Cụ bà 85 tuổi và hành trình kêu oan dài hơn 3 thập kỷ
(Dân trí) - Từ tiếng động lạ phát ra ở phía hố phân lợn sau nhà, ba mẹ con cụ Nguyễn Thị May vướng vòng lao lý. Sau hơn 3 thập kỷ đeo đuổi, hành trình kêu oan của họ đã mang lại trái ngọt.
Tháng 8/2022, TAND tỉnh Cao Bằng ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ án dân sự tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị May (85 tuổi) cùng 2 con là Trần Thị Nga (58 tuổi), Trần Ngọc Hùng (53 tuổi, cùng ở Cao Bằng) với bị đơn là Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 1.
Cụ May cùng 2 con là những người bị bắt oan về tội giết người trong vụ án quân nhân Lê Danh Tân bị sát hại hồi tháng 2/1988.
Sau hơn 30 năm ròng rã kêu oan, hành trình đi tìm công lý của ba mẹ con cụ May cuối cùng cũng đem về trái ngọt. Không chỉ được VKSQS Quân khu 1 chấp nhận bồi thường số tiền 5 tỷ đồng, ba người còn được đơn vị giao quyết định đình chỉ điều tra bị can và xin lỗi công khai trên mặt báo.
Vụ án sẽ mãi mãi chưa khép lại khi kẻ thủ ác vẫn nằm trong bóng tối. Song, đối với những người vô tội, công lý đã được thực thi.
Tiếng động lạ rạng sáng 23 tháng Chạp
Theo lời kể của cụ May, tối muộn 7/2/1988, quân nhân Lê Danh Tân tới nhà cụ ở thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) để ngủ qua đêm. Anh Tân là bạn chiến đấu với cháu cụ May nên được xem như người thân trong gia đình.
Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, cụ May là người đầu tiên bị đánh thức bởi nhiều tiếng động lạ phía ngoài. Trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi, người phụ nữ đánh thức gia đình và gọi hàng xóm để cùng ra kiểm tra. Ra ngoài nhà, cả gia đình nghe thấy tiếng kêu cứu của anh Tân từ phía hố phân lợn.
"Ra đến nơi, tôi rất hoảng hốt khi thấy cháu Tân trong tư thế chúi đầu xuống hố phân lợn. Lập tức, tôi hô hoán mọi người và cùng đưa Tân tới trạm xá Quân y của tỉnh đội Cao Bằng. Tân sau đó được chuyển đến bệnh viện tỉnh nhưng không qua khỏi do vết thương nặng và bị nhiễm trùng", cụ bà 85 tuổi kể lại.
Tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng kết luận anh Tân bị đánh trọng thương ở vùng đầu rồi bị đẩy xuống hố phân lợn. Dù là người trực tiếp trình báo sự việc lên cơ quan chức năng nhưng chính cụ cùng con trai là Trần Ngọc Hùng lại là những người đầu tiên bị bắt tạm giam với cáo buộc giết người.
Hai tháng sau, tới lượt con gái là bà Trần Thị Nga cũng vướng vòng lao lý.
Trong trại tạm giam, ông Hùng đã khai nhận mình là hung thủ giết người. Tuy nhiên, những tài liệu điều tra lại cho thấy có nhiều sự mâu thuẫn trong lời khai của người đàn ông này.
Kết quả thực nghiệm hiện trường cũng cho thấy ông Hùng không thể tái hiện được hành vi giết người như đã khai nhận. Và hành động đó không đúng với cơ chế hình thành vết thương trên người anh Tân.
Không đủ căn cứ kết tội, cơ quan tiến hành tố tụng lần lượt trả tự do cho mẹ con cụ May. Thời gian bà Nga, cụ May và ông Hùng bị tạm giam lần lượt là 2 tháng, 9 tháng và 2 năm.
Trong khoảnh khắc ký ức năm xưa ùa về, ánh mắt người phụ nữ 85 tuổi lại toát lên sự uất ức, nghẹn ngào. Cụ trải lòng: "Trước khi bị bắt, cả gia đình chưa từng mâu thuẫn với mọi người nên chẳng biết và cũng không thể nghi ngờ ai là người ra tay hãm hại anh Tân. Thời điểm phát ra tiếng động lạ, cả gia đình đều ngủ trong nhà. Chúng tôi còn chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, tại sao lại coi chúng tôi là những kẻ giết người được?".
Tài liệu vụ án thể hiện, ông Hùng nhận tội và khai lý do giết người vì muốn chiếm đoạt súng K54 của anh Tân để bán lấy tiền. Rạng sáng 8/2/1988, người đàn ông dùng chày đánh nhiều nhát vào đầu, mặt anh Tân rồi xốc nách, kéo và ném quân nhân này vào hố phân lợn.
Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Giết người đối với 3 mẹ con cụ May đã được tống đạt và phê chuẩn bởi VKS Quân sự tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy lời khai của các bị can có nhiều điều bất thường.
Kết quả thực nghiệm hiện trường cũng cho thấy kết quả không trùng khớp lời khai và cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân, đặc biệt với hành vi của ông Hùng, người khai nhận trực tiếp giết anh Tân.
Khi cơ sở buộc tội chưa đủ "mạnh", cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải trả tự do cho 3 mẹ con cụ May. Ngày 20/1/1990, ông Hùng là người cuối cùng được ra tù. Và từ đó, hành trình đi tìm công lý chính thức bắt đầu.
Ba thập kỷ mòn mỏi đi tìm công lý
"Dù kinh tế khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng gom góp. Cứ gom được đồng nào là tôi lại mang đi kiện, cứ có tiền là lại lên đường. Đều đặn mỗi tháng 1-2 lần, mỗi lần vài ngày, tôi lại một mình xuống Hà Nội để "gõ cửa" chính quyền.
Ngày đó, tôi làm gì có tiền mua vé xe khách đâu. Mỗi lần xuống Hà Nội, tôi đều phải đi bộ, dọc đường gặp ô tô tải thì xin đi nhờ. May mắn gặp người tốt thì họ cho lên xe, mà không thì cứ phải đi bộ, được bước nào thì bước. Mỗi lần như vậy, nhanh thì một ngày, không thì phải 2 ngày tôi mới tới nơi", người phụ nữ nhớ lại.
Trong mỗi chuyến đi như vậy, hành trang của người phụ nữ mang theo chỉ có manh chiếu cũ, mảnh chăn chiên cùng vài nắm cơm nguội. Tới nơi, không có tiền thuê nhà nghỉ, cụ phải "ăn dầm nằm dề", xin ngủ nhờ tại các bến xe.
Những lá đơn kêu oan cứ thế được gửi đi, với địa chỉ là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi mòn mỏi từ gia đình, sau nhiều năm dài đằng đẵng, những gì gia đình nhận lại chỉ là sự "bặt vô âm tín" của chính quyền, từ Trung ương tới địa phương.
"Kinh tế khó khăn, những người con của tôi phải đi làm thuê, làm mướn, gom góp từng đồng để tôi đi kêu oan, tìm lại công lý cho gia đình. Trải qua nhiều năm dài đằng đẵng nhưng không đạt được kết quả, kinh tế gia đình của tôi dần khánh kiệt. Tuy nhiên, với sự uất ức trong lòng, tôi lại tiếp tục gửi thư thông qua đường bưu điện.
Có nhiều lúc, mọi người tưởng chừng đã nản chí và bỏ cuộc. Nhưng mỗi khi xem trên báo đài, thấy những vụ án oan sai xuất hiện và người bị hàm oan được minh oan, chúng tôi lại gửi đi những lá thư với hy vọng mong manh sẽ tìm được công lý", người phụ nữ trải lòng.
Sau 29 năm dài đằng đẵng, với sự trợ giúp pháp lý của luật sư, những tia sáng đầu tiên xuất hiện. Những lá đơn của gia đình đã được hồi âm, song kết quả thì không mấy khả quan. Dẫu vậy, đây vẫn là cơ sở để gia đình vững tin, tiếp tục theo đuổi trên hành trình đi tìm công lý.
Ngọn lửa niềm tin, tưởng chừng như chỉ còn là một đốm lửa nhỏ lập lòe chờ tắt, nay lại bùng lên và rực cháy mãnh liệt. Cùng sự trợ giúp pháp lý từ luật sư, cánh cửa công lý dần được hé mở.
(Còn nữa)
Hoàng Diệu