Dẹp loạn phí trông xe - chẳng lẽ phải... nằm mơ

(Dân trí) - Chỉ vài ngày trước, sau sự việc Giám đốc CAHN Nguyễn Đức Nhanh cũng bị thu phí trông xe quá quy định, nhiều độc giả đã phấn khởi trước quyết tâm dẹp vấn nạn này của ông. Nhưng xem ra thực tế không... dễ như vậy.

Đọc bài “Ngồi đấy mà… mơ!” của tác giả Bùi Rửa Bát, thấy mẹ Bống phân tích về hai chữ “quyết tâm” ngày nay, nhiều độc giả bày tỏ đồng tình. Và không chỉ mẹ Bống bi quan, mà  đại đa số bạn đọc cũng e ngại rằng một lần nữa câu chuyện về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt xe sử dụng còi hơi... sẽ được lặp lại với dẹp loạn phí trông xe.

 

“Cái này tốn rất nhiều giấy mực rồi, vẫn chưa giải quyết được, công viên Thủ Lệ xe máy vẫn 5000đ như thường. Chán, chẳng muốn quan tâm họ quyết tâm đến đâu nữa” - nguyen tien quang - Nam - 37 tuổi - Từ Hà Nội viết.

 

Còn Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Nữ - 25 tuổi - Từ Phú Thọ rất tâm đắc với nhận định của mẹ Bống: “Đúng là HN đất chật người đông? Người thì ở nhà méo mó? Xe thì gửi với giá cắt cổ? Vừa đi ô tô - vừa đi xe máy? tội nghiệp? Mẹ Bống nói thế là đúng đấy “Nằm đấy mà mơ”, làm gì đã có cơ sở nào cho mẹ Bống tin tưởng chứ? Bố Bống cứ bình tĩnh nhé!”
 
Dẹp loạn phí trông xe - chẳng lẽ phải... nằm mơ - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Aoi - Nữ - 18 tuổi - Từ Đồng Nai nêu thực trạng: “Đúng là cả quyết lẫn tâm đúng là mơ nhá. Cứ dính cái “tâm” hay cái “nhu” là đến tám hoánh. Mấy lãnh đạo cấp cao mạnh tay thật, nhưng qua bao nhiêu cấp, bao nhiêu chi, cuối cùng cái người trực tiếp đi dẹp lại là những chú “cấp dưới”... Mà cấp cao quá thì bao nhiêu việc phải lo, mà lại có mình mấy bác ấy. Cấp dưới bác ấy nữa thì lại quá ít, đi giám sát được vài nơi 1 ngày chứ đâu thể giám sát hết mọi nơi mà bàn giao?”.

 

“...Đúng là mơ, chờ ý thức thì... Như sáng nay ngoài chợ đi bắt mấy xe người dân dựng ngoài đường. Người ta nép sát vào lề rồi còn bắt được. Trong khi 1 xe ô tô biển xanh đứng chình ình nửa con đường, khiến xe máy phải lạng qua phần đường ngược chiều, thì vẫn đứng vô tư mấy tiếng” - độc giả này đồng thời cũng không khỏi bức xúc trước thực tế nhiều công bộc của dân vẫn vi phạm luật lệ.

 

Cho rằng việc xóa bỏ các điểm thu phí trông xe quá quy định sẽ rất khó khăn, độc giả MC - Nữ - 27 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh nêu nguyên do: “Chế tài xử phạt thật nặng những điểm trông giữ xe như thế còn chưa ra đời và không biết khi nào mới ra đời. Và trong khi nó còn chưa ra đời thì vô khối người còn bị thiệt và cũng không ít người đang hưởng lợi. Nếu giờ đây người dân bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thì đến khi nào người dân “bắt buộc” phải trả tiền trông giữ xe theo đúng quy định?”

 

Bá Nghiệp - Nam - 24 tuổi - Từ Hà Nam đề xuất: “Tôi thấy trông xe cũng là 1 hình thức kinh doanh, chủ bãi trông xe cũng có thể coi là chủ 1 doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định của nhà nước về kinh doanh. Do đó nếu nhà nước yêu cầu các bãi trông xe niêm yết giá vé trên vé xe thì sẽ phần nào giảm bớt được tệ nạn này. Nếu nhân viên trông xe thu giá cao hơn giá niêm yết thì lúc ấy sẽ báo lên ban quản lý khu vực. Tất nhiên, để các quy định này được thực hiện thì khách hàng (tức người gửi xe) phải tích cực góp ý và đặc biệt hơn, những người “quản lý khu vực” cần phải thực sự nghiêm ngặt và tích cực!”
 

Cùng quan điểm đó, Quan Tâm - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội viết: “Trách nhiệm chủ yếu là ở các nhà quản lý. Trông xe cũng là một hoạt động kinh doanh, phải tuân thủ theo pháp luật chứ. Để công tác chống lạm phát đang trở nên cấp bách, cần phải siết chặt cả công tác quản lý bãi trông giữ xe”.

 

Hien Ho - Nữ - 50 tuổi - Từ Hà Nội nêu ý kiến: “Sao ta không học nước ngoài là đặt các máy thu tiền bên đường, khách gửi xe tự trả tiền vào máy và nhận hóa đơn. Cái máy nó không biết tăng giá nên khách gửi xe không bị móc túi và bức xúc như thế này. Hay nếu như vậy thì một số người lại bị "thâm hụt ngân quĩ"?.
 
Tương tự, Bình Minh - Nữ - 22 tuổi - Từ Hà Nội nêu rõ: dẹp tệ thu phí trông xe này rõ ràng là không khó, nhưng e rằng nếu dẹp đi sẽ động chạm đến quyền lợi của ai đó. “Mọi cái quyết tâm nếu mang lại lợi ích cho ai đó thì cố gắng sẽ làm được ngay. Nhưng đằng này mấy cơ quan chức năng nếu quyết tâm thì lại có thể giảm đi lợi ích của họ. Thử hỏi không còn ai vi phạm nữa thì có phải lợi ích của họ mất đi không. Nên là vẫn cứ để vi phạm nhưng vẫn cứ hô Quyết Tâm, có ai phạt đâu mà sợ (?)".
 
Hoa - Nữ - 46 tuổi - Từ Hà Nội nhắn nhủ: “Các cơ quan thực thi pháp luật hãy “đừng chỉ nói mà hãy hành động, nói thì dễ, làm mới khó”. Vấn nạn này giải quyết quá dễ vì quy định của pháp luật đã rõ ràng.

Vấn đề ở đây là ở khâu thực hiện, các cơ quan thực thi pháp luật có thực hiện đúng theo pháp luật hay không? nếu không thì lý do tại sao lại không thực hiện? Có cơ quan thực thi pháp luật lại bao biện rằng đã thực hiện xử phạt hành vi của họ, nhưng hành vi vi phạm vẫn tái diễn. Chẳng nhẽ vì vậy mà cơ quan thực thi pháp luật phải bó tay? Vậy ra chính quyền cũng bó tay với vi phạm?

Nếu xét thấy chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm để răn đe, thì chính quyền cần phải có biện pháp khác, mạnh hơn để xử lý dứt điểm (ví dụ như thu hồi giấy phép trông giữ xe vĩnh viễn). Đừng để người dân sống trong xã hội mà phải bức xúc vì những điều cỏn con, như phí trông giữ xe........
 
Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về diendan@dantri.com.vn

 

Trần Bách