“Chuyện lạ” về “văn hóa phong bì” ngày 20/11

Ngày 20-11 đã đi qua, nhưng dư âm của nó hãy còn. Đối với ai đó có thể là những dư vị ngọt ngào hạnh phúc, nhưng riêng chúng tôi lại có một niềm trăn trở khi nghe câu chuyện từ các đồng nghiệp.

Chuyện rằng, học sinh lớp nọ (lớp 10) đã nộp tiền làm quà cho các thầy cô nhân ngày 20-11, tiền được bỏ vào phong bì, phong bì được bỏ vào một bó hoa để tặng thầy cô. Thật là một “món quà” ý nghĩa: vừa có giá trị “vật chất”, vừa có giá trị “tinh thần”?! Để cho “đơn giản, gọn nhẹ” hơn nữa, các em đã tặng ngay lại lớp, hoặc đón thầy cô tại trường trong lễ kỉ niệm 20-11 để tặng thay vì việc đến nhà mất thời gian, vất vả. Không ai quy định như thế, nhưng đã thành “lệ”, và giáo viên và học sinh đã coi đó là “chuyện thường ngày ở trường”. Nếu lớp nào không làm thế, đều bị xem là thiếu tinh thần “tôn sư trọng đạo”!        

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Chuyện “kinh khủng” đã vỡ lở ra khi một số đồng nghiệp phát hiện trong bó hoa mà họ được tặng chỉ có một phong bì… không. Có đến 5 người cùng dạy một lớp 10 nhận được “quả lừa” như thế. Được tin, giáo viên chủ nhiệm lớp đó đã tức tốc điều tra và phát hiện ra “thủ phạm” là một số cán bộ lớp, đã lén lấy tiền ra để bỏ túi, nhưng vẫn bỏ vào bó hoa chiếc phong bì không để lừa bạn và lừa thầy cô!

 

Khi nghe kể lại câu chuyện này, thực lòng tôi không tin nổi vào tai mình, và khi biết đó là sự thật dự định sẽ không kể với ai, vì sợ… xấu hổ. Nhưng sau đó lại nghĩ rằng câu chuyện có thể giúp cảnh tỉnh một số người về mặt trái của “văn hóa phong bì”, nên mạnh dạn chia sẻ với mọi người.

 

Câu chuyện cho thấy sự xuống cấp trong đạo đức, lối sống của giới trẻ, sự biến chất trong mối quan hệ thầy - trò đã đến mức báo động. Không hiểu sao những học sinh lớp 10, lứa tuổi của những tình cảm hồn nhiên trong sáng lại có thể có hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn” (cán bộ lớp) để “tham nhũng” và nghiêm trọng hơn là dám lừa bạn, lừa thầy; chỉ vì một món lợi nhỏ mà có một hành vi sỉ nhục thầy cô giáo của mình (nếu các em chỉ tặng mỗi bó hoa thì không có chuyện gì). Không biết những học sinh này đã tiêm nhiễm những thói xấu ấy từ đâu, và khi vào đời, các em sẽ như thế nào? Vì sao các em lại có thể có những mánh khóe gian lận đáng xấu hổ như vậy?

 

Câu chuyện khiến chúng tôi trăn trở, day dứt khôn nguôi. Không biết câu chuyện này có liên quan gì đến tình trạng dối trá đang lan tràn trong xã hội như vụ “Vedan”, vụ gian lận trong kinh doanh xăng dầu, sự hoành hành của các tệ nạn xã hội…Không chỉ môi trường tự nhiên đang bị đầu độc, tàn phá, mà môi trường đạo đức, văn hóa xã hội cũng bị “ô nhiễm” nghiêm trọng. Phục hồi môi trường tự nhiên đã là thiên nan vạn nan, phục hồi môi trường văn hóa bị ô nhiễm càng khó hơn gấp bội.

 

Cổ nhân có câu “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, có lẽ người lớn cũng cần xem lại trách nhiệm của mình đối với sự xuống cấp trong đạo đức, lối sống của giới trẻ. Trong chuyện tặng thầy cô “phong bì không” nói trên, chúng tôi nghĩ rằng giả sử chúng ta không tạo ra cái gọi là “văn hóa phong bì”, không tạo ra cái lệ tặng tiền, quà cho thầy cô nhân ngày 20-11, không lấy vật chất làm thước đo “tôn sư trọng đạo”, không biến ngày 20-11 thành một cơ hội để “đi đêm”, trao đổi… thì có lẽ đã không xẩy ra chuyện đau lòng đó.

