Đắk Lắk:
Dân kịch liệt phản đối cơ sở tái chế bao bì phế thải gây ô nhiễm
(Dân trí) - Từng bị Cơ quan chức năng tỉnh xử lý về việc xả thải trực ra môi trường mà không qua xử lý nhưng cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế từ bao bì của ông gia đình ông Huy vẫn không khắc phục mà tiếp tục gây ô nhiễm gây bức xúc khu dân cư.
Theo phản ánh của người dân, cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế từ bao bì phế thải của hộ ông Phan Đình Huy (SN 1982, ngụ TDP 7, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đi vào hoạt động mà không hề có bất cứ phương pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực này.
Bà Huỳnh Thị Cúc (SN 1949, ngụ TDP 14), nhà cách cơ sở sản xuất của hộ ông Huy 10m, cho biết: Cơ sở này đã thu mua hàng trăm tấn bao bì, túi ni lông phế thải từ khắp nơi về chất tại xưởng để sản xuất hạt nhựa tái chế, “bao nhiêu mùi hôi thối từ bao bì phế thải chảy ra khiến chúng tôi không dám mở cửa nhà, khi xưởng này sản xuất lại bốc ra 1 mùi hôi thối nồng nặc như mùi thuốc sâu, bà con ở xung quanh đây ai cũng bức xúc, không chịu nổi được nữa”, bà Cúc bức xúc.
Cũng theo bà Cúc, việc gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình ông Huy đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân địa phương, “nhà tôi có 3 cháu nhỏ, nhưng đứa nào cũng phải thường xuyên đi viện để chữa bệnh về đường hô hấp do hít quá nhiều mùi hôi thối này”, bà Cúc nói thêm.
Được biết, trước đây cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì phế thải này hoạt động vào ban ngày nhưng sau khi người dân phán ánh dữ dội nên đã chuyển sang hoạt động về đêm từ 18h đến 6h sáng ngày hôm sau.
Ông Lê Văn Đại – Tổ trưởng TDP 14, cho biết cơ sở sản xuất của ông Huy không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm nguồi nước tại suối Ea Knia tại địa phương một cách nghiêm trọng, khi đã cho công nhân đem bao bì phế thải được mua chất đống rồi đem xuống dòng suối này giặt sơ 1 lượt rồi mới mang phơi khô.
“Bao nhiêu chất thải bẩn thỉu cứ vậy ùa cả xuống suối, đã vậy nguồn nước thải trong quá trình sản xuất của cơ sở này còn cho chảy trực tiếp xuống dòng suối làm nước suối đen ngòm, hôi thối nồng nặc, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền mong sớm xử lý dứt điểm nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Đại lên tiếng.
Theo ghi nhận của PV tại cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế này, có hàng chục tấn bao bì phế thải được chất đống ngổn ngang và bốc mùi nồng nặc. Sát cạnh cơ sở là một dòng suối được người dân địa phương cho là nơi cơ sở ông Huy giặt bao bì và xả thải ra, dòng suối này đang chuyển màu và rất hôi thối.
Trả lời về vụ việc, bà Hồ Thị Châu (SN 1985, vợ ông Huy) cho rằng: Từ khi cơ sở hoạt động chưa cho bất kỳ một người dân địa phương nào đến nhà để phản ánh việc gây ô nhiễm môi trường và cơ sở của gia đình bà hoạt động là có giấy phép kinh doanh, “chúng tôi đã đặt mua các thiết bị để xây hầm xử lý khí thải nhưng do gần đây có nhiều đơn hàng đặt nên hiện vẫn chưa có thời gian để thực hiện”, bà Châu lý giải.
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Hữu Danh – Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết: Cơ sở tái chế bao bì phế thải của ông Phan Đình Huy hoạt động vào năm 2011 và đã bị phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh xử phạt hành chính về việc xả khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vào tháng 1/2013. Đến tháng 3/2013, cơ sở này được chuyển sang địa điểm khác cách địa điểm cũ khoảng 500m và nằm sát địa phận của TDP 14.
“Cơ sở mới hoạt động vẫn tiếp tục xả khí thải và nước thải trực tiếp xuống suối mà không qua xử lý làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục xử lý nghiêm việc làm của cơ sở này”, ông Danh nhấn mạnh.
Trương Nguyễn