Tư vấn pháp luật:
Có được giữ lại sổ BHXH khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng?
(Dân trí) - Tôi đang làm việc cho một công ty đã được 4 năm, trước đó tôi đã ký hợp đồng với Công ty thời hạn10 năm. Nay tôi muốn chấm dứt hợp đồng, nhưng Công ty không trả sổ BHXH cho tôi.
Trả lời:
Theo bạn trình bày thì bạn làm việc Công ty với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Do bạn không cung cấp đầy đủ dữ kiện: Bạn đã báo trước với người sử dụng lao động chưa? Lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì? Chúng tôi tư vấn theo hai trường hợp như sau:
Thứ nhất: Giả sử bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và không đủ thời gian báo trước về việc chấm dứt thì theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 điều 41 Bộ luật lao động năm 2006 (BLLĐ sửa đổi, bổ sung một số điều BLLĐ năm 2004) bạn sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Khoản 2: “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Khoản 4:“ Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."
Thứ hai: Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật thì theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLD bạn được hưởng trợ cấp thôi việc cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.
Tại Điều 43 quy định: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động được thanh toán theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.
Người sử dụng lao động ghi lý do chấm dứt hợp đồng lao động vào sổ lao động và có trách nhiệm trả lại sổ cho người lao động. Ngoài các quy định trong sổ lao động, người sử dụng lao động không được nhận xét thêm điều gì trở ngại cho người lao động tìm việc làm mới.
Như vậy theo quy định nêu trên Công ty nơi bạn chấm dứt hợp đồng lao động phải có nghĩa vụ trả lại sổ bảo hiểm cho bạn.
Điều kiện, trình tự thủ tục để được hưởng bảo hiệm thất nghiệp
Tại điều 41 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì: “Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức”.
Do bạn không cung cấp cụ thể bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng vào thời gian nào, theo quy định nêu trên thì nếu bạn chấm dứt sau ngày 1/1/2009 thì bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc mà sẽ do Cơ quan bảo hiểm chi trả theo chế độ trợ cấp thất nghiệp. Còn nếu chấm dứt trước ngày 1/1/2009 và việc đơn phương chấm dứt đúng theo quy định pháp luật thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo điều 42 BLLD.
Để được hưởng trợ cấp thấp nghiệp bạn phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải tiến hành thủ tục theo quy định cụ thể như sau:
Tại điều 15 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp: “1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
3. Chưa tìm được việc làm sau mười năm ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này”
Tại Điều 9Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ-CP, gồm các bước sau:
Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm: bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo đúng pháp luật. Đồng thời, người lao động phải xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động bị thất nghiệp phải nộp đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn mười lăm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn, thiên tai, dịch họa thì người lao động có thể được gia hạn nhưng nhiều nhất không quá ba mươi ngày kể từ ngày hết hạn nộp đủ hồ sơ bảo hiểm theo quy định.
Luật sư Vũ Thị Hiên
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc