Đề nghị Bảo Việt TP.HCM trả lời khiếu nại của doanh nghiệp
(Dân trí) - Phát hành chứng thư bảo lãnh cho Vihacon với cam kết không hủy ngang hợp đồng, sẵn sàng thanh toán nếu nhận được yêu cầu bằng văn bản từ Ssangyong. Tuy nhiên, khi Ssangyong đề nghị thanh toán do Vihacon không tuân thủ hợp đồng thì Bảo Việt TP.HCM lại “đổi chiều”.
Từ trước đến nay, chứng thư bảo lãnh do tổ chức có chức năng phát hành và do các ngân hàng phát hành luôn được xem như chỗ dựa tin cậy nhất, là điều kiện quan trọng để các bên yên tâm ký kết hợp đồng hợp tác làm ăn. Vì lý do này, để thực hiện hợp đồng giữa Ssangyong (văn phòng số 584 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM) và Công ty TNHH xây dựng Vihacon (trụ sở, số 145 Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) thi công phần Móng và Phần kết cấu (giai đoạn 1A) của Khu chung cư phát triển tại quận 7, TP. HCM trị giá 86,3 tỷ đồng. Trong các ngày 20/3/2012 và 11/4/2012, bà Trần Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Bảo Việt TP.HCM đã phát hành 2 chứng thư bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Công ty Ssangyong.
Theo yêu cầu của bên ủy nhiệm (Vihacon), Bảo Việt - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở đăng ký đặt tại 23 - 25 Thái Văn Lung, quận 1, TP HCM, Việt Nam, theo đây cam kết thanh toán không hủy ngang cho quý công ty, là người thụ hưởng, bất kỳ khoản tiền hoặc các khoản tiền nào tổng cộng không vượt quá 8.639.000.000VND (Số tiền bảo lãnh) ngay khi chúng tôi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Quý Công ty (Ssangyong).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói thầu phụ, Vihacon đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Để đảm bảo quyền lợi, ngày 30/10/2012, Ssangyong ký văn bản gửi Bảo Việt TP.HCM thông báo việc chia trả khoản tiền bảo lãnh tạm ứng thực hiện hợp đồng do Bảo Việt TP.HCM phát hành.
Nội dung công văn của Ssangyong nêu rõ: “Công ty Ssangyong Engineering & Costruction, là người thụ hưởng đối với Bảo lãnh tiền tạm ứng số HCM3.D08.APBO.12.HD2 (0044) do Quý Công ty phát hành ngày 20/3/2012.
Do Công ty TNHH Xây dựng Vihacon không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, chúng tôi bằng văn bản này chính thức thông báo đến Quý Công ty yêu cầu chi trả cho chúng tôi đối với số tiền trong Bảo lãnh tiền tạm ứng là 6.479.250.000 đồng, sau khi trừ đi số tiền tạm ứng đã hoàn lại là: 2.159.750,000 VNĐ (Số tiền tạm ứng đã hoàn trả)
Thư thông báo chấm dứt này nêu rõ Vihacon không muốn tiếp tục công việc thi công thể hiện qua việc không đồng ý giao kết hợp đồng thầu phụ, không khắc phục các vi phạm và không có khả năng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào theo quy hợp đồng nên Ssangyong có toàn quyền thụ hưởng đối với bảo lãnh nêu trên”.
Nội dung chứng thư bảo lãnh của Bảo Việt TP.HCM phát hành đã cam kết rõ ràng sẽ thanh toán đầy đủ khoản tiền bảo lãnh khi sangyong có thông báo bằng văn bản. Tuy nhiên, khi sự cố phát sinh do Vihacon không tuân thủ nghiêm túc hợp đồng, đơn vị phát hành chứng thư bảo lãnh lại có ý né tránh trách nhiệm, đi ngược lại các điều khoản ghi trong chứng thư gửi đến đối tác.
Cụ thể, ngày 15/11/2012, Bảo Việt TP.HCM có văn bản gửi ông Park Seung Chul - Giám đốc dự án tuyên bố Bảo Việt TP.HCM không giữ bất kỳ khoản tiền nào từ Ssangyong, đồng thời thông báo việc Vihacon gửi công văn số 001-BV/VHC - 2012 đề nghị Bảo Việt TP.HCM chấm dứt các bảo lãnh vì cho rằng Ssangyong gây bất lợi cho Vihacon khi triển khai thi công dự án.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, ngày 8/4/2013, Công ty Ssangyong tiếp tục có công văn số SSY - RP - BV - 007 gửi Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt đề nghị giải quyết dứt điểm vấn đề bảo lãnh theo đúng nội dung chứng thư bảo lãnh đã phát hành, đồng thời có văn bản trả lời chính thức về việc thanh toán các chứng thư bảo lãnh. Nhưng đến nay những đề nghị của Công ty Ssangyong vẫn chưa được xem xét, giải quyết.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương