Cùng suy nghĩ về chữ Thọ

Nhân đọc bài “Nghĩ suy về chữ THỌ” trên Diễn đàn Dân trí ngày 6/10/2008, tôi thấy tâm đắc với tác giả Trần Huy Thuận: “Thọ thế nào thì vừa? Thọ có thực sự là một điều Hạnh phúc không?”…

Tôi  được chứng kiến nhiều cụ có thể xếp vào hàng… THỌ ở xung quanh gia đình, bạn bè và hàng xóm, xin kể ra đây một số trường hợp để những ai quan tâm  cùng chia sẻ:

- Một lần tôi cùng anh chị em trong cơ quan đến nhà  một anh bạn cùng phòng để thăm bố của anh  bị ốm, tại đó chúng tôi cũng gặp bà mẹ vợ của anh là do hôm đó anh bạn đã đón bà mẹ vợ đến nhà mình để thày thuốc khám bệnh, kê đơn thuốc cho bố mình và nhân tiện cho cả bà mẹ vợ. Trong khi nói chuyện thăm hỏi tôi rất cảm động và kính phục bà mẹ vợ anh bởi sự suy nghĩ sâu sắc và tình thương con cháu của bà.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bà bảo rằng: “Tôi nói với cháu là cứ để mẹ chết cũng được, không phải thuốc thang gì nữa, mẹ ngoài 80 tuổi rồi. Người ta nói tuổi già phải sống vui, sống khỏe, sống có ích, mẹ bây giờ không  khỏe nữa, những sinh hoạt cá nhân không tự lo được, con cháu phải lo giúp thì sống có ích gì nữa, mà vui thì cũng không vì hàng ngày thấy con cháu phải phục vụ mình vất vả thế thì sao mà vui được…”.

- Bố cô bạn tôi năm nay 81 tuổi, ông bị u tuyến tiền liệt, bí tiểu tiện cụ đã giấu con cháu, tự chịu đựng và ra hiệu thuốc mua thuốc uống. Các con thấy sức khỏe của bố không tốt định đưa đi bệnh viện để khám nhưng cụ không đi nên đã nhờ một anh bạn là bác sỹ đến để nói chuyện và thuyết phục cụ đi bệnh viện khám và chữa bệnh, cụ đã nói với con cháu rằng: “Bố đã ngoài 80 tuổi chết cũng được rồi, không ai sống được mãi, bây giờ các con đã trưởng thành, các cháu ngoan là bố mãn nguyện rồi. Các con ai cũng phải đi làm để lo cho cuộc sống gia đình riêng và lo cho các cháu ăn học bây giờ vất vả lắm. Bố đi viện các con lại phải nghỉ việc thay nhau vào chăm sóc. Bố làm các con vất vả thêm, Bố không muốn, cứ để Bố uống thuốc, sống thêm được ngày nào cũng được mà không sống được nữa thì cũng không sao …”.

- Bố chồng của dì ruột tôi năm nay 98 tuổi, thường xuyên bị lẫn nhưng rất khỏe, suốt ngày chỉ đòi ăn  và chửi bới ầm ĩ, 10 giờ đêm còn đòi ăn hết một bát phở và 3 quả trứng vịt lộn mà ăn rồi thì khoản vệ sinh khỏi phải nói. Có lần tôi đến thăm Dì và Dượng (Dượng tôi năm nay 72 tuổi) tận mắt thấy Dượng đang vật lộn cùng một người đàn ông 50 tuổi để cởi cái quần cụ 98 tuổi vừa tè dầm. Dượng tôi ôm đầu và giữ tay thì bị cụ cào cấu giãy dụa cắn vào tay còn người giúp việc giữ chân và lột quần ra thì bị cụ đạp vào bụng. Hỏi ra mới biết người đàn ông 50 tuổi kia là Dì và Dượng thuê về để chăm và giúp cụ 98 tuổi, không dám thuê phụ nữ giúp vì sợ cụ 98 tuổi sàm sỡ… Kể từ sau khi cụ bà mất, cụ ông (lúc đó gần 80 tuổi) cứ đòi lấy cô em dâu.

Dì tôi kể, có lần cụ vệ sinh bẩn nhưng không cho Dượng tôi thay quần áo tắm rửa còn đánh Dượng, Dượng tôi đã khóc và nói rằng: “Bố không để con khỏe để phục vụ bố thì ai phục vụ bố được đây, con mà chết trước bố thì ai lo cho bố được…” Sau đó Dượng tôi đành đưa về cho mấy cô em gái ở gần nhau chăm bố còn Dượng tôi chu cấp tiền vì ngoài 70 tuổi có muốn phục vụ nữa cũng không đủ sức.

- Mẹ chồng cô bạn tôi năm nay 85 tuổi, đã nằm liệt giường gần 5 năm, không còn nhận biết gì chỉ biết khi đưa thức ăn vào miệng thì há miệng và ăn bao nhiêu cũng không biết no, ăn món nào ngon hay không ngon cũng không biết, thực ra là sống thực vật. Nằm lâu ngày nên chân bị co quắp các cơ bị teo chỉ còn da bọc xương và nhiều lần bị lở loét trầm trọng. Chồng và gia đình chồng cô bạn tôi có suy nghĩ là phải báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ nên hằng ngày vẫn bồi dưỡng bằng cách cho ăn nhiều và mỗi ngày 3 cốc sữa cho đủ chất. Họ hàng, con gái con trai cụ đến thăm mua món ngon vật lạ cho cụ hưởng lúc tuổi già nhưng sau khi họ về thì ai là người phải chịu cái sự “hưởng thụ” ấy?