 

Ngày xưa, thời của Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu… chưa có ngày tôn vinh đạo làm thầy như ngày 20-11 thời nay, chưa có lệ tặng thầy tiền, quà nhân một ngày kỉ niệm nào đó… nhưng đó là thời kì mà đạo làm thầy được tôn vinh, phương châm “tôn sư trọng đạo” thực sự được tôn trọng với biết bao câu chuyện đã thành giai thoại làm xúc động lòng người. Dĩ nhiên, việc quy định ngày 20-11 làm ngày Hiến chương nhà giáo là một quyết định đúng đắn, song điều đáng nói là đã có nhiều biểu hiện cho sự xuống cấp của mối quan hệ thầy trò đã diễn ra ngay trong ngày lễ thiêng liêng này.                                 

 

Tuy nhiên, có người cho rằng “phong bì kia cũng có năm bảy đường”: đời sống nhà giáo còn khó khăn, một số phụ huynh khá giả có nhã ý tặng thầy cô một món quà nhân ngày lễ; cũng có một số người muốn nhân cơ hội này để thực hiện một ý định xin xỏ, chạy chọt, nhờ vả nào đó; và đơn giản là tặng quà, phong bì như một cái lệ, một thói quen… Ở đâu thì không biết, nhưng ở trường chúng tôi là trước ngày 20-11, lớp trưởng hô hào một học sinh phải nộp một số tiền (khoảng từ 20-50 nghìn), rồi giao cho cán bộ lớp mua hoa, quà để tặng các thầy cô. Ai cũng phải nộp, không ý kiến gì hết.

 

Chúng tôi rất thông cảm với một số đồng nghiệp đời sống còn gặp nhiều khó khăn, và cũng ghi nhận tấm lòng của một số phụ huynh và học sinh. Song thiết nghĩ, một khi người thầy đã nhận phong bì (có tiền) của học sinh rồi, sẽ có lúc lâm vào tình cảnh khó xử, và hình ảnh người thầy sẽ bị tầm thường đi trong con mắt học sinh. Cái “lý” của chúng tôi như sau: Thứ nhất, học sinh không có thu nhập, vậy lấy tiền đâu để tặng thầy cô? Thứ hai, tại sao phải có hoa và quà mới là thể hiện tình cảm đối với thầy cô? Thứ ba, tình cảm đối với thầy cô đâu chỉ thể hiện trong ngày 20-11? Thứ tư, tại sao các thầy cô đã nghỉ hưu rất ít nhận được hoa?                                        

 

Nếu như các em không chăm ngoan, không thực sự kính trọng thầy cô thì món quà kia, dù có giá trị vật chất lớn, liệu có ý nghĩa gì? Đối với chúng tôi, chỉ cần học sinh chăm ngoan, cố gắng học đã là món quà vô giá rồi, và đó là điều chúng tôi chờ đợi, hi vọng ở các em. Những cánh tay giơ lên xin phát biểu, những ánh mắt chăm chú, những gương mặt rạng rõ của các em trong mỗi giờ học, đó chẳng phải là những nụ hoa, bông hoa đẹp nhất, quý nhất sao? Đúng ra, nếu cần tặng quà để bày tỏ tình cảm yêu quý thì thầy cô phải tặng quà cho học sinh mới đúng. Thiết nghĩ, chúng ta không nên nhập nhằng, “nhị nguyên” trong vấn đề này!    

 

Nên chăng, Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Nói không với phong bì” trong  ngành giáo dục?         

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Nghe “chuyện lạ” xảy ra vào Ngày 20-11 mà thật rầu lòng. Đúng là một biểu hiện của sự xuống cấp thật khó lường về tình nghĩa thầy trò, khiến cho mọi người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đều thấy xót xa tận đáy lòng!

 

Sao lại có một học sinh nào đó nỡ có một hành động gian trá và vô lễ với thầy cô của mình vào đúng Ngày tôn vinh các Nhà Giáo 20-11?

 

Trách trò đã đành nhưng lại phải tự nghĩ đến trách nhiệm của người thầy như tác giả viết bài trên đây đã đóng góp ý kiến. Và nói rộng ra còn là trách nhiệm của xã hội, của các nhà quản lý giáo dục, của các bậc cha mẹ học sinh.

 

Việc giáo dục học sinh chỉ đạt được hiệu quả mong muốn khi người thầy phát huy được vai trò gương mẫu của mình, môi trường giáo dục trở nên lành mạnh hơn, xã hội chăm lo tốt hơn đời sống của giáo viên, nhất là trong thời buổi lạm phát.