Bài 3:

Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc cho mượn đất bị tòa xử luôn mất đất tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), theo luật sư Nhâm Mạnh Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định thì Bản án sơ thẩm số 25/2015/DS-ST của TAND thành phố Hà Nội ngày 28,29/5/2015 và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 235/QĐ-DSPT của TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 20/12/2016 cần phải được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Liên quan đến vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất với diện tích 19,2m2 tại 246 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về việc mượn đất không trả giữa nguyên đơn: ông Nguyễn Duy Thạch với bị đơn: ông Bùi Quang Voòng, có nhiều tình tiết bất hợp lý mà không được Tòa án nhân dân có thẩm quyền xác minh, làm rõ, dẫn đến ban hành các Bản án trái pháp luật. Mặc dù, vụ án đã được phán xử thấu tình, đạt lý bởi Bản án sơ thẩm số 16/2007/DSST ngày 28/9/2007 của TAND quận Hai Bà Trưng. Vậy mà, các Bản án/Quyết định sau của TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao lại kết luận vụ án thiếu khách quan, buộc người cho mượn đất phải chịu mất đất một cách khó hiểu, chính sự vô lý này đã gây hao tổn rất nhiều giấy mực của dư luận trong thời gian vừa qua.

Theo luật sư Nhâm Mạnh Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định thì Bản án sơ thẩm số 25/2015/DS-ST của TAND thành phố Hà Nội ngày 28,29/5/2015 và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 235/QĐ-DSPT của TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 20/12/2016 cần phải được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, bởi:

Thứ nhất, các nhận định trong Bản án sơ thẩm số 25/2015/DS-ST ngày 28,29/5/2015 không phù hợp với những tình tiết khách quan, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất! - 1
Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất! - 2

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên người mượn đất phải trả lại đất.

Một là, các lời khai của những người tham gia tố tụng về diện tích 29,5m2 đất mà gia đình ông Voòng nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Vọng có sự mâu thuẫn:

Theo như ông Voòng trình bày thì gia đình ông đã được UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 50,7m2 vào ngày 28/12/2002 ( gồm 17m2 theo bản án số 50 + 29,5m2 mua của ông Vọng + 4,2m2 dôi ra). Trong đó: Nguồn gốc diện tích 17m2 mà gia đình ông Voòng được sử dụng là theo quyết định của Bản án số 50 ngày 23/01/1991 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình cụ Kỷ (bố của ông Voòng) với gia đình cụ Cộng. Còn về nguồn gốc diện tích 29,5m2 là do gia đình ông Voòng nhận chuyển nhượng từ gia đình ông Nguyễn Văn Vọng. Tuy nhiên, các lời khai của những người tham gia tố tụng về diện tích đất nhận chuyển nhượng của gia đình ông Voòng hoàn toàn mẫu thuẫn, không khớp về diện tích nhận chuyển nhượng, cụ thể:

Đối với lời khai của ông Nguyễn Văn Vọng - là người bán đất cho gia đình ông Voòng: Tại Biên bản lấy lời khai ngày 08/9/2011, ông Vọng đã khai: “bán cho gia đình ông Voòng 02 khổ đất với diện tích tổng là 39,5m2, cụ thể: Khổ 1: diện tích 29,5m2 với giá 20.000.000 đồng, gồm có bếp cũ (có giấy chuyển nhượng viết tay), Khổ 2: diện tích khoảng 10m2 với giá là 1 chỉ vàng – đây chính là diện tích đang tranh chấp (không viết giấy tờ chuyển nhượng)”. Trong khi, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đòi lại diện tích đất sân và lối đi với tổng diện tích là 19,2m2 đất, chứ không phải là 10m2 như ông Vọng đã khai.

