Vụ thu hồi đất tại Từ Liêm:

Dân khiếu kiện kéo dài vì bị xác định sai nguồn gốc sử dụng đất

(Dân trí) - Một số người dân xã Thuỵ Phương đã kiện Chủ tịch UBND xã Thuỵ Phương và Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Hà Nội, ra toà vì liên quan việc bồi thường GPMB dự án đường vào Khu Công nghiệp Nam Thăng Long.

Bài 1: Dân khiếu kiện kéo dài vì xác định sai nguồn gốc sử dụng đất
Trên bản đồ 1994, khu đất này có ký hiệu là “T” nhưng vẫn bị chính quyền coi là đất vườn

Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của các ông, bà: Vũ Xuân Bình, Nguyễn Văn Nhàn, Vũ Hữu Thu, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Thời, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Thị Hành trú tại xã Thượng Cát và Thụy Phương (huyện Từ Liêm) phản ánh:

Các hộ dân này có đất bị thu hồi nằm trong chỉ giới dự án đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long (Nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài) đoạn xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ngày 4/4/2012, UBND huyện Từ Liêm ra Thông báo số 75/TB-UBND về kết luận giải quyết đơn thư tố cáo của công dân. Tuy nhiên các hộ dân trên đã không đồng ý với nội dung thông báo trả lời đơn thư này bởi có nhiều điểm không đúng pháp luật. Bởi các hộ dân trên có đủ cơ sở pháp lý xác định nguồn gốc đất (đất thổ cư, đất khai hoang phục hóa) của các hộ gia đình sử dụng từ năm 1986.

Nguồn gốc đất ở rõ ràng, hợp pháp

Năm 1986 các gia đình trên đã được UBND xã Thượng Cát giao một thửa đất ở (tại khu kinh tế mới Tân Phương xã Thụy  Phương, nhưng vẫn do UBND xã Thượng Cát quản lý hành chính. Đến năm 2006 khu vực này mới được bàn giao về xã Thuỵ Phương quản lý hành chính) Cấp theo Giấy sử dụng đất số 1946/UBXDC5 ngày 30/4/1986 của UBND TP. Hà Nội  có nội dung như sau: Toàn bộ diện tích đất được cấp với mục đích: “Được sử dụng đất để xây dựng nhà ở giãn dân xã Thượng Cát ”; Địa điểm xã Thụy Phương huyện Từ Liêm; Diện tích 20.000m2 (Hai mươi nghìn mét vuông); Trích lục bản đồ và cắm mốc giới: UBNDTP Hà Nội giải quyết…

Thực tế năm 1986 các cán bộ phụ trách việc di dân đã giao cho 36 hộ gia đình sử dụng toàn bộ diện tích nêu trên. Căn cứ Luật đất đai 2003 và nghị định 181/2004 hướng dẫn thi hành luật đất đai 2003 thì thửa đất ở của các gia đình trên được xác định như sau: Tại khoản 2 Điều 14 luật đất đai 2003 quy định “ Theo Quyết định giao đất…” và được hướng dẫn thực hiện tại điểm b khoản 1 Điều 7 nghị định 181 có quy định “Thửa đất có ranh giới được xác định khi nhà nước giao đất…”. Rõ ràng là thửa đất ở của các hộ gia đình trên được giao theo Giấy sử dụng đất 1946/UBXDCB ngày 30/4/1986 của UBND TP. Hà Nội và các thửa đất ở này đã được xác định tại tờ bản đồ số 27 bản đồ 1994 vì vậy toàn bộ diện tích đất đã giao cho các hộ gia đình trên phải được công nhận là đất ở.

Theo Giấy sử dụng đất số 1946 ngày 30/4/1986 của UBND TP. Hà Nội, UBND xã Thượng Cát đã cấp cho mỗi hộ gia đình là 360m2; Tuy nhiên thực tế sử dụng đất các hộ gia đình đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là hơn 360m2  đất thổ cư (T).
Bài 1: Dân khiếu kiện kéo dài vì xác định sai nguồn gốc sử dụng đất
Đơn tố cáo của các hộ dân gửi Báo Dân trí
 

Căn cứ văn bản đã hết hiệu lực

Từ khi nhà nước có chính sách thu thuế, hàng năm các hộ dân đóng thuê nhà nước đầy đủ theo quy định của pháp luật. UBND xã Thượng Cát giao cho mỗi hộ 360m2 đất thổ cư. Trong thông báo số 75/TB-UBND của UBND huyện Từ Liêm trả lời các hộ dân có vận dụng Quyết định số 272-CP ngày 3/10/1977 của Hội đồng Chính Phủ (đã hết hiệu lực pháp luật) để trả lời đơn tố cáo của các hộ dân trên là trái pháp luật.

Mà tại thời điểm giao đất các hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới 1986 phải thực hiện theo Quyết định số 95-CP của Hội đồng Chính Phủ ngày 27/3/1980 “… giao cho mỗi gia đình xã viên 1500m2 để làm chỗ ở và trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình”. Mới đúng quy định của pháp luật, nhưng thực tế các hộ gia đình trên cũng không được giao đủ theo quy định của Quyết định số 95- CP.

Để xác định diện tích là đất ở của các hộ gia đình trên buộc UBND xã Thuỵ Phương phải xác nhận thửa đất được giao theo 1946 phù hợp với sơ hoạ ban đầu, bản đồ 1994 và vị trí đất thu hồi để thực hiện Giấy sử dụng đất 1946.

Xác nhận sai diện tích đất khai hoang

Cũng tại thời điểm năm 1986 được giao đất ở, các hộ dân trên thấy diện tích bỏ hoang liền kề với đất ở, vì vậy các hộ gia đình đã tự khai hoang thêm một số diện tích đất vườn, ao liền kề với đất ở, để ở và phát triển kinh tế gia đình.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng Văn phòng Luật sư Thủ đô (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 104 Luật đất đai 2003 thì UBND xã Thuỵ Phương phải công nhận quyền sử dụng thửa đất khai hoang thuộc về các hộ gia đình trên.

Trong phiếu xác nhận về nguồn gốc đất ngày 11/10/2010 của UBND xã Thuỵ Phương không công nhận toàn bộ diện tích thửa đất khai hoang thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình là vi phạm vào khoản 2, khoản 3 Điều 104 luật đất đai 2003 và khoản 1 Điều 97 nghị định 181/2004. Mặc dù trong hồ sơ nộp theo đơn tố cáo các hộ dân trên có đơn xin xác nhận thời điểm sử dụng đất khai hoang nhưng không được ông Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm xem xét, giải quyết.

Theo hồ sơ lữu trữ tại UBND xã qua các thời kỳ thì thửa đất khai hoang của các gia đình trong sổ mục kê chưa ghi tên người sử dụng (để trống), vì vậy để làm rõ thời điểm sử dụng đất của các hộ gia đình UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo UBND xã Thuỵ Phương tổ chức thực hiện đúng khoản 4 Điều 10 và điểm b1 khoản 2 Điều 53 Quyết định 108/2009 của UBND TP. Hà Nội, thực tế tổng diện tích đất khai hoang và diện tích đất nông nghiệp được giao ngoài đồng của các hộ trên vẫn nhỏ hơn diện tích được quy định tại Điều 70 luật đất đai 2003.

Việc ông Chủ tịch xã Thụy Phương xác nhận diện tích đất khai hoang phục hóa của các hộ dân sử dụng sau ngày 15/10/1993 là trái với Quyết định 108/2009QĐUBND ngày 29/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội và các văn bản hiện hành.

Như vậy căn cứ vào các quy định của pháp luật tại điểm e, điểm g, khoản 2 Điều 10 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND đã chứng minh các hộ dân đã khai hoang, tôn tạo sử dụng đất từ năm 1986. Việc ông Chủ tịch UBND xã Thụy Phương căn cứ vào khoản 4, Điều 10, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND, trong khi không thu thập ý kiến của những người cư trú trong khu dân cư vào thời điểm sử dụng đất ngoài việc không đúng với điểm e, điểm g, khoản 2 Điều 10 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND, cũng không đúng khoản 4, Điều 10, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND là trái pháp luật.
(Còn nữa)
Ban Bạn đọc