Để không còn những “chuyến xe bão táp”

(Dân trí)- Trong một chuyến công tác, chúng tôi đi theo tuyến Quỳ Hợp – Vinh và ngược lại, đành chịu chung cảnh ngộ… những “chuyến xe bão táp”, tưởng chỉ còn tồn tại trong kí ức.

Gần Tết Tân Mão, tôi đến bến xe Vinh để mua vé xe đi Quỳ Hợp, người bán vé nói: “Ở bến này không có vé xe đi Quỳ Hợp, anh phải xuống bến xe chợ”. Thấy tôi loay hoay, anh liền chỉ ra đường: “Đó, có xe đó”. Tôi trở ra, có mấy người trung niên bước tới hỏi: “Đi đâu”, tôi đáp: “Đi Quỳ Hợp”, họ liền nói: “Chờ chút, có xe liền”. Chợt một người phụ nữ mang cái túi tiến lại: “Đi về Quỳ Hợp phải không em, lên xe chị đi luôn”. Ngay lúc đó, một xe khách BKS 37H 9269 có tấm biển “Quỳ Hợp” đi tới, tôi liền leo lên xe. Người phụ nữ là chủ xe nói: “Những cò khách hàng đó, mỗi khách hàng họ lấy của chị 5 nghìn đồng”.

 

   Trên xe đã có hơn 20 người, tưởng được đi luôn, ai ngờ xe chạy quá bến một đoạn, lại tiếp tục vòng trở lại, hi vọng đón thêm khách. Liên tục 5, 6 vòng như vậy, hành khách nhao nhao phản đối.

 

  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Có mấy người liền xuốnđể đi xe khác, mặc cho người phụ nữ luôn miệng: “Đừng, đừng xuống, xe chạy ngay bây giờ”. Thành ra có lúc bắt được thêm một khách, lại bị xuống mất hai khách. Bỗng một chiếc xe CSGT xuất hiện, ra hiệu cho lái xe dừng lại. Hành khách nhao nhao: “Cho nó phạt, cho đáng đời”. Viên CSGT giơ tay chào lái xe, nhưng không lên kiểm tra xe, cầm giấy tờ rồi vào xe ngồi. Người phụ nữ liền mang túi xuống cò kè một lúc, ra hiệu cho lái xe đi tiếp và nói: “May mình xin được, không bị phạt” (?). Không hiểu chị này “xin” kiểu gì.

 

    Mãi rồi xe cũng đi thẳng hướng Bắc, lúc này mấy chục hành khách đã được “du lịch bất đắc dĩ” hơn 30 phút. Dọc đường, xe liên tục dừng lại để bắt khách, đến khi không còn chỗ nhét nữa mới thôi. Tôi may mắn có chỗ ngồi, còn nhiều người khác phải đứng chen chúc dọc lối đi, ngay chỗ cửa xe, chật đến nỗi người phía sau muốn xuống xe cũng không chen nổi. Đã thế, đứng cũng không yên vì hành khách liên tục lên xuống.

 

 Đến ngã ba Yên Lý (Diễn Châu), xe dừng lại hơn 30 phút để chờ đón thêm  khách, không cần biết hành khách có lịch công tác như thế nào. Do đó, phải 7 giờ tối, xe mới đến thị trấn Quỳ Hợp.

 

      Vé xe giá 35 nghìn đồng cho quãng đường từ Vinh đến Quỳ Hợp (120 km). Tuy nhiên, hành khách đi quãng đường ngắn phải chịu giá cước cao hơn. Ví dụ từ ngã ba Yên Lý (Diễn Châu) lên Quỳ Hợp chỉ có 70 km, nhưng hành khách phải trả 30 nghìn đồng.

 

    Khi từ Quỳ Hợp về Vinh, tôi lại tiếp tục phải chịu cảnh nhồi nhét, nhưng kinh khủng hơn nhiều. Xe khách 37S 2470 từ Quế Phong về Vinh, đi qua Quỳ Hợp đã hơn 4 giờ rưỡi chiều. Đây là chuyến xe cuối cùng từ miền núi Tây Bắc Nghệ An về TP Vinh trong ngày nên khách rất đông.

