"Công chức đi làm không mặc váy ngắn là đúng, không có gì phải bàn!"
(Dân trí) - Bên cạnh một số ý kiến còn băn khoăn về quy định cấm mặc quần bò, váy ngắn đến công sở, còn lại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ, thậm chí vui mừng vì quy định này của Bộ Nội vụ.
Theo bộ quy tắc ứng xử vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành mới đây, trong đó có quy định khi làm việc tại công sở, đi thực thi công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ phải ăn mặc kín đáo, váy quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không mặc quần bò, áo phông không ve cổ…
Vấn đề này đã thu hút nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội những ngày này.
Bên cạnh một số ít ý kiến còn thắc mắc rằng: "Quan trọng là chất lượng cán bộ. Còn về hình thức miễn sao kín đáo, lịch sự là được. Nước ngoài áo phông quần bò có sao đâu. Tránh cứng nhắc, cực đoan về trang phục bởi có những loại quần không phải quần bò, nhưng lại quá chật, nhìn phản cảm. Có những loại quần bò, không quá chật, không bị "phơi bày", nhìn rất đẹp. Nên quy định không mặc đồ bó chẽn, quá chật, gây phản cảm, chứ không nên cấm quần bò".
"Tôi đồng ý là không mặc hở hang và phản cảm. Nhưng về việc không được mặc quần bò thì thấy không đúng, bởi quần bò đâu hở hang và không lịch sự. Đánh giá việc hoàn thành công việc và nhất là tiếp dân thì đâu phải chỉ ở vấn đề mặc quần bò - áo trắng? Chắc gì mặc bộ vest đã làm tốt công việc hơn mặc quần bò - áo sơ mi".
Còn lại, đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ và thậm chí thấy mừng với quy định này của Bộ Nội vụ và mong muốn được triển khai rộng hơn ở nhiều cơ quan, bộ ngành khác:
"Tôi hoàn toàn nhất trí cao, nên làm như vậy. Vào công sở mà thấy mọi người mặc trang phục gọn gàng, kín đáo, giao tiếp lịch sự, mọi thứ ngăn nắp thì mình đã thấy vẻ nghiêm túc của họ đối với công việc rồi".
"Theo tôi ngoài việc cấm cũng cần nên có quy định trang phục cho nhân viên làm việc nơi công sở. Quần jeans và áo thun rất đẹp tuy nhiên không phù hợp với môi trường công sở. Là cơ quan công quyền thì cần phải chú trọng đến văn hóa, một trong những văn hóa đó là văn hóa ăn mặc, từ đó tạo nên dấu ấn ban đầu cho người đến giao tiếp (có khi nào các bạn đến công sở giao tiếp mà gặp công chức xăm đầy trên tay mà có cảm giác thấy dễ chịu ko?); sau đó mới đến thái độ và việc cư xử với khách hàng đến giao dịch".
"Trang phục nên kín đáo, chuẩn mực với đạo đức, con người Việt Nam là hết sức hợp lý và phù hợp với mọi thời đại. Tôi nghĩ là tất cả các cơ quan, ban ngành khối nhà nước nên thực hiện chỉ thị trên!"
"Chủ yếu là chị em vi phạm thôi chứ anh em thì khá nghiêm túc. Đề nghị nghiên cứu mặc đồng phục công sở, trường học là chuẩn nhất. Thứ nhất: Không phân biệt được hoàn cảnh gia đình, tạo sự văn minh. Thứ hai: Dễ nhận biết công chức khi thực thi nhiệm vụ và khi trốn cơ quan ra ngoài có thể nhận ra ngay. Giải pháp: áo sơ mi màu theo quy định cơ quan, quần vải tối màu".
"Quy định tuyệt vời, tôi ủng hộ 100%. Vào một số cơ quan mà cán bộ mặc trang phục như đi du lịch (quần bò, áo phông cổ tròn, khoét sâu, đi dép lê, váy ngắn nửa đùi, ăn uống, nói chuyện như ở chợ...) thực sự thấy không chuyên nghiệp và không phù hợp với môi trường công sở. Sao Bộ Nội vụ không trình Chính phủ quy định trong toàn bộ hệ thống cơ quan quản lý nhà nước luôn. Tôi thấy nhiều nơi công chức, viên chức mặc phản cảm, mất đi vẻ đẹp truyền thống của người Việt.
Ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp, trang trọng, quy định còn tránh cho phụ nữ bị lạm dụng: "Tôi đến một cơ quan hành chính sự nghiệp mà nhìn mấy cô nhân viên ở đây như là đi lên sàn diễn chứ không phải đi làm. Người thì váy đã ngắn còn xẻ, áo cổ sâu hở cả khoảng cổ; người thì lại áo khoét nách, hay mặc áo mà như không vì chất liệu mỏng… xuyên thấu… gây bức xúc và ảnh hưởng đến công việc lắm! Không nhìn thì không được mà nhìn thì rất khó chịu cho bản thân các đồng nghiệp khác giới".
Chung quy, điều mà công chúng quan tâm hơn cả ở cán bộ, công chức là thái độ phục vụ của họ, chứ không phải quần áo. Về điểm này thì quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ cũng nêu: Phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của tổ chức và công dân...; Phải thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ...
Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào, hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!