Tư vấn pháp luật:
Di chúc không công chứng có hiệu lực pháp lý không?
(Dân trí) - Khi còn sống mẹ tôi tự tay viết di chúc cho tôi nhà đất nhưng không có người làm chứng, không công chứng. Nay mẹ tôi mất, vậy di chúc viết tay của mẹ tôi có hiệu lực pháp luật không?
Tôi có thể mang di chúc ra cơ quan công chứng khai nhận thừa kế được không? (Lê Hoài Thu,Thanh Miện- Hải Dương, Email: thudang@gmail.com).
Ảnh minh họa
Trả Lời:
1. Vấn đề thứ nhất: Di chúc viết tay có hiệu lực pháp luật không?
Theo quy định tại Điều 652 Bộ Luật dân sự 2005, di chúc được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật; Về Nội dung di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ (điều 653).
Đồng thời tại Điều 655 BLDS 2005 quy định Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì: Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào văn bản di chúc nếu di chúc của mẹ bạn đảm bảo các vấn đề trên thì có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
2. Vấn đề thứ hai: Có thể khai nhận thừa kế tại cơ quan công chứng di chúc viết tay được không?
Về mặt lý luận thì di chúc của mẹ bạn có thể có hiệu lực theo pháp luật, tuy nhiên trên thực tế để cơ quan công chứng có thể khai nhận thừa kế theo nội dung viết tay của mẹ bạn hay không thì lại gặp trở ngại. Vì, cơ quan công chứng không thể biết và thẩm định được di chúc đó có phải do mẹ bạn tự lập và ký vào di chúc hay không nên không có cơ sở để Cơ quan công chứng đánh giá Di chúc đó là hợp pháp hay không nên không thực hiện được thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc viết tay như trên. Do đó, trong trường hợp này bạn có thể lựa chọn việc khai nhận thừa kế theo pháp luật (những người được thừa kế khác theo pháp luật từ chối hoặc tặng cho lại phần mà họ được hưởng để đạt kết quả cuối cùng là bạn được nhận toàn bộ tài sản theo đúng ý nguyện của mẹ bạn hoặc nếu trường hợp không thống nhất được việc khai nhận thừa kế thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo di chúc và Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền công nhận di chúc đó là hợp pháp hay không.
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phớm 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc