Điểm danh quán Nét

Chuyện một người bạn sinh viên cùng phòng ký túc xá với tôi là bài học cho những ai mới bước chân vào trường đại học, mới bắt đầu làm quen với cuộc sống đô thị với biết bao điều cám dỗ…

Hồi mới nhập học, Dương ở cùng phòng với tôi trong ký túc xá (KTX). Thời gian này, phong trào học của phòng tôi vào loại khá của trường. Kết thúc học kỳ thứ nhất, cả phòng tôi không ai bị nợ môn.

Đến học kỳ hai, Dương bắt đầu chểnh mảng vì đã biết đến quán "Nét" (điểm truy cập mạng Internet) với những trò chơi điện tử. Do nhiều lần ham chơi game đến khuya mới về phòng khi cổng KTX đã đóng, Dương phải trèo tường vào. Bạn bè cùng phòng cũng góp ý nhưng Dương đều bỏ ngoài tai hết. Bảo vệ đã bắt được và nhắc nhở nhiều lần nhưng cậu vẫn “tái phạm”. Cuối cùng, Ban quản lý KTX đành phải ra quyết định trục xuất Dương ra khỏi KTX. Kể từ đây, Dương đã bước vào một khúc quanh trong cuộc đời. Anh em cùng phòng cũng ít có điều kiện gặp Dương để mà góp ý.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ra ngoài ở không bị hạn chế về mặt thời gian, Dương càng lao vào chơi game say mê hơn. Nhiều đợt Dương còn ngồi lỳ ở quán Nét đến ba ngày, ba đêm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian Dương có mặt trên giảng đường bị giảm xuống. Còn quán Nét mặc kệ khách muốn ngồi chơi bao nhiêu tiếng tuỳ thích. Đến giờ đóng cửa theo quy định thì họ đóng cửa vào nhưng bên trong vẫn cho khách ngồi chơi thả cửa. Mà khách chơi thì càng chơi càng ham.

Thế là từ dịch vụ Internet, quán kiêm luôn cả dịch vụ ăn uống để phục vụ những khách hàng ngồi "cố thủ" như Dương. Ăn uống thì đã có quán Nét phục vụ tại chỗ, còn ngủ thì nhiều hôm không kịp về phòng trọ, có thể Dương mệt quá gục xuống ngủ ngay tại chỗ hoặc được chủ quán Nét cho ngủ nhờ luôn. Lúc này, quán Nét mới là nơi tiêu tốn nhiều thời gian của Dương nhất chứ không phải trên giảng đường hay thư viện như các bạn.

Và số tiền gia đình gửi lên cho Dương ăn học đã dần dần bị “nướng” hết vào những trò game. Thời gian này gia đình cũng chưa hề phát hiện ra Dương mắc chứng “nghiện game”, “nghiện Nét” nên vẫn đều đặn cho con tiền. Tệ hại nhất là, số tiền gia đình cho Dương nộp học phí đã bị cậu “đốt” hết vào niềm đam mê game của mình. Với chi phí khoảng 40 đến 50 ngàn cho một ngày ngồi Nét đánh game, quả thật gia đình chu cấp cho Dương không thể xuể được. Mới đầu quán Nét vì quá quen mặt rồi nên vẫn cho nợ. Dương thì lại cứ vô tư với ý nghĩ “cho nợ thì cứ chơi rồi trả sau lo gì”.

Cái trò chơi game này thường thì chơi một mình sẽ nhanh chán mà phải có bạn. Thế là những người mê game thường tụ lại và kết thân với nhau. Dương thì kết thân với Khôi. Hai người quen nhau và trở nên thân thiết cũng bởi niềm đam mê ngồi lỳ quán Nét và bàn về các nhân vật "anh hùng" trong game.

Dương cũng chỉ biết đại khái rằng Khôi đang học một trường Trung cấp. Hàng ngày, hai người vẫn say mê với các nhân vật "anh hùng" trong game của mình. Hôm thì Khôi trả tiền, hôm thì Dương trả tiền. Nhưng rồi đến lúc cả hai đều mắc nợ quán Nét. Vì là chỗ quen biết với Dương hơn, mọi khoản nợ như ăn uống, thuê máy... của Dương và Khôi đều được chủ quán ghi vào danh sách nợ của Dương.

Hai người cứ say mê như thế, cho đến một hôm chủ quán thông báo số tiền nợ đã lên đến 7 triệu đồng thì cả Dương và Khôi mới hoảng hồn. Khôi bảo với Dương sẽ về quê xoay tiền ra trả. Khôi đi rồi, Dương cứ ngóng từng ngày Khôi mang tiền ra để trả cho quán Nét để rồi hai người lại tiếp tục "hành trình đến với thế giới ảo".