Ai cũng biết đồng hóa thì phải có dị hóa, mỗi lần cụ đi vệ sinh thì con cô bạn tôi phải đi sang nhà bác ở gần đấy sơ tán vì quá ô nhiễm không thể chịu được mà không phải vài ngày 1 lần mà có ngày vài lần ở trong tình trạng cứ có phân thì tự đùn ra bao giờ hết mới thôi. Nếu ai đã từng trong hoàn cảnh này có thể tưởng tượng ra cái cảnh nhà ở thành phố, phòng nọ sát phòng kia, tầng trên tầng dưới không  khác gì đang ở trong một nhà vệ sinh công cộng.

Tất nhiên là cha mẹ sinh thành ra mình ai không xót nhưng cụ có biết gì nữa đâu, no không biết, đói không biết, ăn ngon hay không ngon cũng chẳng biết gì, nhưng hậu quả thì những người tỉnh táo lại phải chịu. Trong họ có người nói với bạn tôi rằng: “mẹ cháu bây giờ “đi” được thì mừng quá, bằng ấy năm con cháu phục vụ báo hiếu vất vả thế là đủ rồi”, nhưng có người lại phản đối là không nên thế, vẫn còn ăn được thì vẫn phải sống để hưởng thụ…”

- Mẹ đẻ anh bạn tôi năm nay 81 tuổi, bị tiểu đường và phải có người phục vụ hơn chục năm nay, gần đây lại bị tai biến và liệt nửa người nằm tại chỗ. Trước đây khi chưa bị liệt cứ vài tháng một lần vào viện nằm điều trị tiểu đường. Vài năm nay cụ đi lại khó khăn, con cụ thuê dịch vụ hàng tháng đến nhà lấy máu và nước tiểu xét nghiệm sau đó đưa kết quả xét nghiệm cho bác sỹ kê đơn thuốc uống tại nhà, nhưng thỉnh thoảng cụ lại đòi đi viện vì đến viện có bác sỹ cứu chứ ở nhà con cháu không cứu được thì sợ chết.

Đã vài lần con cụ đã phải chiều cụ đưa cụ vào bệnh viện nài nỉ xin bác sỹ cho cụ nằm viện mà ngay cả bác sỹ cũng phải ngạc nhiên. Bác sỹ khuyên cụ người bị bệnh tiểu đường thì phải ăn kiêng theo thực đơn riêng nhưng cụ cứ đòi ăn theo ý thích, không được cụ chửi mắng ầm ĩ. Và luôn miệng nói chữa cho tôi để tôi sống tôi hưởng lộc của con cháu.

Hằng ngày con cháu đi làm và đi học hết nên phải thuê người giúp việc, người nào cụ cũng mắng cũng xỉ nhục họ, kể cả cháu chắt trong họ cụ cũng đuổi vì cụ nghi ngờ người ta ăn vụng, ăn cắp. Thậm chí miệng thì đang chửi con, cháu, người phục vụ nhưng phần dưới lại bậy và bôi  bừa bãi ra mà không biết gì, đến khi lau dọn, cụ lại không cho dùng nước vì sợ tốn nước mà bắt lấy tay bốc thôi…

Mẹ của chị hàng xóm  tôi  năm nay  80 tuổi, bị bệnh nằm liệt giường và không nói được nữa nhưng hằng ngày bà vẫn ra hiệu cho con đưa cho bà giấy bút để bà viết: mẹ khổ lắm, tiêm cho mẹ một mũi để mẹ chết đi, các con cũng khổ lắm rồi…

Là con cháu không ai mong muốn cho bố mẹ mình chết nhưng ai đã rơi vào những hoàn cảnh trên hoặc nếu rơi vào hoàn cảnh trên thì suy nghĩ và làm gì? Trên đây chỉ là một số trường hợp tôi từng chứng kiến xin kể ra để mọi người cùng chia sẻ và đóng góp ý kiến nên giải quyết ra sao. 

Bạn đọc Dân trí  

LTS Dân trí - Đúng là các cụ già chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được sống khỏe, sống vui, sống có ích. Còn nếu sống trong tình trạng bệnh tật triền miên, để con cháu phải vất vả thay nhau hầu hạ hết ngày này sang tháng khác, nhất là phải nằm liệt giường, lúc tỉnh lúc mê, hoặc không còn biết gì thì quả thật chữ Thọ lúc này trở nên vô nghĩa.

Nhiều cụ phải sống trong hoàn cảnh như vậy, vừa thấy khổ cho mình, lại thấy thương con cháu, cho nên có nguyện vọng thiết tha muốn được từ giã cõi đời, không muốn kéo dài những ngày khổ ải như vậy. Thiết nghĩ đấy cũng là nguyện vọng chính đáng, luật pháp nên cho phép các thầy thuốc can thiệp để các cụ được ra đi một cách nhẹ nhàng. Các con cháu cũng không nên nghĩ như vậy là thất hiếu mà điều quan trọng là phải hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi đã cao, còn khi đã lâm bệnh nặng và kéo dài, mọi sự chạy chữa đều vô hiệu quả, chỉ kéo dài cuộc sống đau đớn thì nên chiều theo nguyện vọng chính đáng của các cụ.

Suy nghĩ như vậy có chấp nhận được không? Có đúng với tinh thần nhân đạo không? Xin mời những ai quan tâm đến vấn đề có tính xã hội này đóng góp thêm ý kiến.