Đề nghị dừng Dự án Nam An Khánh thiếu căn cứ pháp lý

(Dân trí)- Gần đây nhiều cổ đông của Công ty Sudico đã liên hệ với toà soạn Báo Dân trí bày tỏ sự lo lắng về thông tin Thanh tra Chính phủ đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Nam An Khánh.

Đề nghị dừng Dự án Nam An Khánh thiếu căn cứ pháp lý - 1
Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Tập đoàn Sông Đà tham quan mô hình nhà mẫu
tại Dự án Nam An Khánh của Sudico. (Ảnh: Vũ Văn Tiến, chụp ngày 23/2/2010)

Trước sự việc trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư AIC (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh sự việc này.

Thưa luật sư Lê Thanh Sơn, ông có ý kiến gì về đề nghị này của Thanh tra Chính phủ?

Theo các thông tin báo chí mà tôi được biết thì Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) là đơn vị trực tiếp triển khai và thực hiện đầu tư dự án. Cụ thể, trong 10 năm (từ 2001 đến nay) kể từ khi được giao nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh, Công ty Sudico đã tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định, triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư Dự án như: Đo đạc địa hình, địa chính, khảo sát địa chất, rà phá bom mìn, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch tỷ lệ 1/500, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành nộp tiền sử dụng đất, triển khai thực hiện đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tổng số tiền Công ty Sudico đã đầu tư vào Dự án Nam An Khánh rất lớn, khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng. Công ty Sudico đã chuyển trả Tổng công ty Sông Đà đủ 155 tỷ đồng theo Hợp đồng chuyển nhượng Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh.

Như vậy có thể nói, Dự án đã được triển khai trên thực tế, không gặp phải vướng mắc hay gây thiệt hại gì về kinh tế hay xã hội, nếu tạm dừng một dự án đầu tư, đặc biệt lại là một Dự án có vốn đầu tư lớn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư, tới các cổ đông của Công ty Sudico. Do đó, việc tạm dừng dự án phải dựa trên một cơ sở pháp lý chắc chắn, trong khi đề nghị của Thanh tra Chính phủ có phần thiếu căn cứ pháp lý.

Ý ông muốn nói là đề nghị của Thanh tra chính phủ là chưa đủ căn cứ?

Đúng như vậy. Chúng ta cần xem xét vấn đề giao dịch thực tế và hợp đồng. Cụ thể, ngày 02/07/2006, Tổng công ty Sông Đà và Công ty Sudico ký “Hợp đồng chuyển nhượng Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây” số 46/2006/TCT-HĐ. Tuy nhiên, theo như tôi được biết thì Biên bản bàn giao tài sản giữa Tổng Công ty Sông Đà và Công ty Sudico đã được ký ngày 31/07/2003, theo đó Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh đã được chuyển giao cho Công ty Sudico làm chủ đầu tư thực hiện dự án kể từ ngày 01/08/2003.

Đồng thời, việc chuyển giao dự án cho Công ty Sudico làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Hà Tây và Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận. Cụ thể các công văn số 5305 CV/UB-XDCB ngày 22/12/2005 của UBND tỉnh Hà Tây và văn bản số 3696/TP-PLDSKT ngày 22/12/2005 gửi Công ty Sudico.

Như vậy có thể nói việc chuyển nhượng dự án giữa Tổng Công ty Sông Đà và Công ty Sudico đã hoàn thành từ năm 2003, còn Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ là văn bản pháp luật được ban hành sau khi việc chuyển nhượng dự án giữa Tổng công ty Sông Đà và Công ty Sudico đã hoàn thành, cho nên không thể kết luận rằng việc chuyển nhượng dự án Khu đô thị Nam An Khánh vi phạm các quy định của Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, không có căn cứ áp dụng Nghị định 17/2006/NĐ-CP trong trường hợp này.

Quan điểm của ông như thế nào về khoản tiền 155 tỷ đồng mà Công ty Sudico đã chuyển  cho Tổng Công ty Sông Đà theo Hợp đồng chuyển nhượng Dự án Nam An Khánh ngày 02/07/2006?

