Coi trọng dạy Tiếng Việt cho học sinh miền núi

(Dân trí) - Chất lượng học tập của học sinh miền núi phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố quan trọng là mức độ nghe hiểu và sở dụng tiếng Việt, bởi phần lớn học sinh miền núi là dân tộc thiểu số.

Điều đó cũng có nghĩa là Tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thiểu số, trong khi tiếng Việt lại là tiếng phổ thông, ngôn ngữ chính được dùng trong nhà trường, cũng là phương tiện tối quan trọng để giao tiếp và chiếm lĩnh tri thức. Để nắm bắt được kiến thức do giáo viên truyền thụ, nhất là đối với những học sinh ở cấp tiểu học, một học sinh dân tộc không chỉ cần nói rõ tiếng mẹ đẻ mà nhất thiết phải biết nói và sử dụng tiếng Việt thành thạo bởi học sinh sẽ phải tiếp nhận một chương trình học mang tính quốc gia. Tức chương trình chung áp dụng cho mọi học sinh trên toàn quốc, không phân biệt vùng, miền.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Có một thực tế đang diễn ra đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số là số học sinh chưa dược tiếp xúc với tiếng Việt trong các lớp mầm non, mẫu giáo chiếm tỉ lệ khá cao, tập trung ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện thành lập các trường mầm non. Hoặc nếu có thì chỉ mới dừng lại ở việc trông nom mà chưa chú trọng nhiều đến việc cho trẻ có những tiếp xúc ban đầu với tiếng Việt. Đây là một thiệt thòi lớn của học sinh miền núi so với học sinh vùng đồng bằng, thành phố. Khi vào học lớp 1, do không nói được tiếng phổ thông, nhiều học sinh tỏ ra e dè, nhút nhát, thiếu tự tin. Trong khi đó, đa số giáo viên công tác ở các trường miền núi, nhất là đối với những giáo viên trẻ mới ra trường lại không biết hoặc biết rất ít tiếng dân tộc. Tình trạng bất đồng ngôn ngữ  giữa người học và người dạy, giáo viên nói học sinh không hiểu diễn ra khá phổ biến. Học sinh không sử dụng thành thạo tiếng Việt tất yếu sẽ khó nắm được kiến thức từ chương trình học. Chất lượng giáo dục đại trà vì vậy mà bị ảnh hưởng. Phần lớn học sinh lưu ban bỏ học trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi và đều do học lực xếp loại yếu kém. Việc học sinh sử dụng không thành thạo tiếng Việt – phương tiện để chiếm lĩnh kiến thức là một tác nhân quan trọng dẫn đến thực trạng đáng buồn này.

Nguyên nhân dẫn đến việc học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng thành thạo tiếng Việt trước hết là bởi nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề nên việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số còn bị xem nhẹ. Chất lượng giáo viên ngành học mầm non vùng sâu vùng xa còn nhiều bất cập. Trong khi rất ít giáo viên tiểu học và THCS  biết tiếng dân tộc thiểu số, bởi phần lớn trong số họ đều từ những nơi khác tới. Số giáo viên này cũng chưa từng được tiếp cận với chương trình đào tạo liên quan đến ngôn ngữ dân tộc thiểu số khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Để việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đáp ứng được yêu cầu đặt ra, Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng một hệ thống giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Theo đó, phương án giãn chương trình lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt từ 35 tuần thành 50 hoặc 70 tuần mà vụ giáo dục mầm non vừa đưa ra thời gian qua là giải pháp hữu hiệu. Mỗi địa phương cần căn cứ vào điều kiện, tình hình của địa phương mà lựa chọn thời lượng áp dụng cho phù hợp. Các trường mầm non, mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ đầy đủ tài liệu “Hướng dẫn dạy nói tiếng Việt” cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, việc ngành giáo dục cung cấp đầy đủ các tài liệu dạy và học tiếng Việt chưa phải là đủ. Điều quan trọng nhất là giáo viên phải biết được tiếng dân tộc. Do đó, cần có những chương trình tập huấn về tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên công tác ở dịa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đã đến lúc phải có những nhìn nhận xác đáng về tầm quan trọng của việc học sinh dân tộc thiểu số hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Từ đó, có những bước đi mang tính đột phá cải thiện tình trạng hạn chế trong sử dụng tiếng Việt ở học sinh vùng dân tộc thiểu số. Góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền.

 

Bùi Minh Tuấn

                                                                     Nghệ An

 

LTS Dân trí - Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số nói chung là một mục tiêu phấn đấu cần được quan tâm đặc biệt và đòi hỏi những biện pháp quyết liệt mới thực hiện được. Vấn đề quan trọng trước hết là tạo điều kiện cho các em học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số nghe hiểu và nói được tiếng phổ thông (tiếng Việt). Vì vậy, việc kéo dài thời lượng học lớp 1 đối với học sinh miền núi là cần thiết để thời gian đầu dạy Tiếng Việt cho các em. Nhưng muốn làm được điều này thì cô giáo phải là người địa phương hoặc người miền xuôi đã được học ngôn ngữ dân tộc  thiểu số ở địa phương.

Đấy là những biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, nhất là giảm bớt tình trạng chán nản bỏ học vì học kém do không hiểu tiếng phổ thông.

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm