Đánh giá học sinh sao cho chính xác?

(Dân trí) - Vào lúc chuẩn bị kết thúc cuối học kỳ hay năm học, các thầy cô giáo thường phải tiếp phụ huynh HS tại nhà. Mỗi người đến thăm thầy cô thường mang theo túi quà với mong muốn thầy cô “chiếu cố” cho con em mình được điểm tốt và có học bạ “đẹp”.

Sự việc trên cho thấy, trong nhà trường phổ thông, vẫn tồn tại các hình thức xin điểm, chạy điểm. Vẫn có những người thông qua mối quan hệ quen biết, hoặc dùng vật chất để tìm cách xin nâng điểm, hoặc ngụy tạo điểm cho con em. Nhiều nhà giáo nghiêm khắc, kiên quyết không làm sai quy chế, nhưng vẫn có những nhà giáo vì nể nang quen biết, cho nên đã góp phần tạo nên sự sai lệch trong đánh giá.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Có những em bỏ học đã lâu, nhưng trong sổ điểm vẫn đầy đủ các con điểm. Hiện tượng này là do một số giáo viên “cấy” điểm (cho điểm khống), vì ngại chấm bài kiểm tra nên “sáng tác” điểm, hoặc ngại kiểm tra lại lôi thôi (đối với những em bỏ học không làm bài kiểm tra).

Đã có nhiều hiện tượng làm lại, làm giả học bạ. Trong học bạ có điểm, chữ kí của hàng chục giáo viên, có cả chữ kí của Hiệu trưởng và dấu của nhà trường. Chỉ đến khi đối chiếu với sổ điểm gốc mới phát hiện đó là “hàng giả”.

Mới đây, nhân sự việc Đà Nẵng từ chối tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, đã có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng đào tạo hệ tại chức. Hầu như nhiều người thừa nhận chất lượng đào tạo tại chức rất yếu kém, hiện tượng chạy điểm, xin điểm hết sức phổ biến. Có thể nói, một khi còn hiện tượng chạy điểm, xin điểm, thì chất lượng giáo dục sẽ không thể cải thiện được.

Đánh giá kết quả học tập là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và sự công bằng trong giáo dục. Nếu làm tốt khâu đánh giá sẽ tạo nên động lực thúc đẩy người học nỗ lực vươn lên và ngược lại, nếu khâu đánh giá “có vấn đề” sẽ để lại những hậu quả tai hại cho trí tuệ, nhân cách của người học.

Có câu: Thi kiểu gì học kiểu nấy. Thực tiễn cho thấy nhận định đó là đúng. Nếu nhà trường thiên về thi trắc nghiệm, dạy học sẽ theo hướng này để đáp ứng và đối phó, nghĩa là dạy và học kiến thức rộng mà không sâu, cái gì cũng biết nhưng không có cái gì sâu sắc, không thể hiện cá tính, không chú ý rèn khâu trình bày, diễn đạt. Trong dạy học ngoại ngữ, nếu chỉ thiên về kiểm tra kĩ năng viết và ngữ pháp (thi viết), thì người dạy và người học sẽ chạy theo kiểu thi cử này, và hậu quả là người học không thể nghe, nói được.

  Đánh giá cũng giúp cho người dạy điều chỉnh cách dạy cho hợp với đối tượng. Thông qua quá trình, kết quả đánh giá, người dạy sẽ biết được mức độ hứng thú, khả năng của người học, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.

Hiện nay, chỉ trong các kì thi học sinh giỏi, thi khảo sát, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh mới có hình thức rọc phách, chấm cặp đôi hoặc hội đồng, có đề ra, biểu điểm chi tiết. Còn những lần kiểm tra định kì, kiểm tra thường xuyên chỉ khoán trắng cho giáo viên.

Có những giáo viên làm rất nghiêm túc, ra đề, chuẩn bị đáp án, coi thi đúng quy chế, chấm bài chính xác, bảo đảm công bằng. Nhưng cũng có những giáo viên chưa thật sự chuyên tâm, ra đề thiếu chính xác, không làm đáp án biểu điểm, chấm bài qua loa, cho điểm tuỳ tiện, cảm tính. Một số thầy cô không trả bài kiểm tra cho học sinh theo quy định.

Có khi học sinh thấy thầy cô chấm chưa đúng, trao đổi lại và được sửa chữa điểm. Nhưng cũng có hiện tượng khi học sinh xin thầy cô xem lại bài kiểm tra không được giải quyết. Lại có hiện tượng giáo viên tìm cách trừng phạt học sinh bằng những con điểm kém.

