Đắm chìm vào “thế giới ảo”!

Đọc bài “Điểm danh quán Net” của Hoàng Việt Thịnh trên “Diễn đàn Dân trí” ngày 29/3/2008, từ thực tế mắt thấy tai nghe của một thầy giáo, tôi xin nói thêm về “nạn dịch” nguy hiểm này đối với tuổi học trò.

Nóng bỏng “cơn sốt” game online

Thường một số ngày trong tuần, tôi có việc phải đến một điểm truy cập Internet để gửi thư điện tử. Quán này nằm bên đường quốc lộ, gần một trường THCS và một trường THPT, cách đấy không xa là một trường tiểu học. Chỉ mới cách đây không lâu, Internet còn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với một vùng nông thôn như quê tôi, nhưng bây giờ, dịch vụ này đã nở rộ như nấm sau mưa vì những món lợi nhuận không nhỏ mà nó đem lại. Chỉ một quãng đường khoảng 500 mét đã có đến 3 cửa hàng có dịch vụ truy cập Internet.

Đập vào mắt tôi là một cảnh tượng quen thuộc. Có rất nhiều xe đạp dựng lộn xộn trước quán, giỏ xe đựng cặp sách và bên trong, những đôi mắt đang chăm chú dán vào màn hình, những ngón tay gõ thoăn thoắt, lộp cộp trên bàn phím, những đôi tai đeo headphone như phi công. Có những máy có đến 3, 4 cậu túm tụm, hò hét rôm rả, một số cậu mặc áo đồng phục và đeo khăn quàng đỏ. Thấy tôi nhìn, một cậu bé tháo vội chiếc khăn quàng đỏ và nhét vào túi quần. Nhiều cậu là học sinh trường tôi, biết tôi là giáo viên nhưng cứ làm ngơ, cắm cúi chơi và không chào hỏi. Nhìn qua, tôi biết các em đang chơi trò “Phong thần”, một trò chơi trực tuyến có tính bạo lực “hot” nhất hiện nay.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chị N. phụ trách quán Net đến bên một cậu bé và nhắc: “Hết giờ rồi đấy”. Cậu bé chừng 13, 14 tuổi khẽ giật mình, rời mắt khỏi màn hình rồi đứng dậy, móc ra một đồng tiền xu đưa cho chị N. và nói: “Cháu chơi thêm 30 phút nữa”. Ở đây, giá mỗi giờ thuê máy nối mạng là 3.000 đồng (giờ đã tăng lên 4.000 đồng). Cậu này còn có tiền dự trữ, tôi đã thấy nhiều cậu khi hết giờ phải vay bạn hoặc tiu nghỉu ra về. Ở quán này, mỗi khi có các khách hàng “nhí” (học sinh) vào chơi game, chị N. đều phải hỏi chơi trong thời gian bao nhiêu, thu tiền trước và ghi thời gian chơi của từng học sinh vào một tờ giấy treo bên tường. Bởi vì đã xảy ra tình trạng không ít khách hàng “nhí” sau khi chơi xong “chạc” (quịt) tiền. Tôi hỏi chị N.: “Tại sao trong giờ học mà có nhiều học sinh chơi thế”. Chị đáp: “Một số học sinh đi lao động, làm xong thì ghé vào đây, một số khác đi học thêm...”. “Thế có em nào bỏ học ra đây không?”. “- Hình như không có thì phải”- chị N. trả lời.

Có thể chị N. không biết, nhưng tôi thì biết khá rõ có không ít học sinh trên đường đi học đã không đến trường mà rẽ vào các quán Internet. Khi bị giáo viên mời ra khỏi lớp vì vô kỉ luật, một học sinh đã mở cặp, vơ vội mấy tờ giấy bạc nhét vào túi quần. Được giáo viên chủ nhiệm mời đến gặp, bố của Nam (học sinh trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) mới ngã ngửa người ra khi được thông báo: trong hai tháng đầu năm học, Nam đã vắng đến 23 buổi, các khoản tiền đầu năm chưa đóng được một đồng nào. Phụ huynh phân trần với giáo viên: “Thế mà tôi thấy cháu đi học chuyên cần lắm, các khoản tiền đóng tôi đã cho cháu đầy đủ, cháu còn xin tiền để đi học thêm, lại có chiếc xe đạp nghe bảo hỏng nên gửi lại nhà bạn đã hơn tháng nay”.

Bị chất vấn, Nam thú nhận đã trót say mê trò chơi điện tử nên trốn học, bao nhiêu tiền cha mẹ cho đều nướng hết cả vào đấy, không chỉ để trả tiền cước thuê máy tính mà còn phải trả cả tiền mua “đồ”, chiếc xe đạp cũng đã đem “cắm” ở tiệm cầm đồ. Anh K. chủ một cửa hàng Net cho biết: trò chơi này là ảo nhưng lại phải chi tiền thật để mua “đồ”, có khi mất cả triệu đồng. Trước tình hình đó, bố của Nam quyết định phải bỏ thời gian để đưa đón con đi học.

