Cuộc chiến bảo vệ gia phong trong mỗi gia đình
Chưa bao giờ mỗi gia đình lại đứng trước một cuộc chiến gay go khốc liệt chống lại những làn gió độc hại làm lung lay chao đảo gia phong như bây giờ.
Xã hội phát triển, có những tục lệ không còn phù hợp, song còn rất nhiều giá trị đạo đức cần được bảo vệ, kế thừa và phát huy.
Trong mỗi gia đình đang âm thầm diễn ra một cuộc chiến chống lại làn gió độc hại vô hình vô ảnh nhưng vô cùng lợi hại, luôn rình rập những lúc con người thiếu cảnh giác là tấn công bằng nhiều biện pháp. Những gia đình không đủ sức đề kháng đã bị thoái hóa, biến chất những giá trị đạo đức đã dày công vun đắp từ bao đời.
Có thể hiểu khái lược gia phong là tổng hòa những giá trị đạo đức tốt đẹp của mỗi gia đình đã được các thế hệ chắt lọc, kế tiếp nhau giữ gìn và phát huy đã trở thành nề nếp và truyền thống mà đỉnh cao kết tinh và sự thăng hoa của gia phong là gia thế. Văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cũng bắt nguồn từ đó.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Nếu coi gia đình là tế bào của xã hội, thì yếu tố có tính quyết định sự hình thành và phát triển của gia phong chính là gia giáo. Đó cũng là nền tảng có tính cốt lõi bồi đắp nên truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc, của quốc gia. Đồng thời đó cũng là một động lực, một sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Gia giáo không phải là khái niệm trìu tượng, mà được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: Sự dạy bảo, rèn giũa, động viên có mục đích nhất quán và có tính hệ thống, được các bậc cao niên có tín nhiệm trong gia đình như ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị... kiên trì dạy dỗ từ khi mỗi thành viên trong gia đình còn nhỏ tới lúc trưởng thành. Điều đó đồng hành với sự nỗ lực phấn đấu tu dưỡng của mỗi người cho đến hết đời.
Mục tiêu tối thượng của gia giáo chính là giúp mỗi thành viên trong gia đình hình thành nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, rèn luyện tài năng ý chí, giáo dục lý tưởng, hướng tới cái đích Chân- Thiện - Mỹ. Mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm lấy việc noi gương sáng và sống cho xứng đáng với các bậc tiền nhân làm bổn phận của mình. Sống nhân nghĩa, thủy chung, công bằng, bác ái và phải ý thức rằng nếu vi phạm sẽ là điều sỉ nhục cho chính mình, gia đình và dòng họ, quê hương, tự đaò thải mình ra khỏi bước tiến của gia đình và xã hội. Ý thức dòng họ chính là biểu hiện cụ thể nhất về tâm linh, tình cảm cao quí, thiêng liêng về huyết thống, về sự tồn tại kế tục của ông cha và con cháu.
Ngày nay do lối sống thực dụng, duy vật chất và ảnh hưởng của làn sóng văn hóa ngoại lai độc hại. Không ít gia đình lơi lỏng trong việc giáo dục con cái. Họ mải mê kiếm tiền để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Điều đó nếu nhìn ở góc độ tích cực thì không có gì là xấu, thậm chí vô cùng chính đáng. Chỉ có điều với một bộ phận, họ kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn buôn gian bán lận, tham ô, móc ngoặc, ăn cắp tiền của nhà nước... Để đạt được mục đích của mình, họ lao vào kéo bé kéo cánh... và thả nổi cho con cái đua đòi ăn chơi vô độ. Chúng như những cây cỏ độc được mọc nơi đất tốt, thỏa sức đua đòi, cờ bạc, đua xe, hút hít... không chịu học hành, gây hại không nhỏ cho xã hội. Một bộ phận buông lỏng việc rèn cặp, uốn nắn bảo ban con cái từ nhỏ, mải mê lao vào kiếm tiền, hoặc chính họ không gương mẫu trong lối sống, đến khi hối hận thì đã muộn. Một bộ phận thanh thiếu niên không chịu rèn giũa, lao vào những thói hư tật xấu như con bạc khát nước với lối sống gấp, “trả thù đời”, buông thả trong lối sống thác loạn không cần biết ngày mai... Theo những thống kê của các nhà xã hội học, ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên phạm tội, mà nguyên nhân sâu xa là sự xói mòn gia giáo, bại hoại gia phong.
Bây giờ khi những phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tìm về cội nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”... ngày một trở thành một phong trào rộng lớn của đạo lý và thuần phong mỹ tục, thì ra đường, đến các trường học, trên tàu xe và trong chính ngôi nhà của mình, nhiều khi không khỏi giật mình khi thấy thiếu vắng những lời cảm ơn, xin lỗi, những hành vi biểu lộ sự ứng xử văn hóa như: nhường chỗ và giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ...Thậm chí có bậc làm cha mẹ phải ngậm đắng nuốt cay vì sự đối xử tệ bạc vô nhân tính của con cái chỉ vì những lý do: tranh giành quyền thừa kế, cho rằng cha mẹ già “lẩm cẩm, lạc hậu”, “nghèo nên hèn”... Truyền thống “Kính trên nhường dưới, “Thương người như thể thương thân”. “Nhân, nghĩa, lý, trí, tín” không còn được coi trọng và không còn là phương châm sống của một bộ phận trong xã hội. Những người đó đang xúc phạm tổ tiên, làm ô danh gia tộc, tàn phá gia phong và tương lai của chính họ. Bộ phận ấy tuy không nhiều, nhưng như những con sâu làm rầu nồi canh, làm vấy bẩn lên những giá trị đạo đức tốt đẹp của đa số người.
Bây giờ những dòng họ biết duy trì và củng cố những tập quán, lễ nghi tốt đẹp của cha ông, bổ xung những qui ước lành mạnh, tổ chức những hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ mỗi thành viên hình thành nhân cách, trau dồi đạo đức, rèn luyện tài năng, lý trí, giáo dục lý tưởng cao đẹp cho con em như: Bổ xung hương ước, viết gia phả, lập quỹ khuyến học, giúp nhau xóa đói giảm nghèo... chính là những hành động thiết thực để xây dựng gia đình thành “tế bào” mạnh khoẻ của xã hội, theo hướng kế thừa và phát huy có chọn lọc, bổ xung những nét đẹp văn hóa trong thời kỳ mở cửa và hội nhập của đất nước.
Trần Vân Hạc
LTS Dân trí - Đúng là xã hội ngày càng phát triển, có những tục lệ lạc hậu không nên duy trì, nhưng việc xây dựng và phát huy truyền thống của gia đình, của dòng họ thì thời nào cũng là việc làm có ích.
Ngày nay, chúng ta đang có phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học… Đấy là việc làm có ý nghĩa nhiều mặt vừa phát huy được đạo lý truyền thống của dân tộc vừa đẩy lùi những tệ nạn xã hội do những ảnh hưởng độc hại của lối sống ngoại lai, thực dụng.
Xây dựng gia đình phát triển lành mạnh chính là tạo ra nền tảng vững chắc đẻ phát triển bền vững đất nước.