 

    Trước đó, tôi phải thuê xe ôm đi 6 km hết 20 nghìn đồng đến một vị trí “an toàn” thì nhà xe mới cho lên. Họ giải thích vì xe đã đông, lại sợ CSGT nên phải đi đến nhà máy đường NAT&L (xã Nghĩa Xuân), qua trạm CSGT thì mới cho khách lên. Khi tôi lên, xe đã chật cứng không còn chỗ. Tôi phải đứng ngay chỗ cửa ra vào, chật đến nỗi không thở được, trên tay lại cầm mũ bảo hiểm, túi xách. Tôi liền đội luôn mũ bảo hiểm vào đầu, mặc dù trông hơi kì dị, và nặng đầu.

 

    Đã thế, xe lại liên tục dừng đón, trả khách. Mọi người trên xe đùa: Đây là chuyến xe Thạch Sanh vì mỗi lần dừng trả khách, xe lại chật hơn. Sau mấy chục cây số đứng và bị nhồi như giã giò, cuối cùng tôi cũng kiếm được một chỗ ở giữa xe. Thế cũng chưa hết khổ, vì phải liên tục đứng lên, hay vẹo người để cho người khác lên xuống.

 

  Cuối cùng thì tôi cũng về đến TP Vinh, đồng hồ đã điểm 7 giờ tối. Tôi tự nhủ không biết kiếm đâu ra lạng cao hổ cốt để bồi bổ sau vụ “giã giò” trên hai “chuyến xe bão táp” vừa rồi.  

 

     Từ chuyến đi “thực tế” nói trên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “xe dù, bến cóc” và cảnh nhồi nhét khách là do công tác quản lý, quy hoạch chưa hợp lý. Hiện vẫn chưa có tuyến xe buýt từ Vinh lên các huyện miền núi phía Tây Bắc. Xe buýt, với lợi thế giá rẻ, lịch trình được thiết lập sẵn, nhiều chuyến trong ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách, chấm dứt được hiện tượng “xe dù, bến cóc” và nhồi nhét khách.

 

    Thứ hai, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lí của CSGT, thanh tra giao thông còn lỏng lẻo. Không loại trừ cả những biểu hiện tiêu cực, làm ngơ cho chủ xe “làm ăn”.

 

    Thứ ba là tâm lý chịu đựng của hành khách, họ chấp nhận cảnh nhồi nhét, miễn được việc, bất chấp mệt mỏi, nguy hiểm. Vì nếu lỡ xe, công việc sẽ bị chậm trễ. Thứ tư, giá vé thấp cũng là một nguyên nhân gây cảnh nhồi nhét. Đây là vấn đề nan giải, vì nếu tăng giá vé lên thì sẽ gây khó khăn cho hành khách, đa số là người có thu nhập thấp. Còn nếu giữ nguyên giá vé mà buộc nhà xe phải chở đúng số người thì không khéo nhà xe bị lỗ.

 

   Vì vậy, để giải được bài toán chấm dứt “những chuyến xe bão táp” ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, cần có những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

                 

 

                                                      Trần Quang Đại

                                                           (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Đi trên những “chuyến xe bão táp” như cảnh tác giả bài viết trên đây phải chịu đựng quả thật là sự tra tấn đối với hành khách. Còn đâu là nếp sống văn minh trong giao thông cũng như cách đối xử với hành khách! Đáng tiếc là những người chịu trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực kinh doanh này cũng như những người làm công việc giữ gìn trật tự an ninh giao thông không có biện pháp xử lý kịp thời để chấm dứt tình trạng “bến cóc, xe dù” và nhồi nhét khách tùy tiện của các loại xe chở khách hoạt động theo kiểu này.

 

Mong rằng chính quyền các địa phương cũng như các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm an toàn cho hành khách đi lại bằng phương tiện xe khách, giúp cho mọi người tránh được nỗi khổ bị nhồi nhét và mất nhiều thời gian chờ đợi trên những “chuyến xe bão táp”, nhất là trong dịp giáp Tết, mọi người phải đi lại nhiều.