

 

Từ Đài Trung, thỉnh thưởng B vẫn gọi điện về tâm sự với tôi về những nỗi niềm cuộc sống xa lạ nơi xứ người. May cho B có được ông bà chủ nhà rất tốt, rất thương cô. Hết hợp đồng, dù được bà chủ tha thiết giữ lại, B vẫn quyết định về sau khi nhận được “tối hậu thư” của chồng. Cô không muốn gia đình tan vỡ, không muốn để tuột  mất hạnh phúc đã có.

 

Nửa năm sau,  B lại lên Hà Nội tìm tôi, dầm dề nước mắt. Cô kể chồng con tạm ổn, nhưng khoản vài trăm triệu đồng dành dụm từ Đài Loan gửi về đã nhanh  chóng tiêu hết vào nhà cửa, xe cộ, học hành của con… Đất đai vẫn chỉ vậy, mình chồng làm là đủ, cô muốn kiếm việc làm thêm mới thấy bí quá.  Rồi vợ chồng B sinh ra lục đục, mỗi khi mượn chén rượu, lá bài giải khuây, chồng B lại gây gổ vì nghi vợ "Có thằng nào bên đó, mà về chê chồng, chỉ nhấp nhổm đi?" …

 

Rút cục là B lại vay mượn tiền lên Hà Nội. Muốn đi XKLĐ cấp tốc nên B không nghe tôi khuyên can, nhất quyết gửi gắm số phận vào tay cò (cô biện bạch: “Cò này đáng tin lắm, đưa được nhiều người đi rồi”).  Nhỡn tiền là B không những trắng tay mà còn ôm cục nợ mới vài ngàn đô. Thất vọng, B khăn gói trở lại Hải Dương và tôi cũng đứt liên lạc với cô từ đó.

 

H  là gái Hà Nội, còn là thanh nữ khi đi XKLĐ tại một nước châu Âu. Nhan sắc làng nhàng, H hết cặp với chàng có vợ (để lại trong nước trông con) này, đến chàng có vợ (“yêu em lắm nhưng không nỡ bỏ vợ con…”) khác. Xê xế bóng tà, H quyết định sinh con và dùng khoản trợ cấp của nước sở tại dành cho phụ nữ đơn thân nuôi con, để nuôi thêm người tình (cũng là cha đứa bé nhưng may còn là trai chưa vợ, song nghe nói vướng giấy tờ sao đó nên họ... không thể kết hôn)…

 

Câu tôi thường được nghe nhất từ những người trẻ đi XKLĐ này là “Bi kịch lắm”, “Yêu đương gì đâu”, “Cũng là gá nghĩa với nhau cho đỡ cô quạnh nơi đất khách quê người", "Ôi dào, chỉ tiền đổi tình, tình đổi tiền mà thôi"... Vâng, tôi tin rằng mình cũng hiểu, đã là con người ai chẳng có những nhu cầu dù là tối thiểu cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống càng phát triển, các nhu cầu đó càng gia tăng theo mà nhiều khi tỉ lệ nghịch với khả năng cũng như sức chịu đựng của chính mình.

 

Nếu như với những thử thách thời chiến tranh, con người thời chiến dù muốn hay không cũng phải vượt qua để tồn tại, để chiến thắng. Thì những thử thách trong thời bình thoạt nhìn có vẻ nhỏ hơn song cũng không kém  phần khắc nghiệt, mà nhiều khi con người  thời bình lại không đủ bản lĩnh để vượt qua.  Nhất là khi họ chưa được trang bị đầy đủ những hành trang cần thiết cho cuộc sống thời hiện đại. Quan trọng hơn là vẫn họ chưa tìm thấy được chỗ dựa, điểm tựa thực sự càng vô cùng cần thiết với những người phải xa xứ kiếm sống. Khó lắm thay!!!

 

Kiều Anh