Cựu vô địch SEA Games nói về tầm quan trọng của dinh dưỡng thể thao

PV

(Dân trí) - Theo võ sư Bùi Việt Bằng, không dừng lại ở việc giúp no bụng, dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới nền tảng thể lực lâu dài, kế hoạch hồi phục, chữa trị chấn thương và cả sức khỏe của VĐV thời kỳ hậu thi đấu.

Theo dõi vụ việc VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia bị cho là thiếu ăn dù phải đóng tới 800.000 đồng mỗi bữa (8 người) và bị HLV yêu cầu chuyển thêm một phần tiền theo quy định, võ sư Bùi Việt Bằng (Cựu VĐV đội tuyển Karate Việt Nam, Chủ nhân 3 tấm HCV SEA Games liên tiếp từ năm 2003 tới 2007) nhìn nhận với góc nhìn của một cựu VĐV từng nhiều năm ăn tập tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Ông cảm thấy không lạ, nhưng thấy buồn vì sự việc.

Cựu vô địch SEA Games nói về tầm quan trọng của dinh dưỡng thể thao - 1

Bùi Việt Bằng thi đấu ấn tượng tại đấu trường SEA Games khi mang về 3 HCV cho thể thao nước nhà (Ảnh: FBNV).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Bằng cho biết: "Tôi buồn vì từ thế hệ thiếu thốn khó khăn của tôi, sau 20 năm các em vẫn gặp khó. Đã 20 năm mà không thể tổ chức bữa ăn tự chọn cho các em thì khó lòng hy vọng những tài năng thể thao có thể vươn tầm thế giới. Đặc thù của VĐV là ăn khỏe, cần nhiều dinh dưỡng nhưng phải điều chỉnh với chu kỳ, kế hoạch và đặc thù bộ môn nên bữa ăn tự chọn cho VĐV là phương thức hiệu quả nhất.

Đặc biệt với VĐV trẻ, dinh dưỡng thể thao là vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cả "ít tiền công" tập luyện cho các em. Người tập thể thao cần dinh dưỡng tốt, nếu không sẽ để lại hệ quả rất lớn, ảnh hưởng nặng nề tới cơ thể VĐV khi về già".

Từng ăn tập, thi đấu và trải nghiệm chế độ ăn uống tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và đạt được vô số thành công, ông Bằng chia sẻ, tại các nước có nền thể thao mạnh, họ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề dinh dưỡng của các VĐV. Dinh dưỡng thể thao thậm chí trở thành đề tài khoa học quan trọng, được các nước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu trên từng tế bào của VĐV, từ đó đưa ra chế độ ăn phù hợp để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thể thao thành tích cao.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ sự việc bữa ăn thiếu thốn của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam, nhà cựu vô địch SEA Games đánh giá vấn đề về dinh dưỡng thể thao tại Việt Nam vẫn chưa được chú trọng. Các nhà quản lý vẫn mang tư tưởng "nuôi ăn", "cho ăn đủ no", thay vì "nghiên cứu, đầu tư dinh dưỡng" cho các VĐV trẻ.

Cựu vô địch SEA Games nói về tầm quan trọng của dinh dưỡng thể thao - 2

Một bữa ăn có giá 800 nghìn đồng cho 8 VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia (Ảnh: Tienphong).

Ngoài ra, việc đầu tư vào cùng lúc nhiều VĐV trẻ tồn tại rủi ro rất lớn, bởi không phải VĐV nào cũng có thể chạm tới đỉnh cao. Do đó, điều này khiến nhiều nhà quản lý quan ngại về tính thành công của khoản đầu tư này.

"Dinh dưỡng là một quá trình tích lũy, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển thể chất cho VĐV để hướng tới thành tích cao nhất trong thi đấu. Không dừng lại ở việc giúp "no bụng", dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới nền tảng thể lực lâu dài, kế hoạch hồi phục, chữa trị chấn thương và cả sức khỏe của VĐV thời kỳ hậu thi đấu.

Để thay đổi vấn đề hiện tại đòi hỏi sự chuyển mình của cả một hệ thống, bắt đầu từ các VĐV, HLV, chăm sóc viên (Đầu bếp, bác sĩ...) tới những người lãnh đạo của đội tuyển. Chỉ khi quan điểm về dinh dưỡng thể thao được quan tâm và coi trọng đúng mức, mỗi cá nhân mới có ý thức chú trọng, đầu tư và phát triển nhằm thay đổi thể trạng, giúp VĐV Việt nam cạnh tranh sòng phẳng trên đấu trường quốc tế", ông Bằng nhấn mạnh.

Chia sẻ kỷ niệm về những chuyến tập huấn nước ngoài, cựu vô địch SEA Games nhớ lại vào năm 2008, ông có dịp tập luyện và sinh hoạt tại Trung tâm Thể thao Quảng Châu (Nam Ninh, Trung Quốc) và dùng bữa trưa tại đây.

Dù chỉ là tuyến thành phố nhưng ông Bằng cảm nhận các VĐV tại đây được chăm sóc, ăn uống rất tốt. Còn năm 2013, khi tập cùng đội sinh viên Nhật Bản tại ký túc xá một trường đại học, cựu VĐV này cũng ấn tượng bởi bữa sáng tại đây cũng rất khoa học và đầy đủ.

"Tại các cường quốc thể thao, yếu tố dinh dưỡng là rất quan trọng nhằm giúp VĐV đạt được thể trạng, điểm rơi phong độ tốt nhất. Tại Việt Nam, khi các chuyên gia nước ngoài tới làm việc, họ cũng rất quan tâm, thậm chí gay gắt để đảm bảo cho việc ăn uống của VĐV môn họ phụ trách, bởi nó liên quan tới không chỉ lợi ích của VĐV mà còn là trách nhiệm mà họ phải đảm bảo khi nhận lời đảm nhiệm vai trò đó.

Chỉ khi nào VĐV và những người làm thể thao thay đổi về ý thức, nhận thức, coi việc bổ sung, cân bằng chế độ dinh dưỡng trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc thì vấn đề về dinh dưỡng thể thao tại Việt Nam mới được giải quyết", võ sư Bằng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo nhà cựu vô địch SEA Games, những người làm quản lý cần có cơ chế thu hút thêm nguồn lực xã hội hóa để đóng góp, tài trợ và chia sẻ, giúp cải thiện tốt hơn cho hệ thống đào tạo trẻ của thể thao Việt Nam, từ đó hạn chế những tiêu cực không đáng có có thể xảy ra với VĐV và HLV.

Hoàng Diệu