"Đánh" thuốc mê nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ chịu án phạt rất nặng

(Dân trí) - Luật sư cho biết hành vi dùng thuốc mê, thuôc ngủ gây hại đến tính mạng của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ phải đối mặt với khung hình phạt rất nặng, cao nhất là tử hình.

Như Dân trí đã đưa tin, mới đâylực lượng bảo vệ tại BV Chợ Rẫy vừa bắt quả tang một đối tượng đánh thuốc ngủ người nuôi bệnh để trộm tài sản.

Vụ việc được phát hiện khi lực lượng bảo vệ theo dõi camera an ninh vào lúc nửa đêm thì phát hiện một phụ nữ có hành vi khả nghi khi liên tục đi lại, nhìn trước, ngó sau ở khu vực thân nhân người bệnh nằm ngủ. Sau đó, người phụ nữ này hết nằm rồi đến ngồi bên cạnh một nam giới, tay cầm quạt, tay kia móc túi lấy ví tiền của nạn nhân. Ngay lập tức, bảo vệ đã mời đối tượng tình nghi đến phòng làm việc. Tại đây đối tượng không xuất trình được giấy tờ tùy thân mà chỉ khai tên là Nguyễn Thị Mai (SN 1974) và vòng vo né tránh những câu hỏi có liên quan.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ cho phép, bảo vệ bệnh viện đã đề nghị kiểm tra thì phát hiện đương sự giấu trong người số tiền 8,2 triệu đồng. Qua đấu tranh, Mai khai nhận số tiền trên y vừa lấy cắp được của anh P.N.T. (SN 1971, ngụ quận 8, TPHCM) đang nuôi người thân điều trị tại khoa Chấn thương Sọ não.

Sau khi lập biên bản vụ việc, đội bảo vệ đã bàn giao đối tượng và toàn bộ tang vật cho lực lượng Công an phường 12, quận 5 xử lý. Tại công an phường, Mai khai trước đó đã lân la làm quen với anh N.T. rồi mời bị hại uống cà phê đã pha sẵn cùng thuốc ngủ. Sau đó Mai bám theo, chờ “con mồi” ngủ mê man liền ra tay trộm tài sản. Bằng thủ đoạn trên, một thân nhân người bệnh khác cũng đã bị Mai lột sạch tiền.


Đối tượng bị lực lượng bảo vệ bắt quả tang khi thực hiện hành vi chuốc thuốc ngủ nạn nhân rồi trộm tài sản

Đối tượng bị lực lượng bảo vệ bắt quả tang khi thực hiện hành vi chuốc thuốc ngủ nạn nhân rồi trộm tài sản

Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, tình trạng trộm cắp tại các bệnh viện lớn trong nhiều năm gần đây vẫn diễn biến khá phức tạp. Nhiều người nhà bệnh nhân đã mất tài sản lớn trong quá trình ra vào bệnh viện chăm sóc người thân. Các đối tượng hành vi trộm cắp cũng liên tục thay đồ chiêu thức nhằm trộm cắp tài sản trong khu vực bệnh viện.

Ở góc độ luật pháp, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi sử dụng thuốc ngủ bỏ vào cà phê cho nạn nhân uống rồi sau đó chiếm đoạt tài sản của Mai có cơ sở xem xét cấu thành tội Cướp tài sản được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”

Tội Cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân. Thông qua việc xâm phạm quan hệ nhân thân, người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản.

Hành vi sử dụng thuốc mê của Mai là hành vi khác được quy định trong tội Cướp tài sản, nó khiến nạn nhân mê man rơi vào tình trạng không thể nhận thức được hành vi chiếm đoạt tài sản và không có khả năng phản kháng trước hành vi chiếm đoạt.

“Hành vi sử dụng thuốc mê bỏ vào thuốc ngủ của nạn nhân hành là tình tiết định khung hình phạt được quy định tại tiết d khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009: “ Sử dụng, vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Thuốc ngủ chứa đựng tính nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người bị chuốc sử dụng nếu với liều lượng lớn. Nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sử dụng thuốc ngủ với liều lượng lớn còn có thể gây cho nạn nhân tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng. Thực tế nhiều nạn nhân sau khi bị chuốc thuốc ngủ đã bị tử vong. Trường hợp này nếu nạn nhân bị tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người thì mức hình phạt cao nhất đối với người phạm có thể là tử hình ( tiết a, khoản 4 điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. a) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người” – Luật sư Lực cho biết

Luật sư Lực cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng trộm cắp tại các bệnh viện hiện nay. Trên thực tế, không ít gia đình có người nhà phải chữa trị tại bệnh viện rất khó khăn về kinh tế cũng như chịu nhiều sức ép về tinh thần. Có trường hợp nhập viện khi bệnh nặng mà đành quay về do người nhà lại bị mất cắp hết tiền mang theo, dẫn đến cảnh không có tiền chạy chữa. Trong khi đó là khoản tiền phải vay mượn, bán tài sản gia đình. Hậu quả của việc chuốc thuốc mê, cướp tài sản khiến cho cả gia đình nạn nhân, người bệnh lâm vào tình trạng bi đát, khổ sở cùng cực.

Thanh Trầm