Cốt ở yên dân

(Dân trí) - Trong tuần qua, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL tiến hành công tác tiếp những người dân khiếu kiện đông người ở TPHCM trở về. Theo quan sát của phóng viên các cơ quan báo đài, chưa bao giờ các cuộc tiếp dân lại được tổ chức nghiêm túc, chu đáo như lần này.

Ở An Giang, UBND giải quyết chỗ ở cho người không có nhà. Ở Đồng Tháp, đích thân chủ tịch tỉnh tiếp dân,  đối thoại các vấn đề mà dân bức xúc, giải thích tường tận và tìm mọi cách tốt nhất đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân... Điều rõ ràng là người dân không phải khiếu kiện lần đầu, các vụ việc đã kéo dài nhiều năm. Đúng ra, từng địa phương phải thực sự quan tâm xử lý thấu tình đạt lý cho từng trường hợp.

 

Thấu tình là nhìn nhận vấn đề hợp với đạo lý, không máy móc, không xem thường dân, nhìn thấy được nỗi khổ và những khó khăn của người dân. Đạt lý là đúng chính sách, đúng pháp luật, và quan trọng là phù hợp với thực tiễn xã hội.

 

Ví dụ, giá đền bù đất đai cho dân phải bằng hoặc hơn giá trị trên thị trường. Có nhiều nơi, sự chênh lệch quá xa giữa giá đền bù với giá thực tế khiến cho người dân bức xúc vì chịu quá nhiều thiệt thòi. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các dự án và chính sách đền bù giải tỏa, nhiều trường hợp cán bộ nhà nước có biểu hiện tiêu cực, dân mất đất trong lúc một bộ phận lợi dụng để trục lợi. Dân nào yên cho được.

 

Đúng ra ngay khi có khiếu nại, tố cáo, các địa phương phải tích cực giải quyết, xác định đúng một chính sách tối quan trọng là "cốt ở yên dân". Do bị coi thường, yêu cầu chính đáng không được quan tâm giải quyết nên dân phải bỏ nhà cửa lên nằm dài kêu cứu các cơ quan trung ương.

 

Loại trừ trường hợp có những phần tử xấu xúi giục, phần lớn người dân đi khiếu kiện xuất phát từ những oan ức thực sự. Không ai muốn bỏ nhà cửa, công việc để ăn cực ở khổ, màn trời chiếu đất một cách vô cớ. Cái giá phải trả cho bài học quản lý điều hành của chính quyền các địa phương là nỗi khổ của người dân. Nếu như có những chính sách chưa phù hợp, cơ chế thực hiện các chính sách không đúng thì phải sửa đổi, không thể để cho người dân tiếp tục nhọc nhằn vì những sai lầm của chính sách nữa.

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu: "Nếu dân khiếu kiện đúng thì phải giải quyết ngay yêu cầu của dân; nếu cá nhân tổ chức nào làm sai thì kiên quyết xử lý để lấy lại lòng tin của người dân". Giải quyết ngay yêu cầu chính đáng của dân là cách làm yên lòng dân; xử lý những cá nhân, đơn vị đã không giải quyết hoặc tham nhũng tiêu cực cũng là phương sách yên dân. Làm tất cả mọi việc "cốt ở yên dân" không phải chỉ là "việc nhân nghĩa", mà đó là sự thể hiện một quốc gia có nền pháp trị vững vàng và công chính.

 

Lê Chân Nhân