Đạo đức nhà giáo bị chi phối bởi những yếu tố nào?

Theo tôi, Quy chế đạo đức nhà giáo, dù trong đó có quy định những chế tài xử phạt nghiêm khắc thì cũng chỉ có tác dụng răn đe, ngăn chặn phần nào thói hư tật xấu, chứ không có ý nghĩa quyết định nền tảng đạo đức của nhà giáo.

Tôi là độc giả thường xuyên của Dân trí điện tử. Vừa qua, báo có đăng bài “Nỗi băn khoăn về Bản qui định đạo đức nhà giáo” trên chuyên mục Diễn đàn Dân trí của tác giả Trọng Nghĩa, tôi thấy có những điểm đồng tình và muốn tham gia một số ý kiến.

Trong một bài viết trước đây, đã có lần tôi khẳng định: “Tất cả mọi nghề nghiệp và công việc đều quan trọng và cao quý, nhưng giáo dục là một nghề đặc biệt quan trọng và cao quý vì giáo dục tạo ra hiền tài, mà hiền tài là nguyên khí của quốc gia.”

Lâu nay xã hội (XH) đang bàn nhiều về giáo dục (GD), tôi nghĩ không phải vì GD là ngành yếu kém và tiêu cực nhất mà chính là XH đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của GD đối với dân tộc (như vừa nói ở trên).

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Trước hết, cần khẳng định rằng: “Mặt bằng đạo đức ngành GD” không thấp hơn mặt bằng đạo đức XH đương thời, nhưng vì vai trò và tầm quan trọng của GD như vậy nên XH và cộng đồng mong muốn và “mơ ước” ngành GD có mặt bằng đạo đức trung bình cao hơn so với các khu vực khác mà thôi. Thực ra, XH và cộng đồng đang rất kỳ vọng vào nền GD nước nhà mà không hề có kỳ thị vì con em chúng ta đang lớn lên, đang tiến bộ từng ngày dưới sự dìu dắt và trong bàn tay chăm sóc của các thầy các cô.

Chúng ta mong muốn đạo đức nghề giáo phải cao nhất trong các nghề của XH, vậy thì yếu tố nào quyết định nâng cao đạo đức nhà giáo?

Đạo đức nhà giáo cũng như đạo đức con người được hình thành qua các giai đoạn và các môi trường mà họ tồn tại và phát triển:

-Môi trường GD gia đình.

-Môi trường GD của nhà trường phổ thông.

-Môi trường GD của trường Sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo người thầy.

-Môi trường và lối sống chung nơi họ công tác.

-Nền đạo đức XH của thời đại họ đang sống.

Trong đó môi trường và nền GD trường Sư phạm - nơi đào tạo họ thành nghề - có tính chất quyết định đến tố chất và phẩm chất của thầy cô giáo trẻ khi ra trường. Song môi trường và lối sống nơi họ công tác cũng như nền đạo đức XH đương thời có tác động rất mạnh tới việc họ có giữ vững được những tư chất tốt đẹp mà họ đã hình thành trong trường Sư phạm hay không (đấy là môi trường sư phạm chuẩn mực, còn khi môi trường này đã xuống cấp thì không còn cơ sở nào đáng tin cậy).

Vì vậy, theo tôi, Quy chế đạo đức nhà giáo, dù trong đó có quy định những chế tài xử phạt nghiêm khắc thì cũng chỉ có tác dụng răn đe, ngăn chặn phần nào thói hư tật xấu, chứ không có ý nghĩa quyết định nền tảng đạo đức của nhà giáo. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ cần ngồi thảo luận, rồi biên soạn và ban hành một loạt quy chế về tác phong, thái độ nhà giáo là có thể yên tâm: “Từ giờ trở đi vấn đề đạo đức nhà giáo vậy là ổn rồi!”

Thầy giáo trong XH ta ngày nay kiếm được miếng ăn cho xứng đáng công sức lao động bỏ ra đã khó rồi, cho nên việc thể hiện tư chất và hành vi đạo đức của người thầy không phải dễ dàng gì, đâu phải in ra bản quy chế đó là có được đạo đức nhà giáo(!). Việc thực hiện nghiêm túc tất cả những điểm quy định trong quy chế đó không đồng nghĩa đó chính là đạo đức nhà giáo.

Có thể sẽ có hiện tượng thế này: Một thầy giáo thực hiện nghiêm và chuẩn tất cả những điều của quy chế nhưng khi phóng xe máy trên đường, dù nhìn thấy một học sinh bị ngã xe hoặc bị tai nạn nào đấy, thầy vẫn phóng xe đi thẳng, không cần để ý giúp đỡ; còn một thầy giáo khác thì vi phạm quy chế vì tội hút thuốc lá nhưng ông lại là người thức khuya để soạn giáo án, tìm lời giải hay để giảng cho học sinh, lại đến tận nhà thăm gia cảnh những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và rút đồng tiền cuối cùng để đưa trò mua thuốc cho mẹ, v.v. Vậy ai là người thầy có đạo đức đây?

Từ thí dụ nói trên, ta thấy rằng muốn nâng cao đạo đức nhà giáo thì không có con đường nào khác là phải quan tâm nâng cao chất lượng của 5 môi trường GD như trên đã đề cập. Đó là môi trường GD gia đình; của nhà trường phổ thông; của trường Sư phạm; của môi trường hành nghề và môi trường đạo đức của XH nói chung. Tất cả đều phải tốt. Nói cách khác, muốn thầy ra thầy thì trò phải ra trò (vai trò của gia đình); trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, giám hiệu phải ra giám hiệu, hiệu trưởng phải ra hiệu trưởng v.v.

XH phải cổ suý cho lối sống đạo đức và văn minh, phải chế ngự ảnh hưởng và đẩy lùi sự xâm lăng của chủ nghĩa vật chất và lối sống chỉ biết coi trọng đồng tiền.

Tôi, anh và tất cả chúng ta đều muốn các thầy cô tốt lên, đạo đức lên để dạy dỗ con em chúng ta, vậy thì đừng ai nghĩ rằng mình có đủ tư cách đứng ngoài để nêu lên một khuôn mẫu và kêu gọi thầy cô thực hiện theo khuôn mẫu đó - mà phải từ chính mình - tôi phải tốt lên, anh phải tốt lên, tất cả chúng ta phải tốt lên để nền đạo đức XH tốt lên! Từ đó, chúng ta sẽ có đội ngũ nhà giáo tốt, có đạo đức tốt. Phải chăng đấy là con đường đúng đắn xác định tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc nâng cao đạo đức người thầy giáo - Không có con đường nào khác phải không, họa chăng là con đường không tưởng, duy tâm hoặc siêu hình nào đó mà thôi.

Cũng vì vậy, tôi tán thành cách nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Trong từng chính sách cụ thể thì chế độ lương bổng là rất quan trọng - làm sao đồng lương phải đảm bảo cho một đời sống bình thường. Nếu thầy cô phải đầu tắt mặt tối kiếm thêm tiền bằng cách này hay cách khác để mong đủ chi tiêu cho con cái và đỡ “bất hiếu với cha mẹ”, trong hoàn cảnh đó mà giữ được thanh cao thì khó lắm - Đây là luận điểm cơ bản “Vật chất quyết định ý thức”.

Tất cả XH và cộng đồng chúng ta đừng quên rằng “ Khi đồng lương không đủ sống thì giữ được thanh liêm, đạo đức là điều vô cùng khó khăn” . Từ chỗ kiếm thêm cho đủ sống, dần dà “quen tay say máu”, rồi dẫn tới tham lam, tham nhũng… tất cả đều có chung một điểm xuất phát. Đây cũng là điều rất cơ bản đối với toàn XH, chứ không chỉ đối với nhà giáo.

Nguyễn Chung
(TP Thanh Hóa, Nguyenkimchung060162@yahoo.com.vn)

LTS Dân trí - Một Người Thầy vĩ đại của phương pháp luận duy vật biện chứng - Ph. Ăng-ghen - đã đưa ra một định nghĩa có tính khái quát cao: “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Từ đó chúng ta có thể suy ra hệ quả tất yếu: Xã hội nào thì có người thầy đó. Hay nói cách khác, muốn nâng cao đạo đức người thầy giáo thì phải giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, nhất là các mối quan hệ liên quan mật thiết với quá trình hình thành nhân cách và đạo đức của người thầy. Cho nên lời bàn của tác giả bài viết trên đây là có lý khi nhấn mạnh môi trường giáo dục gia đình, môi trường giáo dục của nhà trường phổ thông, nhất là môi trường giáo dục của trường Sư phạm và trực tiếp là môi trường người thầy giáo đang công tác; và đương nhiên còn phải nhấn mạnh môi trường đạo đức của xã hội đương thời, hay nói hẹp hơn là môi trường đạo đức của chính ngành giáo dục.

Nếu có con mắt nhìn thấu đáo và toàn diện như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra lời giải đích đáng cho việc nâng cao đạo đức nhà giáo thời nay.