Clip độc hại nhan nhản khắp nơi, cần bớt "dễ dãi" khi dùng mạng xã hội
(Dân trí) - Chính bản thân người dùng cần phải tăng cường khả năng tự bảo vệ chính mình trước những thông tin xấu, clip độc hại đến từ internet.
Sau khi gây phẫn nộ cho cộng đồng mạng về clip "xin vía học giỏi" với Kumanthong, những nội dung vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn đã được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) yêu cầu tháo gỡ khỏi 2 nền tảng Youtube và TikTok. Đồng thời, Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương đã đến tận nhà YouTuber Thơ Nguyễn làm việc trực tiếp.
Qua vụ việc này, có chăng chúng ta nên nhìn lại cách bản thân tiếp cận với các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội?
Trên thực tế, Thơ Nguyễn không phải trường hợp duy nhất thực hiện các nội dung lệch chuẩn, mà còn rất nhiều clip độc hại khác đang nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội cần được thanh tẩy.
Về vấn đề này, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM chia sẻ cùng Dân Trí: "Bên cạnh việc ngăn chặn bằng quy định pháp luật, cũng cần phải phối hợp với các biện pháp khác như sử dụng công nghệ để sàng lọc các thông tin rác, không phù hợp; phối hợp các đơn vị chủ quản của mạng xã hội, kênh thông tin để xử lý, khóa kênh đăng tải các nội dung không phù hợp; cuối cùng cần phải có biện pháp cảnh báo, tuyên truyền để cho mọi người đều nhận thấy được sự nguy hiểm, nguy cơ của thông tin xấu trên mạng xã hội để mỗi người, mỗi gia đình có biện pháp ngăn chặn phù hợp nhất".
Cũng theo ông Từ Lương, phụ huynh, cha mẹ cần phải dành quan tâm, có sự hướng dẫn, kiểm soát những kênh thông tin, trang mạng xã hội mà trẻ em sử dụng, ngăn chặn những trang có thông tin độc hại, có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Người dùng mạng xã hội khi phát hiện những kênh thông tin độc hại nên chủ động báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Trong chương trình 3 phút cùng luật sư, luật sư Phan Vũ Tuấn có chia sẻ: "Tôi nghĩ, bản thân phía những nhà tổ chức quản lý mạng xã hội cũng có trách nhiệm. Họ cần phải đưa ra những hướng giải quyết chi tiết, cụ thể về việc các nội dung như thế nào sẽ dành cho đối tượng như thế nào".
Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, những trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm vì họ là người kiểm soát thông tin và có trách nhiệm đảm bảo những thông tin được đăng tải trên nền tảng của họ là đúng.
Ngoài ra, họ cần phải có cách giải quyết chi tiết và cụ thể hơn vì tầm hoạt động của họ rất lớn và ảnh hưởng rất nhiều. Trước tiên, cần phải có định hướng và hướng dẫn cụ thể cho những người sử dụng và lan truyền thông tin trên mạng xã hội.
"Không phải chuyện gì cũng có thể tự do chia sẻ, nhất là khi việc đó ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác, thậm chí ảnh hưởng đến thế hệ sau, có những tín hiệu không đúng đắn và mang lại thông tin không chính xác" - luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định.
Luật sư cũng bày tỏ cảm xúc của mình rằng thấy buồn vì có lẽ bấy lâu nay chúng ta đã quá dễ dãi với những nội dung không phù hợp. Ông đặt ra so sánh, trong khi phim điện ảnh phân chia rất rõ ràng các bộ phim phù hợp với từng lứa tuổi, thì việc gắn nhãn trên các sản phẩm cộng đồng lại chưa được thực hiện sát sao.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, trẻ em hiện nay rất dễ dàng tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội và vô tình xem những nội dung độc hại hoặc thông tin sai lệch.
Những thông tin này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhưng lại rất khó để kiểm soát. Mặc dù đã có cơ chế quản lý nhưng do tốc độ của thông tin quá nhanh, dẫn đến việc xử lý, thực thi những biện pháp chống lại sự xâm phạm đến từ thông tin lại không thể bắt kịp được.
Vì lẽ đó, chúng ta cần tự tăng cường khả năng tự bảo vệ chính mình trước những thông tin xấu, độc hại đến từ internet. Cần cẩn thận cân nhắc khi sử dụng internet, chọn lọc, ngăn chặn những thông tin tiêu cực, sàng lọc và xem xét để chia sẻ những thông tin mang tính tích cực nhiều hơn.