Đối với lời khai của ông Voòng: Dựa vào toàn bộ hồ sơ, tài liệu mà ông Voòng cung cấp thì ông Voòng có 02 Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Voòng và ông Vọng. Tuy nhiên, 02 Giấy chuyển nhượng này có rất nhiều nghi vấn cần phải được đưa ra làm rõ, bởi nội dung và hình thức của 02 Giấy chuyển nhượng này giống y nhau, được ký cùng một ngày, duy nhất chỉ khác về diện tích đất nhận chuyển nhượng (tổng diện tích của 02 khổ đất là 65m2, cụ thể: diện tích 1 là 29,5m2 và diện tích 2 là 35,5m2). Trong khi tại các giấy tờ kèm theo Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của ông Bùi Quang Voòng chỉ có 01 Giấy chuyển nhượng lại nhà bếp giữa ông Vọng với ông Voòng. Tuy nhiên, trong các lời khai của ông Voòng về tổng diện tích đất ông đã mua của ông Vọng chỉ là 29,5m2. Như vậy, lời khai của ông Voòng về diện tích đã nhận chuyển nhượng từ ông Vọng đã có sự mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ mà ông Voòng đã cung cấp.

Đối với lời khai của ông Kình - là em trai ông Voòng: Tại phiên tòa xét xử ngày 28,29/5/2015, ông Kình có lời khai xác nhận trước đây anh em ông có khởi kiện xin chia thừa kế, có xác nhận ông Voòng chỉ mua của ông Vọng 9m2 đất, còn hơn 20m2 là của cụ Kỷ mua của ông Vọng.

Như vậy, theo các lời khai của người tham gia tố tụng có sự mâu thuẫn về diện tích đất mà ông Voòng nhận chuyển nhượng. Việc xác định chính xác về diện tích nhận chuyển nhượng của ông Voòng là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án. Vậy mà tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã không làm rõ những mâu thuẫn giữa các lời khai của người tham gia tố tụng, mà mặc nhiên công nhận các chứng cứ do bị đơn cung cấp để xét xử là không đúng quy định pháp luật.

Hai là, Hội đồng xét xử không công nhận, đánh giá chứng cứ nguyên đơn cung cấp là không đúng theo quy định tại Điều 96 Luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi 2011 về đánh giá chứng cứ:

Về tờ trích biên bản giải quyết nhà đất ngày 31/01/1983: Theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi 2011 quy định về nguồn chứng cứ: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn đượ c”. Như vậy, tờ trích biên bản trên mà nguyên đơn cung cấp là một nguồn chứng cứ. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi 2011 quy định về xác định chứng cứ: Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận ”. Trong khi đó, tờ trích biên bản giải quyết nhà đất ngày 31/01/1983 đã được UBND phường Minh Khai cung cấp và xác nhận. Do vậy, tờ trích biên bản giải quyết nhà đất ngày 31/01/1983 phải được xác định là chứng cứ theo quy định pháp luật.

Vi bằng số 70 +72 -2015/VBTPLHK do Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm lập ngày 22/5/2015 ghi lại những ý kiến của ông Nguyễn Như Phụng và ông Khúc Đình Khiên về phần diện tích lối đi và phần sân đang tranh chấp tại 246 Minh Khai: Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Như vậy, Vi bằng số 70 +72 -2015/VBTPLHK do Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm lập ngày 22/5/2015 phải được công nhận là chứng cứ hợp pháp.

Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất! - 4
Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất! - 5
Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ cho mượn đất, tòa xử luôn mất đất! - 6

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Biên bản đối chất về việc mượn đất giữa hai gia đình.

Dựa vào những căn cứ trên cho thấy, việc TAND thành phố Hà Nội không chấp nhận chứng cứ là Tờ trích biên bản giải quyết nhà đất ngày 31/01/1983 và Vi bằng số 70 +72 -2015/VBTPLHK do Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm lập ngày 22/5/2015 là hoàn toàn trái pháp luật, đã vi phạm quy định tại Điều 82, Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi năm 2011, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khách quan và chính xác trong quá trình xét xử.