Khâu đề thi cũng đóng vai trò rất quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục. Nếu đề thi quá dễ hay quá khó đều phản tác dụng. Những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm có những cách ra đề thi hay, vừa bảo đảm tính vừa sức, vừa có tác dụng kích thích học sinh nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, bộc lộ cá tính, tài năng.         

Nếu thầy cô chấm bài không chính xác, cho điểm thiếu công bằng sẽ tạo nên tâm lí ức chế, chán nản, mất niềm tin và mất động lực phấn đấu ở giới trẻ. Ngược lại, nếu khâu chấm bài tốt thì mỗi con điểm sẽ tạo nên một động lực mới ở người học.        

Nguyên nhân của tình trạng bất cập trong đánh giá bắt nguồn từ sự hạn chế về kinh nghiệm và nhiệt tình của giáo viên. Vì vậy, cần có những tài liệu, những cuộc tập huấn để nâng cao năng lực và trách nhiệm của giáo viên trong khâu đánh giá. Cần cải tiến phương pháp đánh giá sao cho gọn nhẹ, khoa học.

Mặt khác, do mật độ kiểm tra quá dày, giáo viên phải chấm quá nhiều bài nên rất khó có thể chấm kĩ lưỡng, chính xác. Như môn Ngữ văn ở lớp 10 một học kì phải chấm đến 4 bài kiểm tra trên 1 tiết, và 4 bài kiểm tra 15 phút. Một giáo viên dạy 4 lớp, mỗi lớp 45 học sinh mỗi học kì phải chấm đến 1.440 bài. Ngoài ra đề bài các lớp lại không được trùng nhau, mỗi đề bài có một đáp án, biểu điểm riêng. Nếu học sinh nào không tham gia kiểm tra lại phải tổ chức kiểm tra bù. Nhiều khi đến nhà đồng nghiệp, trông thấy chồng bài kiểm tra mà phát khiếp. 

Như vậy, giáo viên phải bỏ ra một lượng thời gian quá lớn để chấm bài. Trước đây, giáo viên chấm bài vượt tiêu chuẩn được tính thù lao, nhưng từ năm 2009, Bộ GD – ĐT đã quyết định cắt chế độ này. Nhà giáo vì vậy càng thêm vất vả. Học sinh cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Do đó, thiết nghĩ nên giảm bớt số lần kiểm tra theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Vì hiện nay các bài kiểm tra bình thường đều không rọc phách nên  sự đánh giá của giáo viên khó lòng tránh khỏi sự cảm tính nhất định. Vẫn có tình trạng “ưu ái” hay “khắt khe” trong chấm điểm của giáo viên, ở những mức độ khác nhau.

Để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong đánh giá, ở một số trường phổ thông, chỉ trừ hình thức kiểm tra miệng do giáo viên trực tiếp thực hiện, còn tất cả những lần kiểm tra viết định kì, nhà trường đều tổ chức thi tập trung, rọc phách, rồi tổ chức chấm tập thể. Đây cũng là một phương án nên tham khảo, và có thể nhân rộng.

Làm theo hình thức này có nhiều ưu điểm như đề thi bí mật, chính xác, vừa sức (do đã có tổ ra đề), coi thi chấm thi nghiêm túc, khách quan, vào điểm chính xác và giáo viên không thể tuỳ tiện sửa chữa điểm.

Có những giáo viên rất sâu sát với học trò, mỗi lần kiểm tra, ra cho mỗi học sinh một đề riêng. Đây là cách làm hay, tuy nhiên mất quá nhiều thời gian, không thể thực hiện đại trà.

Nền giáo dục đang thực hiện cuộc vận động “Hai không”. Thiết nghĩ để cuộc vận động thành công, cần sự phối hợp, nỗ lực thường xuyên của các lực lượng, các khâu. Trong đó, cần chú trọng khâu đánh giá trong quá trình giáo dục. Đúng như Bộ GD-ĐT đã nhận định: Đổi mới kiểm tra đánh giá góp phần tạo ra sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

                                

                                             Trần Quang Đại

                                                  (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây cho thấy những mặt hạn chế và thiếu sót trong khâu kiểm tra đánh giá học sinh, mà đây là một khâu quan trọng trong quá trình dạy và học, phản ánh kết quả học tập của học sinh. Nếu khâu này làm không tốt dẫn đến sự đánh giá sai, không động viên được những học sinh học tập tích cực và có sáng tạo; ngược lại để cho những học sinh yếu kém, lười biếng vẫn có cơ hội đủ điểm lên lớp, gây nên hiện tượng “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến.

 

Muốn đánh giá đúng kết quả học tập, đi đôi với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo, còn cần đổi mới và cải tiến cách kiểm tra, đánh giá sao cho hợp lý, chính xác, mà không gây nên quá nhiều áp lực lực đối với cả thày lẫn trò.