Bạn đọc viết:

Dịch vụ sang tên đổi chủ xe mọc lên như nấm ở Hà Nội

(Dân trí) - Sau khi nghị định 71/CP có hiệu lực từ ngày 10/11/2012, hàng loạt các dịch vụ tìm chủ gốc của xe ra đời, nhưng gần hoạt động này đã trở nên hoàn thiện và hình thành một nghề mới mang tên sang tên đổi chủ ô tô, xe máy.

Dạo trên các trang web thật dễ dàng để tìm được một cơ sở kinh doanh dịch vụ sang tên đổi chủ ô tô, xe máy.
 
Nhiều người chấp nhận bỏ phí sang tên đổi chủ để tránh bị xử phạt
Nhiều người chấp nhận bỏ phí sang tên đổi chủ để tránh bị xử phạt

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết thủ tục sang tên đổi chủ xe được quảng cáo tại các cơ sở này tương đối đơn giản theo cách “thiếu đâu bù đấy”. Đa phần các điểm kinh doanh này chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp một số giấy tờ cơ bản như: Bản sao chứng minh thư, hộ khẩu thường trú của chủ xe mới, ảnh chụp mới nhất của chủ mới với chiếc xe, nhìn rõ biển số và bản sao giấy đăng ký xe, số kiểm định và hóa đơn mua bán.

Mặc dù, trên thông tin quảng cáo về “nghề” mới này đều rất hấp dẫn, uy tín, nhanh gọn, giá cả hợp lý và có giảm giá cho sinh viên, người ngoại tỉnh nhưng thực tế giá cả mà các cơ sở này đưa ra rất cao. Qua tìm hiểu được biết phí sang tên đổi chủ hoàn chỉnh giao động từ 3 - 7 triệu đồng tùy thuộc vào loại xe, nơi thường trú của chủ gốc.

Chị Trần Thị Minh Hải (đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Khi biết được thông tin xử phạt hành vi đi xe không chính chủ nên tôi tìm đến dịch vụ tìm chủ cũ, hỗ trợ sang tên đổi chủ tại số 86 - phố Chùa Hà. Tại đây, người ta đòi tôi 3,5 triệu cho chiếc xe mà tôi mua với giá 16 triệu.

Khi tôi hỏi tại sao giá đắt như vậy, người ta đưa ra rất nhiều lý do như do xe trước đây mua ở chợ xe nên không chắc chắn về pháp luật, chủ xe ở ngoại thành và hàng loạt các loại phí đi lại, bồi dưỡng cho chủ xe cũ, phí công chứng giấy tờ…. và họ có nói giá như vậy là mềm nhất rồi, không cơ sở nào làm thấp hơn”.

Mọi hoạt động đều không có hợp đồng rõ ràng chỉ là “giao kèo miệng” giữa chủ xe và cửa hàng, nên không có một sự đảm bảo rõ ràng cho khách hàng.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm được chủ gốc vì vậy khách hàng phải chấp nhận rủi ro rất cao mà vẫn phải trả toàn bộ chi phí tìm kiếm. Chính vì vậy đã có rất nhiều trường hợp mất tiền oan mà vẫn không thể sang tên đổi chủ cho chiếc xe.

Anh Lê Tiến Thành, chủ cửa hàng phở tại phố Hàng Trống cho biết: “Tôi mua một chiếc SH qua người quen, nhưng hiện giờ anh ý chuyển đi đâu tôi không biết. Tôi có ra phố Huế làm dịch vụ sang tên cho xe với giá 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên sau hai tuần họ gọi tôi đến và thông báo không tìm được chủ nhưng không trả lại số tiền tôi đã đặt cọc là 3 triệu đồng, giải thích đó là tiền đi lại, ăn uống. Tôi không biết cách nào để lấy lại số tiền đã mất vì tôi không có giấy tờ gì làm bằng chứng”.

Tìm đến các cơ sở được quảng cáo rầm rộ trên mạng, thì thấy rằng tất cả các cơ sở này đều không để biển hiệu cụ thể mà chỉ là hoạt động “núp bóng” một loại hình kinh doanh khác.

“Nghề” này không chỉ xuất hiện ở Hà Nội mà còn diễn ra tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn chưa có một khung quản lý nhất định cho hoạt động kinh doanh này, nên còn nhiều kẽ hở, vì vậy các chủ xe cần xem xét kỹ lưỡng trước khi tìm đến các dịch vụ sang tên đổi chủ, tránh để tình trạng “mất tiền oan”.

Vũ Thị Thúy - Nguyễn Vũ