Thứ hai, Hội đồng xét xử ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 235/2016/QĐ-DSPT làm đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Ngày 20/12/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án dân sự số 235/2016/QĐ-DSPT. Tuy nhiên, ngày 18/12/2016, chị Hoàng Thị Liên – là người đại diện theo ủy quyền cho cụ Thạch phải nhập viện cấp cứu và điều trị nội trú tại Khoa thần kinh bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội, còn anh Hoàng Văn Tiến là con trai cụ Thạch cũng đang phải nằm điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Do vậy, anh Tiến và chị Liên không thể tham gia phiên tòa vào ngày 20/12/2016. Vì vậy, ngày 19/12/2016, chị Liên đã gửi chuyển phát nhanh đơn xin hoãn phiên tòa, kèm theo các tài liệu chứng minh mình đang nằm viện (bản phô tô) đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Do đang phải nằm viện điều trị nên bản gốc bệnh án và các tài liệu liên quan, chị Liên không thể giao nộp cho Tòa án ngay được (trở ngại khách quan).

Sau đó, chị Liên đề nghị Văn phòng Luật sư Quốc Thái - là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Duy Thạch nộp trực tiếp Đơn xin hoãn phiên tòa và các tài liệu kèm theo tới Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chứng minh chị Liên và anh Tiến đang nằm viện (kèm bản gốc để đối chiếu). Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hoãn phiên tòa là bà Hà Lê Giang đã đối chiếu các tài liệu phô tô với bản gốc, lập phiếu nhận đơn số 412 với nội dung “nhận đơn hoãn phiên tòa xét xử ngày 20/12/2016”. Như vậy, việc chị Liên nằm viện đã được thông báo tới Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trước khi phiên Tòa xét xử phúc thẩm diễn ra bằng hình thức chuyển phát nhanh và nộp trực tiếp tại Tòa án vào ngày 19/12/2016. Đến ngày 21/12/2016 chị Liên mới được xuất viện (Giấy ra viện số 39643) và điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, ngày 20/12/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm và ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 235/QĐ- DSPT, với lý do “các tài liệu thể hiện việc chị Liên và anh Tiến đang điều trị bệnh chỉ là bản phô tô. Nên những tài liệu này không có đủ cơ sở làm chứng cứ của vụ án”. Nhận định này là không có cơ sở. Bởi, như đã nêu ở trên mặc dù những tài liệu này là bản phôtô nhưng đã được cán bộ tòa án đối chiếu với bản gốc nên đủ cơ sở làm chứng cứ của vụ án. Trong trường hợp này, lẽ ra Hội đồng xét xử nên xem xét đối với trường hợp ốm đau của chị Liên, anh Tiến để hoãn phiên tòa, đảm bảo quyền được tham gia phiên tòa của các đương sự, tránh gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Theo quy định pháp luật thì trước khi Hội đồng xét xử đưa ra nhận định, kết luận vụ án, cần phải đánh giá chứng cứ toàn diện, khách quan, đầy đủ và chính xác, phải đánh giá từng chứng cứ cũng như sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ (Điều 96 Luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi 2011 và Điều 108 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Vậy mà đối với các chứng cứ hợp pháp mà nguyên đơn đã cung cấp cho Tòa án lại không được xác định, đánh giá, nhìn nhận khách quan dẫn kết hậu quả là các chứng cứ đó đã không được Tòa án công nhận để đưa vào giải quyết vụ án. Chính sự không tuân thủ đúng quy định pháp luật về xác định, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử đã dẫn đến ban hành các bản án thiếu khách quan, gây sự phẫn nộ cho gia đình nguyên đơn và các độc giả quan tâm đến vụ án này.

Do vậy, để giảm sự phẫn nộ của dư luận, tránh gây thiệt hại cho đương sự thì điều cần thiết, cấp bách ngay lúc này là Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự số 235/QĐ-DSPT của TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 20/12/2016 phải được Tòa án có thẩm quyền xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Dân trí sẽ tiếp tục đưa tin tới bạn đọc.

Anh Thế