Theo tôi, đây là một khoản tiền vô lý. Tại thời điểm bàn giao Dự án Nam An Khánh ngày 31/07/2003, Dự án Nam An Khánh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, Dự án chưa thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, Tổng công ty Sông Đà chưa đầu tư kinh phí để thực hiện dự án, chưa được cấp có thẩm quyền giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rõ ràng, Tổng Công ty Sông Đà không có bất kỳ cơ sở nào để xác định số tiền chuyển nhượng dự án là 155 tỷ đồng. Lợi thế của Tổng Công ty Sông Đà lúc đó chỉ là có được chủ trương đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nói một cách khác, bằng công văn số 1729TCT/KTe ngày 31/08/2006, Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà đã lợi dụng thế mạnh của Cổ đông nhà nước chiếm cổ phần chi phối để đưa ra các điều kiện vô lý, mang tính áp đặt: yêu cầu Công ty Sudico trả Tổng Công ty Sông Đà số tiền 155 tỷ đồng. Thiết nghĩ, cần phải kiểm tra lại cơ sở pháp lý liên quan đến việc Tổng Công ty Sông Đà yêu cầu Công ty Sudico chuyển số tiền 155 tỷ đồng này, nếu thấy không đủ cơ sở pháp lý, Tổng Công ty Sông Đà phải có trách nhiệm trả lại cho Công ty Sudico số tiền 155 tỷ đồng.

Trong văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến hướng xử lý về nội dung phát hiện qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn đề cập đến vấn đề: khi Cổ phần hoá Công ty Sudico, Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp chưa xem xét đến giá trị quyền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, ý kiến của Luật sư về nội dung này như thế nào?

Việc cổ phần hoá đã được thực hiện từ năm 2003, khi đó Công ty Sudico chưa được UBND tỉnh Hà Tây giao đất. Đến khi UBND tỉnh Hà Tây giao đất, thì đó là sự kế thừa quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp nhà nước chứ không phải Công ty Sudico đã được giao đất, cho thuê đất trước khi cổ phần hoá. Do đó, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh khi cổ phần hoá là không có cơ sở

Như vậy việc UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 04/04/2007, chính thức giao cho Công ty Sudico 1.876.076,3 m2 đất để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới Nam An Khánh là đúng pháp luật?

Quyết định đó là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/06/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và Điều 8 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 thì “…Công ty cổ phần được chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã cổ phần hóa để tổ chức sản xuất kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật…”.

Hơn nữa, sau khi được cổ phần hoá, Công ty Sudico thực hiện các công việc để được giao đất như: bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, theo quy định trên đây thì Công ty Sudico được tiếp tục thừa kế thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh nên việc Công ty Sudico tiếp tục được UBND tỉnh Hà Tây giao đất là hoàn toàn hợp pháp.

Theo quan điểm của Luật sư thì Công ty Sudico đã kế thừa quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp nhà nước và là chủ đầu tư hợp pháp của dự án khu đô thị mới Nam An Khánh?

Đúng vậy.

Nếu vậy thì hậu quả pháp lý gì sẽ xảy ra nếu Dự án bị tạm dừng theo đề nghị của Thanh tra chính phủ?

Việc yêu cầu tạm dừng thực hiện Dự án Nam An Khánh hoặc bất cứ các dự án nào do Công ty Sudico làm chủ đầu tư khi đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của Nhà nước là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm vốn và tài sản quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật đầu tư 2005: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư”.

Điều này, trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của khoảng 6.000 cổ đông trong đó có cổ đông Nhà nước. Thêm vào đó, việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi theo như tôi được biết thì hiện nay, Công ty Sudico có rất nhiều cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa kể việc yêu cầu tạm dừng thực hiện Dự án Nam An Khánh có thể sẽ đẩy Công ty Sudico đến bên bờ vực phá sản, đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của Công ty Sudico.

Như vậy, ông có bình luận như thế nào về ứng xử của cơ quan nhà nước trong vụ việc này?

Có thể thấy rằng, thay vì phát hiện và ngăn chặn thất thoát tài sản của nhà nước, chúng ta lại dùng các công cụ hành chính, can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư bất động sản của cả nước. Trong khi đó, kể từ khi cổ phần hoá, Công ty Sudico luôn là một trong những đơn vị đứng đầu Tổng công ty Sông Đà (nay là Tập đoàn Sông Đà) về hiệu quả sản xuất kinh doanh và từ năm 2003 đến năm 2010 Công ty Sudico luôn đóng góp khoảng 50% lợi nhuận của Tổng công ty Sông Đà, góp phần quan trọng đến việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Sông Đà, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng, riêng Dự án Nam An Khánh đã nộp ngân sách vào nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.

Xin cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)