Nhưng một tuần trôi qua, rồi hai tuần vẫn không thấy tăm hơi của Khôi đâu cả. Chủ quán thấy thời gian hứa trả nợ đã quá nhiều ngày nên đã giục Dương. Đã từ lâu Dương làm mất niềm tin của gia đình nên cũng không dám ló mặt về quê để xin tiền. Mà số tiền lớn bằng cả một năm ăn học bình thường của một sinh viên thì lấy đâu ra ngay, biết ăn nói thế nào... Vả lại nhà Dương cũng không khá giả gì.

Không thể chờ hơn được nữa, chủ quán Nét đã dùng biện pháp mạnh. Họ giữ Dương ở lại không cho về đi học nữa và bảo “khi nào Khôi mang tiền đến trả thì mới cho Dương đi”. Dương đã bị chủ quán Nét “giam giữ” mất một tuần và vẫn cho chơi game, ăn uống nhưng tuyệt đối không được rời khỏi quán...

Dương vẫn cứ tin rằng Khôi sẽ mang tiền đến. Nhưng càng chờ càng thất vọng. Dương gọi điện thoại vào số điện thoại mà có lần Khôi cho nhưng chỉ thấy báo là số điện thoại không liên lạc được. Quá bực tức và cho rằng Dương lừa đảo, chủ quán Nét đã cho Dương mấy trận bạt tai đến tím cả mắt.

Vì bị “giam lỏng” ở quán Nét, Dương không thể đi học được. Dương đã van nài chủ quán cho mình về đi học không thì bị học lại. Thấy Dương van nài nhiều quá, chủ quán chắc sợ mình phạm tội giữ người trái phép nên đồng ý cho Dương về đi học nhưng ra điều kiện: hàng ngày sau giờ học, Dương phải đến quán Nét ngồi "điểm danh", tiếp tục đợi Khôi mang tiền đến trả hoặc khi nào có tiền trả thì thôi. Giả sử Dương có ý định trốn thì cũng không thể. Vì ở cổng trường lúc nào cũng thấy lảng vảng mấy thanh niên trông rất bặm trợn để canh chừng Dương bỏ trốn.

Mặc dù được về lên giảng đường học nhưng Dương không còn đâu tâm trí học. Ngồi nghe giảng mà Dương chỉ nghĩ xem có cách nào để xoay tiền trả quán Nét. Khôi thì biệt tăm rồi. Độ này lại sắp vào mùa thi, nên nhà trường tiến hành rà soát và thông báo nếu sinh viên nào chưa nộp học phí sẽ không được thi. Dương đã lo lại càng lo hơn vì số tiền ngày trước gia đình cho nộp học phí đã nướng cả vào game rồi, giờ không biết xoay xở thế nào.

Kỳ thi đến, Dương đã không được thi một trong 4 môn và tin này được nhà trường thông báo cho gia đình cậu. Rồi Dương đã phải nói thật với gia đình về khoản nợ quán Nét. Rất giận, nhưng gia đình cũng trả nợ cho Dương.

Giờ đây, Dương không phải ra quán nét "điểm danh" nữa. Nhưng khi bạn bè cùng lớp, cùng phòng ký túc xá ung dung chuẩn bị lên năm thứ hai thì Dương đang cố gắng trả nốt những học trình còn nợ chưa được thi.

Gặp tôi, Dương bảo “mình thấy có lỗi với gia đình và thương cha mẹ quá! Từ nay thì cạch quán Nét đến già”. Tôi mừng cho Dương đã nhận ra khuyết điểm, đã thoát khỏi cơn nghiện game nhưng lại lo không biết cậu bạn có trả hết nợ các môn để được lên lớp hay không.

Hoàng Việt Thịnh
(Lạng Sơn)

LTS Dân trí - Câu chuyện trên đây đúng là bài học phản diện cho những sinh viên ham chơi.

Trên thực tế, không thiếu những sinh viên vốn chăm chỉ học hành khi còn học ở phổ thông và sống ở gia đình, luôn được sự chăm sóc giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng khi đỗ đại học, xa gia đình lên sống ở những thành phố lớn, nhiều điều cám dỗ bày ra trước trước mắt, nếu không biết tập trung cho học tập và biết tự răn mình thì rất dễ bị sa ngã vào những tệ nạn xã hội mà hậu quả thật khó lường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm