Cao Bằng:

Đề nghị xem xét việc thu hồi đất người dân sinh sống ổn định suốt 30 năm

(Dân trí) - Trước thông báo lịch chốt về việc buộc tháo dỡ nhà, di chuyển tài sản giải phóng mặt bằng lô đất số 133 khu dân cư Kim Đồng - phường Hợp Giang - TP Cao Bằng trước ngày 31/12/2015, bà Trần Thị Yếm đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét bởi đây là mảnh đất bà cũng gia đình đã sinh sống ổn định suốt hơn 30 năm.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của bà Trần Thị Yếm cho biết: Năm 1942, ông nội tôi là Trần Văn Lâm mua và sử dụng thửa đất số 67, sổ đăng bạ 633, tờ bản đồ 12 thời pháp, diện tích 149 m2. Đến năm 1943 bố tôi ông Trần Văn Châu được quyền thừa kế quyền sử dụng đất này. Năm 1971, UBND tỉnh Cao Bằng có Quyết định 155/UB-NL-NĐ ngày 18 tháng 05 năm 1971 “Về việc trưng dụng khu đất phía giáp sông Bằng Giang, dãy phố thầu để xây công trình phúc lợi công cộng”. Tuy nhiên trên thực tế, Nhà nước không bồi thường, không giải phóng mặt bằng các hộ dân trong đó có bố tôi vẫn sử dụng nguyên trạng.


Đơn kêu cứu bà Trần Thị Yếm gửi báo Dân trí.

Đơn kêu cứu bà Trần Thị Yếm gửi báo Dân trí.

Năm 1978, năm 1979 vì lý do chiến tranh, Nhà nước vận động người dân tháo dỡ nhà cửa di chuyển để chuẩn bị cho chiến tranh. Gia đình tôi cũng tháo dỡ theo đúng chủ trương “vườn không nhà trống”.Sau chiến sự năm 1979 do không có nơi ăn chốn ở, tôi cùng gia đình quay về  vị trí đất cũ lúc này đã bỏ hoang đầy lau cỏ, thùng vũng cắm nhà để ở.

Đến năm 1993 UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định 446/UB-QQĐ-NĐ “Về việc thu hồi đất- phê duyệt mặt bằng địa giới cấp đất xây dựng khu dân cư phố Kim Đồng”. Thực hiện dự án này Nhà nước cắm trả lại cho ông Trần Văn Châu 1 lô đất 55,51m2. Đến năm 2006 thực hiện Quyết định  2611/QĐ-UBND ngày 24/11/2006 Nhà nước giao tiếp 1 lô số 132 cho ông Châu và đến năm 2008, bố cho tôi và nay đã làm sổ đỏ. Thực tế gia đình tôi vẫn sử dụng lô 133 từ năm 1979 đến nay, còn lô 132 hiện nay chưa có công trình xây dựng nên không thể ở.

Ngày 15/12/2015, tôi nhận Thông báo “Về việc tháo dỡ nhà, di chuyển tài sản, giải phóng mặt bằng lô đất số 133- Khu dân cư phố Kim Đồng, phường Hợp Giang, thành phố  Cao Bằng (lần 3)”.  Thông báo này yêu cầu gia đình tôi phải “tháo dỡ nhà, di chuyển tài sản, vật kiến trúc xong trước ngày 31 tháng 12 năm 2015. Quá thời hạn trên nếu gia đình bà Trần Thị Yếm không chấp hành tự tháo dỡ nhà và di chuyển tài sản, Nhà nước sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định pháp luật”. Gia đình tôi thực sự hoang mang, bàng hoàng trước một thông báo này của UBND thành phố Cao Bằng”.


Xác nhận về việc bà Yếm sinh sống ổn định trên thửa đất hơn 30 năm.

Xác nhận về việc bà Yếm sinh sống ổn định trên thửa đất hơn 30 năm.

Theo bà Yếm, thông báo này thể hiện đây là thông báo lần 3 tuy nhiên gia đình bà mới chỉ nhận được Thông báo 130/TB-UBND  (lần 1) ngày 26/12/2014 chứ không hề có văn bản nào thông báo lần 2.

Việc bà Yếm cùng gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ trên và sinh sống ổn định lâu dài trên lô đất 133 từ năm 1982 đến nay không tranh chấp đã được UBND phường Hợp Giang xác nhận với chữ ý và đóng dấu của ông Nguyễn Xuân Hiệp - Chủ tịch UBND phường.

Cùng với việc sinh sống ổn định, lâu dài, hàng năm, bà Yếm vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước.

Liên quan đến sự việc, trong công văn trả lời đơn đề nghị công dân số 76/UBND-TNMT của UBND TP Cao Bằng gửi bà Trần Thị Yếm, UBND TP Cao Bằng cho rằng: Năm 2006, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định phê duyệt mặt bằng điều chỉnh quy hoạch và dự án xây dựng khu phố Kim Đồng (phố Thầu). Tại khoản 2 quyết định này có quy định: Đối với các hộ gia đình là chủ sử dụng cũ tại khu vực, có hồ sơ giấy tờ đăng ký ở sổ điền bạ của cơ quan quản lý đất đai, chưa được giao, cấp đất bồi thường ở khu dân cư khác và đã được giải quyết giao lại 1 lô ở mặt phố Kim Đồng thì được xem xét giao lại thêm 1 lô theo quy hoạch.

Đề nghị xem xét việc thu hồi đất người dân sinh sống ổn định suốt 30 năm - 3

Công văn trả lời bà Yếm của UBND TP Cao Bằng.

Công văn trả lời bà Yếm của UBND TP Cao Bằng.

Theo công văn, bà Yếm đã được giao và làm thủ tục đứng tên lô 132 và được cấp sổ đỏ. Vì vậy UBND TP Cao Bằng thông báo cho bà Yếm tháo dỡ tài sản của gia đình bà trên lô 133 để Nhà nước bán đấu gía.

Tuy nhiên, bà Yếm cho rằng: “Lô đất số 133 thuộc phần đất cũ của ông cha chúng tôi, Nhà nước có văn bản trưng dụng, thu hồi nhưng thực tế không hề triển khai, người dân không được bồi thường và vẫn tiếp tục sử dụng đất. Tính đến nay trên 30 năm gia đình tôi sử dụng ổn định, hiện nay có hai hộ gia đình với gần chục nhân khẩu sinh sống trên đất này. Suốt 30 năm nay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa bao giờ quản lý đất của tôi, chưa bao giờ có văn bản thông báo gia đình tôi vi phạm việc sử dụng đất. Theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 100 Luật đất đai năm 2013 trường hợp sử dụng đất của gia đình tôi là “có giấy tờ về quyền sử dụng đất do chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”  hoặc theo quy định tại điều 101 Luật đất đai năm 2013 thì trường hợp của gia đình tôi có đủ cơ sở để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu giả sử chúng tôi có sai phạm gì thì chúng tôi cho rằng thời điểm để UBND thành phố Cao Bằng yêu cầu người dân tháo dỡ nhà di chuyển tài sản là hoàn toàn không phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước là không được tiến hành cưỡng chế trong thời gian trước và sau Tết từ 15 đến 30 ngày; các ngày nghỉ, ngày lễ khác theo quy định của pháp luật. Rõ ràng hiện nay là đã là những ngày Tết dương lịch, cận kề Tết Nguyên Đán”.


Bà Yếm cho rằng thông báo yêu cầu gia đình bà tháo dỡ nhà, giải phóng mặt bằng vào những ngày giáp Tết là không phù hợp.

Bà Yếm cho rằng thông báo yêu cầu gia đình bà tháo dỡ nhà, giải phóng mặt bằng vào những ngày giáp Tết là không phù hợp.

Nhận định về sự việc, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa cho rằng: “Trường hợp sử dụng đất của gia đình bà Yếm thuộc trường hợp quy định tại điều 4 Nghị Quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 04 năm 2005 “Quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện  các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/07/1991”. Theo đó:“Đối với nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Lạng Thương