Để mũ bảo hiểm thật sự phát huy tác dụng

(Dân trí) - Mũ bảo hiểm cho người đi xe máy nói chung cần đạt được yêu cầu. Nếu xảy ra tai nạn giao thông, chiếc mũ có tác dụng bảo vệ phần đầu của nạn nhân, giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não...

Những sơ hở lớn
 
Nhưng vì sao trong nhiều vụ việc, người bị tai nạn giao thông có đội mũ bảo hiểm mà vẫn bị chấn thương sọ não?

 

Như chúng ta đã biết, cơ quan chức năng đã hơn 1 lần ban hành Tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật an toàn mũ bảo hiểm, kể cả loại có hàm và loại không có hàm  cho người đi môtô (dung tích xilanh trên 50 cm3, biển kiểm soát có 1 chữ cái); xe gắn máy (dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, biển kiểm soát có 2 chữ cái, học sinh đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển). Thí dụ Tiêu chuẩn mũ bảo hiểm TCVN 5756-1993 (ban hành năm 1993) và Tiêu chuẩn TCVN 5756: 2001 (ban hành năm 2001)…

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tuy nhiên, qua thực tế cấp cứu rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông,  các bác sỹ bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) khuyến cáo: mũ bảo hiểm loại có hàm mới phát huy được tác dụng bảo vệ người đi mô-tô, xe gắn máy trên đường quốc lộ.
 
Như vậy, những người đội mũ bảo hiểm loại không có hàm đang rất phổ biến (trên đường trường, quốc lộ) hiện nay, thực chất chủ yếu chỉ mang tính hình thức, chứ chưa có tác dụng bảo hiểm như tên gọi của nó. Phải coi đó là 1 sơ hở lớn về việc ban hành Tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm môtô, xe gắn máy.

           

Một sơ hở thứ hai cần nói tới là chế tài xử lý người đi môtô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông hiện hành, không có quy định cụ thể đội mũ bảo hiểm phải đạt Tiêu chuẩn chất lượng (TCVN) nào? Cấu tạo mũ (phần vỏ cứng, phần đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ, phần kính chắn gió)… ra sao? Khiến CSGT đinh ninh rằng chất lượng mũ bảo hiểm thuộc trách nhiệm nhà sản xuất, người buôn bán và cơ quan quản lý thị trường, cơ quan ban hành Tiêu chuẩn mũ.

Trong khi những người điều khiển môtô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu, đèn soi biển kiểm soát, đèn báo hãm (đèn phanh)… thì CSGT xử lý phạt tiền được những người ấy (do có chế tài quy định các bộ phận môtô, xe gắn máy). Còn những người đội mũ bảo hiểm rởm, không đạt Tiêu chuẩn chất lượng, thì CSGT không có quyền phạt (vì không có chế tài phạt người đội mũ bảo hiểm rởm).    
 
 Để  mũ bảo hiểm thật sự phát huy tác dụng  - 1

(nguồn ảnh: internet)
           
 
Mũ có hàm
 
Để khắc phục 2 sơ hở lớn về mũ bảo hiểm môtô, xe gắn máy, đề nghị cơ quan chức năng hết sức lưu ý đến khuyến cáo nêu trên của các bác sỹ bệnh viện Việt-Đức. Sớm nghiên cứu, ban hành Tiêu chuẩn (TCVN) mới, đầy đủ và hoàn chỉnh hơn, bảo đảm chất lượng kỹ thuật an toàn cho mũ bảo hiểm, nhất là đi trên đường trường, quốc lộ chỉ được dùng loại mũ có hàm.
Đồng thời, điều chỉnh chế tài quy định mũ phải đạt TCVN nào? Cấu tạo các bộ phận của mũ ra sao? Vật liệu kính chắn gió dẻo dai khi bị va đập không làm rách mặt người đội, khi gặp mưa kính không bị mờ, đi ban đêm không bị loá mắt. Mũ phải có thêm lớp vải lót ở bên trong, có thể tháo ra giặt được dễ dàng…
 
Đặc biệt, cần quy định bổ sung chế tài phạt tiền người đội mũ bảo hiểm rởm. Cần quy định rõ nếu đội mũ bảo hiểm thiếu từng bộ phận cần thiết thì phạt cụ thể bao nhiêu tiền. Chỉ có như vậy người thi hành công vụ mới có cơ sở thực hiện.
Riêng những mũ bảo hiểm đạt TCVN, nhưng có cấu tạo thêm bộ phận trang trí cho đẹp hơn, phù hợp với các “quý bà, quý cô” mà không che khuất tầm nhìn người lái xe, lại có tác dụng che nắng (có thể gọi là mũ cách điệu), thì nên khuyến khích sử dụng.
 
Cách đây không lâu trên công luận đưa tin, cơ quan hữu trách định trình cấp trên quy định cấm dùng mũ bảo hiểm cách điệu loại như thế thì không nên.

Ngoài ra, cần giao trách nhiệm cho CSGT  kiểm tra xử lý những người đi môtô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng kỹ thuật an toàn.
 
Nếu làm tốt, đồng bộ được tất cả các khâu: ban hành Tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất, quản lý thị trường buôn bán và quản lý sử dụng-đội mũ bảo hiểm (môtô, xe gắn máy), sẽ góp phần làm giảm số người bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong do tai nạn giao thông đường bộ như hiện nay.

 

                                                                               Nguyễn Thành Lập

 

LTS Dân trí-Từ chỗ mọi người đi các loại xe máy nói chung đều không đội mũ bảo hiểm, cho đến nay hầu như mọi người đi xe máy đã có thói quen đội mũ bảo hiểm. Đó là bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại mũ bảo hiểm chưa bảo đảm an toàn, mặt khác cũng chưa có chế tài xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn như bài viết trên đây đã phản ánh.

  

Vì vậy, rất cần bổ sung những quy định có tính bắt buộc đối với các cơ sở  sản xuất và bán mũ bảo hiểm phải đúng quy chuẩn an toàn, cũng như quy định trách nhiệm của cảnh sát giao thông có quyền phạt những người đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn.
 
Đấy là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ an toàn cho người đi xe máy, đồng thời phát huy tác dụng thật sự của việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.