Thế giới ảo - Tác hại thật

Trước đây, sau mỗi buổi học, trẻ em tham gia các trò chơi như đá cầu, đá bóng, đánh đáo, đá cầu, đi câu cá... Nhưng giờ đây, hễ có thời gian rảnh là chúng lao ngay vào quán Net, và cứ ngồi ở đấy, mê mải cho đến khi buộc phải ra về. Cái thứ trò chơi “đánh giết” bất tận này quả có sức hấp dẫn ghê gớm. Tôi để ý thấy có một cậu bé nhà cạnh quán Internet, cậu là con trai duy nhất nên rất được nuông chiều, hầu như không bao giờ vắng mặt ở quán. Hình như cậu chỉ vắng mặt ở quán Net khi về nhà để ăn, ngủ, đi vệ sinh và đi học. Khi thì cậu trực tiếp chơi, khi thì đứng xem hoặc làm “quân sư” cho người khác. Có những cậu bé đi bộ hàng 5-6 cây số đến quán Internet, trong tay chỉ có 2-3 nghìn đồng, chơi hết số tiền ấy rồi lại thất thểu đi bộ về nhà. Một số cậu không có tiền thì đứng xem cho đỡ “thèm”. Không ít học sinh nữ cũng rất thích lên mạng để “chát, chít” tìm bạn, phiêu du trong thế giới ảo và coi đó là một biểu hiện của lối sống “sành điệu”. Quán Net của anh K. có khoảng 30 máy nhưng nhiều lúc cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của các “thượng đế nhí”, nên nhiều cô cậu phải chờ đợi hoặc ra về.

Nhiều phụ huynh lắc đầu ngao ngán, bất lực trước niềm say mê dại dột của con mình. T., một học sinh lớp 12 tuyên bố một câu “xanh rờn”: bố mẹ đánh con, chửi con, giết con con cũng chịu, nhưng con không thể bỏ trò chơi điện tử”. Bố T. được ai đó mách nước đã dùng phương pháp “lấy độc trị độc”, cứ cho con chơi thả cửa, đến một lúc nào đó nó sẽ “bão hòa”, sẽ chán và tập trung học hành, nhưng xem ra “kế” ấy đã thất bại, cậu con trai cứ chứng nào tật ấy và hiện tượng “bão hòa” mãi không xảy ra. Ở cơ quan chúng tôi, có một đồng nghiệp chỉ có một đứa con trai duy nhất thi đậu vào một trường đại học tại Hà Nội. Bình thường, cậu rất hiền lành, chăm chỉ, cha mẹ cũng yên tâm khi con đi học xa. Thế nhưng, không hiểu sao, cậu đã “nghiện” trò chơi điện tử, đến mức nợ rất nhiều môn, suýt bị đuổi học.

Có một số người đã nói về tác hại của trò chơi điện tử đến sức khoẻ các em như cận thị, vẹo cột sống, gù lưng..., nhưng dù sao những tác tại về thể chất cũng không lớn bằng những tác hại về mặt trí tuệ, tâm hồn. Nhiều nhà báo, nhà tâm lí, nhà xã hội học... đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tiêm nhiễm cách ứng xử bạo lực của học sinh, sinh viên từ những trò chơi trực tuyến. Loại trò chơi này càng nguy hại khi có yếu tố sex, và hình ảnh càng sắc nét, nội dung càng li kì thì tác hại càng lớn.

Dư luận hiện đang nóng lên xung quanh hiện tượng tha hóa trong đạo đức, lối sống của một bộ phận trong giới trẻ, trước hiện tượng “xâm lăng văn hóa”. Phải chăng một trong những nguyên nhân tạo nên hiện tượng ấy là niềm say mê, nghiện ngập những trò chơi vô bổ, thậm chí nguy hại như thế. Có một điều tưởng như nghịch lí là các trò chơi điện tử càng phát triển phong phú thì đời sống tâm hồn của một bộ phận giới trẻ càng nghèo nàn, cằn cỗi.

Mong các cơ quan chức năng, các lực lượng giáo dục hãy quan tâm hơn đến hiện tượng này, có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ “thế giới ảo” đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Trò chơi điện tử kích động bạo lực ở các điểm truy cập Internet đang mọc lên nhan nhản ở hầu khắp các vùng thôn quê thật sự trở thành một vấn nạn xã hội như tác giả bài viết trên đây phản ánh.

Nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn những quán có dịch vụ truy cập Internet, không để khách hàng lưu hành và chuyển tải những trò chơi phản văn hóa, kích động bạo lực hay kích dục, có ảnh hưởng rất xấu đến tâm hồn và sự hình thành nhân cách của tuổi học trò. Đó là nhiệm vụ không thể xem nhẹ của chính quyền các địa phương và cơ sở.

Quản lý học sinh và con em mình còn là nhiệm vụ của nhà trường và các bậc cha mẹ, không để các em sa đà vào những trò chơi vừa lãng phí thời gian vừa độc hại.