Chúng tôi không thoả mãn với trả lời của ông Nguyễn Thiên Tạo

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Thiên Tạo. Như chúng ta biết, nước Hồ Gươm đang ngày một ô nhiễm. Cộng với đó là công tác nạo vét hồ diễn ra chậm chạp khiến môi trường sống của cụ rùa bị đe dọa nghiêm trọng” - Bạn Nguyễn Thành Tân phản hồi.

Bạn Tân cũng trăn trở rằng: “Chúng ta có thể thấy nước Hồ Gươm bị ô nhiễm đến nỗi mà có thể thấy xác cá chết hàng loạt nổi ở các mép hồ. Cụ Rùa là một biểu tượng của thủ đô và văn hóa Thăng Long, nếu tình trạng này diễn ra thì không biết cụ có sống được đến lúc diễn ra kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội hay không?” 

 

Bạn đọc Lê Việt Thắng 

 

“Cho dù hiện tượng cụ rùa nổi lên là bình thường. Nhưng 1 thực trạng đang xảy ra là nước Hồ Gươm đã quá ô nhiễm và điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự sống của cụ rùa. Vì thế câu trả lời của ông Nguyễn Thiên Tạo không làm chúng tôi thấy thoả mãn mà vẫn thấy lo lắng cho sự sống của cụ rùa”.

 

Bạn đọc: Nguyễn Trường Sơn 

 

Những lời giải thích của ông Tạo là không thuyết phục:

 

1. Cụ sống dưới nước chứ không phải sống trên cạn nên độ ẩm không khí thay đổi không ảnh hưởng tới cụ.

 

2. Rùa là loài động vật có tuổi thọ cao, vì thế chưa thể nói cụ đã già.


3. Trong tất cả bức ảnh mà chúng ta chụp được đều có chung 1 điểm mà bất cứ người dân bình thường có óc tư duy đều biết được nguyên nhân chính của hiện tượng cụ thường xuyên nổi lên mặt nước là mặt nước xuất hiện rất nhiều váng xanh, lớp váng này ngăn chặn sự trao đổi oxi từ môi trường bên ngoài với nguồn nước và là báo hiệu nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Việc cần làm trước tiên là cho vớt hết những váng xanh và cải tạo mặt hồ sau đó mới tính đến chuyện tạo nguồn nước.

 

Không thể chủ quan như thế được.  

 

Bạn đọc:  Việt Hưng

 

Việc cụ rùa nổi lên tục trong thời gian gần đây theo tôi là một hiện tượng không bình thường xét về mặt khoa học. Thay đổi thời tiết, khí hậu và tuổi thọ của cụ rùa cũng là một phần, xong tôi nghĩ phần lớn là do môi trường trong Hồ Gươm đang có vấn đề, trong cùng qũang thời gian cụ rùa liên tục nổi cũng là thời gian lòng hồ đang được nạo vét. Phải chăng sự việc này đang làm thay đổi khá nhiều môi trường sống của cụ, như lượng bùn, các loại sinh vật phù du và lưỡng cư khác. Theo lời của ông Nguyễn Thiên Tạo chủ yếu mang tính chấn an tinh thần cho người dân quan tâm đến vấn đề này mà thiếu tính thực tế. Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm đến môi sinh cần có những động thái nghiên cứu thực tế hơn nữa để có những biện pháp kịp thời, còn việc nạo vét hồ bằng công nghệ hiện đại nào đi chăng nữa mà không ảnh hưởng đến môi sinh của hồ là hoàn toàn không đúng, nên chăng chỉ nạo vét đến một mức độ thích hợp?

 

Bạn đọc: Lam Tan Phat 

 

Tôi là người Sài Gòn. Tôi xin có ý kiến như sau. Về hiện tượng cụ rùa nổi lên tục theo tôi là không bình thường. Rất mong các nhà khoa học cùng bắt tay tìm hiểu và giải thích thỏa đáng hơn, đừng để hối tiếc vì quá muộn. Xin các nhà khoa học hãy giải cứu lấy linh hồn của Hồ Gươm.

 

Bạn đọc: Thanh Minh

 

Xem các tin về cụ Rùa trong tháng nhiều lần, nhưng sao mãi vẫn không thấy ai đề cập đến vấn đề làm cách nào để kiểm tra sức khỏe của Cụ nhỉ. Như cách trả lời của ông Tạo thì chúng tôi cũng không thể yên tâm. Với con người khi già nua cũng phải đi kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là khi có dấu hiệu bất thường, mà ở đây là Cụ Rùa ở Hồ Gươm là biểu tượng, là giống vô cùng quý hiếm. Xin hãy làm gì đó để hiểu được sức khỏe Cụ sớm nhất có thể.

 

Bạn đọc: Trần Minh 

 

Mình làm việc ở ngay gần Hồ Gươm, thời gian vừa qua hay đi dạo quanh hồ thì thấy rằng từ khi có đợt nạo vét Hồ Gươm cuối năm vừa rồi nước hồ bị nổi váng lên rất nhiều. Nhìn nước hồ sát bờ thấy sánh và đục và có vẻ bị ô nhiễm. Từ đợt đó thấy cụ rùa nổi lên nhiều lần, vậy phải chăng do việc nạo vét hồ gây ô nhiễm. 

 

Bạn đọc: Bich Ngoc 

 

Sau một thời gian quay trở lại Hà Nội, tôi giật mình vì mặt nước Hồ Gươm. Trông rất ô nhiễm. Lớp rêu đặc quánh trên mặt hồ như một lớp dầu ngăn ánh sáng và trao đổi không khí cho sinh vật trong hồ. Có lẽ trước hết cần phải vớt hết lớp rêu trên mặt hồ.