Để chăn nuôi trở thành hàng hóa của miền núi

“Miền núi có diện tích rộng, có nhiều đồng cỏ tự nhiên để phát triển đàn gia súc. Nhưng với tập quán chăn thả tự nhiên, chưa quen cách phát triển hàng hoá từ chăn nuôi, chưa phát huy được thế mạnh nên miền núi vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng để thoát nghèo”.

Cần thay đổi tập quán nuôi thả tự nhiên

Hiện nay ở miền núi có nhiều hộ kinh tế giàu lên nhờ vào phát triển chăn nuôi, chỉ tính riêng tại huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có trên 300 mô hình thoát nghèo, tiến tới làm giàu từ chăn nuôi. Mỗi hộ này có trung bình từ 40 - 100 con trâu, bò. Phát triển kinh tế từ chăn nuôi đã giúp đồng bào có nhà cao cửa rộng, sắm sửa được các tiện nghi sinh hoạt và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Mặc dù đây được xem là thế mạnh của miền núi nhưng do tập quán nuôi thả tự nhiên, nên đàn gia súc nói chung, trâu, bò nói riêng ở miền núi chưa phát triển mạnh, chưa thành hàng hoá. Hầu hết các hộ gia đình nuôi gia súc theo tập quán thả rông tự nhiên, trâu bò tự kiếm lấy thức ăn, tự sinh sản thành bầy. Gần đây do rừng được khoanh nuôi quản lý, bảo vệ và cả nạn trộm cắp trâu bò, bà con đã biết sáng thả gia súc đi, chiều lùa về buộc dưới lán nhà sàn hoặc trong vườn nhà.

Để chăn nuôi trở thành hàng hóa của miền núi - 1
Đồng bào miền núi đã biết nuôi bò tập trung và có biện pháp bảo vệ

Với cách chăn thả tự nhiên trâu bò thường không được chăm sóc cẩn thận, chế độ ăn uống thất thường, mùa mưa cỏ nhiều, mùa khô cỏ ít, không được bồi dưỡng thức ăn bổ sung, không được phòng trừ dịch bệnh. Tập quán nuôi thả rông khi có dịch bệnh dễ lây lan, không ít năm trâu, bò chết hàng loạt do dịch bệnh và cả do đói rét. trâu, bò thường bị gầy thịt ít chỉ có da và xương nhiều, sừng phát triển hơn. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến chăn nuôi chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Để làm thay đổi tập quán vẫn biết rằng không dễ, nhưng nếu chúng ta tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, các tổ chức đoàn thể vào cuộc phát động thành phong trào làm chuồng trại chăn nuôi, mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước chắc chắn rằng sẽ làm thay đổi nhanh tập quán, bà con sẽ nhận thức được và chăn nuôi sẽ phát triển mạnh, trở thành hàng hoá, là động lực giúp miền núi sớm thoát khỏi đói nghèo.

Hướng dẫn bà con trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò theo hướng phát triển hàng hoá

Huyện Con Cuông đã có đề án chăn nuôi trâu bò vỗ béo và phát triển đàn trâu bò hàng hoá. Sau bốn năm thực hiện đã có 242 hộ chăn nuôi thành công, tuy nhiên để phát triển thành phong trào cần có hướng dẫn, tập huấn cho bà con cách trồng cỏ theo công thức: Nuôi mỗi con trâu bò phải trồng 200 - 300m2 cỏ voi, cỏ sữa, bên cạnh đó cần phát động bà con làm chuồng trại cho trâu, bò cẩn thận.
 
Miền núi sẵn nguyên vật liệu để làm chuồng trại, chỉ cần láng nền xi măng có độ dốc để dễ lấy phân ra khỏi chuồng. Nếu có chuồng trại cẩn thận, có bể chứa phân bà con có thể sử dụng nguồn rác và phân trâu bò làm bể bioga để sử dụng làm chất đốt thay cho củi vừa tiện lợi vừa hợp vệ sinh.

Kinh nghiệm của ông Dương Văn Phú ở bản Pha xã Yên Khê, ngoài việc ngày hai buổi cho trâu, bò đi ăn tại các đồng cỏ tự nhiên, ông dành riêng 1.000 m2 gần trang trại theo hướng giữ đồng cỏ tự nhiên. Mỗi buổi chiều sau khi trâu bò đi ăn về, ông lấy nước muối phun vào khoảng cỏ trong vườn để làm thức ăn cho trâu bò. Cách làm này đã tập thành thói quen cho đàn gia súc, cứ thế 4-5 giờ chiều không cần đi lùa, trâu, bò cũng tự giác về nhà ăn cỏ nước muối.
 
Sau khi trâu, bò ăn xong vùng cỏ vừa phun nước muối, ông lấy nước phun rửa và bón đạm vào, chỉ cần sau 1 tuần cỏ lại mọc tốt trở lại. Với cách làm này ông có thể chủ động được nguồn thức ăn xanh cho trâu bò đồng thời có nguồn dự trữ mỗi khi có thời tiết bất lợi.

Nhiều hộ còn biết lấy cây chuối rừng thái mỏng cho thêm ít cám gạo, cám ngô và ít muối cho trâu bò ăn tăng thêm nguồn thức ăn dinh dưỡng cho trâu, bò. Trồng cỏ không khó, cây cỏ lại rất phù hợp với khí hậu và đất đai vùng rừng núi. Điều quan trọng là ccác cấp chính quyền địa phương phải có chủ trương và tổ chức thực hiện bằng được cùng với sự vào cuộc của các đoàn thể vận động, hướng dẫn bà con trồng và phát triển chăn nuôi trâu bò theo phương pháp mới này.

Cần mở chợ bán trâu bò tại các vùng miền núi

Lâu nay việc mua bán trâu, bò đang diễn ra một cách tự phát. Do đó chưa đánh giá hết giá trị kinh tế và tiềm năng của ngành chăn nuôi gia súc ở địa bàn các huyện miền núi. Để trâu, bò thực sự trở thành một thứ hàng hóa, phát huy hết giá trị của mình cần tổ chức mở chợ bán trâu bò. Chợ mở theo cụm xã, phiên họp chợ vào các ngày chủ nhật hay quy định một tháng 4-5 phiên.
 
Chợ trâu bò không cần đòi hỏi diện tích rộng, nếu có điều kiện nên dùng cột gỗ chắc làm cột trụ, trên lợp tranh theo kiểu cây ô để buộc trâu, bò và che nắng, che mưa cho cả người và vật.
 
Khi có chợ và đã có quy định phiên họp sẽ tập trung được nguồn hàng, bởi ai có nhu cầu bán trâu, bò sẽ mang ra chợ, người mua cũng chủ động và có thể mua được nhiều hàng cùng một lúc, tránh tình trạng như hiện nay khi cần bán không có ai hỏi mua hoặc phải mua bán qua tay đẩy giá lên không cần thiết mà người chăn nuôi vẫn bị thiệt thòi.

Chăn nuôi là thế mạnh của bà con miền núi, thế mạnh đó chỉ được phát huy tốt nếu chúng ta quan tâm đến các vấn đề trên, chắc chắn rằng bà con miền núi sẽ phát huy tốt tiềm năng của rừng, họ sẽ tự làm giàu bằng đôi bàn tay của mình góp phần xây dựng gia đình và quê ngày càng giàu mạnh.

Phùng Văn Mùi