Bạn đọc viết:

Để lễ hội là nét đẹp truyền thống

Lễ hội là hoạt động văn hóa trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam. Nhưng ngày nay trong cuộc sống xô bồ của xã hội hiện đại, lễ hội đã phần nào bị pha tạp và không còn giữ được nét đẹp truyền thống như xưa…

Theo thống kê thì trong một năm cả nước ta có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Như vậy tính trung bình cứ một ngày cả nước lại có tới hơn 20 lễ hội được tổ chức.
 
Từ xa xưa lễ hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Còn ngày nay, khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của mỗi người dân ngày càng được nâng lên thì nhu cầu về đời sống tâm linh của mỗi người vì thế cũng càng cao.
 
Để lễ hội là nét đẹp truyền thống - 1
Ý thức tham gia lễ hội của mỗi người dân là điều rất quan trọng

Trong năm, lễ hội thường diễn ra tập trung vào dịp mùa xuân, thường chiếm 2/3 lễ hội được tổ chức trong năm, nhất là những ngày sau Tết Nguyên đán. Có thể nói nét đẹp truyền thống của lễ hội là hướng con người về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn của những người đi trước. Lễ hội còn là biểu trưng cho sức mạnh cộng đồng, bản sắc văn hóa của các vùng miền. Bản chất của lễ hội là niềm tin của con người vào một vị thần thánh , một vị thần linh nào đó được cả cộng đồng kính trọng. Qua đó con người bày tỏ lòng biết ơn, cùng một khát vọng vào cuộc sống bản thân, gia đình và cả cộng đồng, thì đây là những hoạt động đáng được trân trọng và gìn giữ.

Tuy nhiên, trong cuộc sống xô bồ của xã hội hiện đại, sự coi trọng vật chất cùng với bao lo toan về cơm áo gạo tiền cũng đã khiến nhiều lễ hội bị pha tạp, với những hủ tục, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của người tham gia lễ hội. Nhiều lễ hội mang nặng ý nghĩa vật chất, nhiều người đã lợi dụng lễ hội để kiếm lời như buôn thần bán thánh, cúng thuê…

Có thể nói lễ hội là hoạt động tâm linh không thể thiếu trong mỗi người Việt chúng ta. Nhưng để lễ hội luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống thì lễ hội cần phải được tổ chức quy củ và hài hòa cả phần lễ và phần hội (bởi vì từ trước tới nay trong lễ hội chỉ chú trọng ở phần lễ còn phần hội có phần sao nhãng).

Ở phần lễ của mỗi lễ hội thì phải khơi dậy được ý nghĩa văn hóa của lễ hội đó. Đơn cử như lễ hội Đền Trần phải làm sao khơi dậy được những hoạt động văn hóa thiêng liêng đó là cuộc hành hương về với cội nguồn… Còn ở phần hội phải có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho tất cả mọi người. Để không còn cảnh chen lấn, xô đạp lên nhau mong đến gần hơn với nơi diễn ra nghi lễ…

Các lễ hội mới hình thành phải xin phép chính quyền địa phương trước khi tổ chức, hơn nữa cần hạn chế những mặt trái của lễ hội như các hủ tục lạc hậu, hạn chế đố vàng mã, hương hoa. Không để các trò chơi trá hình diễn ra nhằm lừa du khách thập phương khi đến đi lễ hội.
 
Để lễ hội là nét đẹp truyền thống - 2
Làm sao để những nét đẹp văn hóa tâm linh không bị biến tướng

Các ban ngành cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, để mỗi người dân thực hiện nếp sống văn minh. Việc kiểm tra xử lý những hoạt động phi văn hóa như bói toán, tăng ép giá tại những nơi diễn ra lễ hội...cần được đẩy mạnh và làm triệt để không hô hào, kiểu ra thông báo. Đảm bảo vệ sinh môi trường, để cho lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, từ đó góp phần nâng cao hơn đời sống tinh thần cho mỗi người dân.

Làm sao để mỗi người dân và du khách khi đến tham gia lễ hội vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa được giáo dục sâu sắc về ý thức tham gia lễ hội. Thời gian gần đây, báo đài liên tục đưa tin về những hình ảnh và những hành vi thiếu văn hóa trong các lễ hội khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hầu hết tâm lý mỗi người khi đến lễ hội nào đó chỉ mong sao được thần thánh phù hộ độ trì cho gia đình họ, nên nhiều người đã quên đi ý thức chung và những người cùng tham gia lễ hội. Họ sẵn sàng chen lấn, xô đẩy thậm chí dẫm đạp lên nhau tạo thành cảnh tượng hỗn loạn ngay trước những khu vực linh thiêng. Qua đó, cũng cần xử phạt nghiêm minh những người không tuân thủ nội quy khi đến lễ hội.

Mong rằng sự vào cuộc của các cấp các ngành và ý thức của mỗi người dân khi đến tham gia lễ hội sẽ được thay đổi, để làm sao cho các hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra theo đúng nghi thức và ý nghĩa của nó, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc của các lễ hội để làm đẹp hơn, phong phú hơn cho đời sống văn hóa tâm linh.

Mai Sỹ Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm