Dấu hiệu 4 tội danh trong vụ công an đứt lìa chân khi truy đuổi cát tặc

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài việc khai thác cát trái phép, công an sẽ xác minh hành vi chống đối của 2 nghi phạm và xem xét áp dụng một trong 3 tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 với hành vi này.

Như Dân trí thông tin, khuya 23/11, Cao Văn Huyền (44 tuổi, ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cùng một người tên Khoa sử dụng ghe gỗ khai thác cát trái phép trên sông Hậu. Bị cảnh sát ra lệnh dừng phương tiện, bắn chỉ thiên nhưng hai đối tượng chống đối, bỏ chạy.

Quá trình bỏ chạy, Huyền lao ghe vào tàu tuần tra khiến 4 cán bộ trên tàu rơi xuống sông. Ba người bám được vào ghe, còn riêng đại úy Trần Hoàng Ngôi (cán bộ Công an huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) bị đứt lìa 2 chân nghi do cuốn vào "chân vịt" của phương tiện vi phạm. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, đã qua cơn nguy kịch còn 2 nghi phạm đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.

Theo dõi sự việc, độc giả Dân trí băn khoăn trường hợp này, các nghi phạm có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Dấu hiệu 4 tội danh trong vụ công an đứt lìa chân khi truy đuổi cát tặc - 1

Phương tiện khai thác cát do đối tượng điều khiển được cơ quan công an tạm giữ (Ảnh: CTV).

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận, đây là sự việc có tính chất nguy hiểm, phức tạp. Hành vi cố ý bỏ chạy, bất chấp việc đã bị lực lượng chức năng nổ súng chỉ thiên để đe dọa, rồi lao ghe vào tàu của tổ tuần tra thể hiện sự liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng của người khác.

Từng đảm nhiệm vai trò kiểm sát viên trong nhiều vụ án hình sự, ông Thắng cho rằng với những thông tin hiện có, chưa thể xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của các nghi phạm. Quá trình tạm giữ, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai để làm rõ động cơ, mục đích và phương thức thực hiện hành vi của các nghi phạm.

Ngoài ra, cần sớm thực nghiệm lại hiện trường đối với tình huống đâm va để làm rõ hàng loạt vấn đề pháp lý quan trọng như tương quan về kích thước giữa 2 phương tiện, lực đâm va ở thời điểm trước va chạm, vị trí xảy ra va chạm hay ý chí chủ quan của các đối tượng khi lao ghe vào phương tiện của lực lượng chức năng... Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm của hành vi, cơ quan chức năng có thể áp dụng một trong các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

"Hiện tại, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội Chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, tùy thuộc các diễn biến, chứng cứ mới thu thập được trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể xem xét thêm trách nhiệm của các nghi phạm về tội Cố ý gây thương tích (Điều 134) hoặc Giết người (Điều 123) theo Bộ luật Hình sự 2015.

Do tính chất phức tạp của vụ việc, việc xem xét, đánh giá trách nhiệm pháp lý phải diễn ra cẩn trọng, toàn diện, khách quan, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tội danh nào rõ nét hơn cần xử lý trước nhưng cũng có thể xem xét chuyển tội danh, tùy thuộc diễn biến phát sinh trong quá trình điều tra", luật sư phân tích.

Đối với hành vi khai thác cát trái phép của các nghi phạm, tùy thuộc các tình tiết như giá trị tài nguyên bị khai thác, số tiền thu lợi bất chính hay mức độ ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội cũng như sức khỏe, tính mạng người khác, các nghi phạm có thể bị xử lý thêm về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong tội danh này cũng quy định các tình tiết định khung về việc xử lý hình sự trong trường hợp xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, tình tiết đó chỉ áp dụng khi có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khai thác cát trái phép và việc sức khỏe người khác bị xâm phạm. Trường hợp này, do các nghi phạm thực hiện 2 hành vi riêng biệt, gây thương tích cho cán bộ công an nên có thể bị xử lý về 2 tội danh khác nhau.

Tương tự, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhìn nhận đối với hành vi chống trả lực lượng chức năng, có thể xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các nghi phạm về một trong 3 tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 là Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích hoặc thậm chí Giết người. Trong đó, hành vi chống người thi hành công vụ hiện có dấu hiệu rõ nét nhất và trước tiên, cần tập trung xác minh, điều tra các vấn đề liên quan tới hành vi này.

Ngoài trách nhiệm hình sự, luật sư Lực cho biết với hành vi lao ghe vào tàu tuần tra khiến 4 cán bộ ngã xuống sông, trong đó có đại úy Ngôi bị thương tích nghiêm trọng, các nghi phạm đã có lỗi và sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho nạn nhân. Việc bồi thường do các bên thỏa thuận, căn cứ quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, Điều luật này quy định các khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc điều trị, hồi phục sức khỏe của nạn nhân; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân hay các khoản chi phí hợp lý khác theo luật định.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân. Mức bồi thường tổn thất do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm là 50 lần mức lương cơ sở của Nhà nước, tức 90 triệu đồng.

Hoàng Linh