Có cần làm thêm xét nghiệm PCR khi test nhanh cho kết quả dương tính?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Khi người bệnh có triệu chứng sốt, có cảm giác ớn lạnh, đau mỏi cơ... mà test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, thì không cần thiết phải làm xét nghiệm PCR ở thời điểm này.

Tối 6/3, PGS.TS.Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Nguyễn Viết Lượng đã có những chia sẻ trực tuyến qua phòng họp zoom cho khoảng 1.000 người về những vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Test nhanh dương tính, không cần thiết phải làm xét nghiệm PCR

Tại buổi chia sẻ, ông Lượng cho biết, khi người nào đó bị sốt; có cảm giác ớn lạnh gai rét; cảm thấy đau mỏi cơ, mỏi người; họng đau rát; hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt; hay có tình trạng toàn thân mệt mỏi; một số người có thể mất khứu giác, vị giác; nặng hơn còn có dấu hiệu tức ngực, đau ngực, khó thở;... thì lúc đó phải luôn luôn nghĩ "rất có thể mình bị mắc Covid-19".

"Bình thường khi không có Covid-19, chúng ta có thể cho các hiện tượng trên là cảm cúm, thay đổi thời tiết... Nhưng thời điểm này, tôi khuyên mọi người là có dấu hiệu như trên thì hãy nghĩ mình có thể đã mắc Covid-19 và bắt đầu test nhanh.

Có cần xét nghiệm bằng PCR không? Tại thời điểm này tôi khuyên là không cần thiết, bởi suy cho cùng, test nhanh hay làm PCR cũng chỉ giúp chúng ta chẩn đoán, còn điều trị không có gì khác nhau",  ông Lượng cho biết.

Cũng theo ông, nếu người nào đó có các triệu chứng nói trên, mà làm test nhanh cho kết quả dương tính, thì cứ khẳng định là mình mắc Covid-19 để chủ động phòng tránh cho người xung quanh. Ngoài ra, ông Lượng cũng khuyến cáo, kể cả khi ai đó đã có những triệu chứng "điển hình" như trên, mà test nhanh chưa lên "2 vạch", thì cũng cần xác định mình đã mắc Covid-19, bởi tỷ lệ sai số của test nhanh khá cao.

Bên cạnh đó, không phải thời điểm nào test nhanh cũng cho kết quả "2 vạch", chưa kể người dân tự lấy mẫu làm test nhanh sai cách thức dẫn đến sai lệch kết quả. 

"Test nhanh chỉ là việc khẳng định thêm thôi, nếu chúng ta có các triệu chứng nói trên thì hãy nghĩ mình đã mắc Covid-19, để có cách phòng tránh, điều trị sớm. Khi biết mình bị F0, cần bình tĩnh, không phải hoang mang lo lắng. Bởi hiện nay chúng ta đã cơ bản tiêm đủ các mũi vaccine.

Theo thống kê, có hơn 90% bệnh nhân F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỷ lệ số bệnh nhân vào viện và tử vong rất thấp", ông Lượng nói thêm.

Có cần làm thêm xét nghiệm PCR khi test nhanh cho kết quả dương tính? - 1

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng: "Không phải thời điểm nào test nhanh cũng cho kết quả "2 vạch", chưa kể người dân tự lấy mẫu làm test nhanh sai cách thức dẫn đến sai lệch kết quả". (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ngừng tiếp xúc với người khác

Khi xác định mình đã mắc Covid-19, người bệnh phải ngừng tiếp xúc với người khác, kể cả người thân trong gia đình, cần cách ly riêng trong một phòng và cần theo dõi một số dấu hiệu sau:

Theo dõi tình trạng sốt: Phần lớn bệnh nhân F0 sẽ không sốt, có một số trường hợp bị sốt, nhất là trẻ em hay bị sốt cao. Phản ứng của trẻ em đối với các tác nhân như virus cao hơn, nên phản ứng sốt mạnh hơn;

Tình trạng mệt mỏi toàn thân: Nếu bệnh nhân nào cảm thấy rất mệt, không muốn "động chân, động tay" thì cần hết sức lưu ý, vì mệt là một trong dấu hiệu gián tiếp của tình trạng thiếu oxy máu. Cảm thấy ngột ngạt, khó thở, tức ngực, đây là dấu hiệu rất quan trọng mà bệnh nhân cần phải theo dõi.

Bệnh nhân F0 cần có dụng cụ nhỏ gọn để kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu (SpO2). Trẻ em còn có tình trạng buồn nôn, phân lỏng...

Ông Lượng khuyên, một việc nữa các F0 và người nhà F0 cần làm là tìm số điện thoại liên lạc của cơ quan y tế hoặc một bác sĩ nào đó quen biết, để khi cần thiết gọi hỏi tư vấn. Không nên để bệnh nhân ở tình trạng khẩn cấp như tím tái, khó thở... mới bắt đầu "cuống lên" đi tìm số điện thoại bác sĩ, cơ sở y tế. 

Có cần làm thêm xét nghiệm PCR khi test nhanh cho kết quả dương tính? - 2

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Viết Lượng tại buổi chia sẻ trực tuyến về kiến thức liên quan đến dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Khi nào cần gọi cơ quan y tế để được trợ giúp?

Theo ông Lượng, khi bệnh nhân có các dấu hiệu sau đây thì nên gọi bác sĩ để được trợ giúp: Sốt cao liên tục từ 38,5 độ trở lên, khó hạ sốt; toàn thân cảm thấy rất mệt, lúc này rất có thể bệnh nhân bị thiếu oxy trong máu; đau tức ngực và khó thở; độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) <95%; trẻ em thì có hiện tượng tím tái, khò khè;...

Còn những trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu sau đây thì cần báo cơ sở y tế để đưa vào viện điều trị: Người cao tuổi có bệnh nền, béo phì, chưa tiêm vaccine và có tình trạng khó thở, SpO2 <90%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm