Bài 6:

Chủ nhiệm UBKT huyện ủy lộ thủ đoạn “rút ruột” ngân sách: Luồn sâu và leo cao!

(Dân trí) - “Bổ nhiệm cán bộ, luân chuyển cán bộ, cán bộ được tái cử trong trường hợp này đều ĐÚNG QUY TRÌNH. Việc tham ô chắc cũng ĐÚNG QUY TRÌNH (nếu không đúng quy trình đã không lấy được tiền từ ngân sách). Cho nên, chắc rằng việc kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật, xử lý tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này chắc cũng ĐÚNG QUY TRÌNH", quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Liên quan đến vụ việc Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra (UBKT) huyện uỷ Yên Dũng bị kết luận duyệt chứng từ khống để rút tiền và hợp thức hóa việc chi sai quy định, cùng việc đề nghị Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang kiểm điểm trách nhiệm cả Chủ tịch, Bí thư huyện Yên Dũng, UBKT tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nhiều sở ngành liên quan.

Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã chính thức khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Tiến Duẩn và kế toán Vũ Thị Tiền.

Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Bắc Giang đã chính thức đưa ra kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, chi trả chế độ trợ cấp cho người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Yên Dũng.

Chủ nhiệm UBKT huyện ủy lộ thủ đoạn “rút ruột” ngân sách: Luồn sâu và leo cao! - 1

Chi cục Thuế huyện Yên Dũng và Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng, Kho bạc Nhà nước là các đơn vị được UBKT tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Chi cục Thuế huyện Yên Dũng và Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng, Kho bạc Nhà nước là các đơn vị được UBKT tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Bình luận về sự việc này, bạn đọc Dân trí bức xúc cho rằng: “Một con sâu ăn chặn tiền xương máu của đồng đội mà leo lên được Thường vụ huyện uỷ mà còn làm Chủ nhiệm UBKT huyện uỷ thì nó giỏi thật. Hãy tìm ra kẻ đào tạo cất nhắc kẻ này lên vì tài giỏi hay vì mua quan bán chức”, bạn đọc Hải Tiến.

“Chưa nói tới ăn tham bao nhiêu, mà chỉ nói là quản lý chưa tốt… nhưng mà liên quan tới chính sách thì phải xử lý nghiêm, thậm chí sa thải, bồi hoàn tiền cho ngân sách”, bạn đọc Ngọc Thắng

Bạn đọc Quảng Tuấn: “Chắc lại chỉ kết luận là do thiếu kiểm tra giám sát gây thất thoát tiền nhà nước thôi. Ông ấy có tham nhũng đâu, chán chán và chán. Một ông quan huyện ăn cả tiền xương máu của những đồng đội, những người đã mất. Loại này đi tù cũng chưa gột rửa hết tội, ăn không từ thứ gì của dân đây mà!”.

Cần phải xem lại quy trình bổ nhiệm cán bộ trong trường hợp này là quan điểm của nhiều bạn đọc: “Cần xem lại quy trình bổ nhiệm cán bộ. Là chủ nhiệm UBKT mà phạm tội thì kiểm tra được ai, chắc mấy đơn vị cá nhân ông này từng kiểm tra đều có vấn đề hết. Cần xem xét lại ai bổ nhiệm ông này”, bạn đọc Đặng Công Bằng

Bạn đọc Minh Trần Trọng: “Mới làm ở chức Trưởng phòng mà đã phá như thế, lên chức cao hơn có điều kiện phá hoại nhiều hơn nhỉ!!!”

PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Vũ Hồng Minh - Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bắc Giang, cơ quan được UBKT tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Bà Minh cho biết: “Kết luận của UBKT tỉnh ủy Bắc Giang chủ yếu là ở huyện Yên Dũng, cũng đã giao cho các cơ quan chức năng của huyện.

Về trách nhiệm của Sở LĐTB&XH, Sở đã lấy đó để rút kinh nghiệm làm bài học nhắc nhở tất cả các phòng khác lưu ý hơn”.

Bà Minh cho rằng sai phạm này thực sự là không có tiêu tiền của đối tượng chính sách, tiền của đội ngũ cán bộ cũng không có dùng đến.

Toàn bộ kinh phí chi cho bảo trợ xã hội trên cơ sở là đối tượng của ngành quản lý, ngành đã làm tờ trình và cấp cho huyện ngay từ đầu năm. Toàn bộ số tiền đã cấp cho huyện. Tiền căn cứ vào đối tượng, Sở cũng không quản lý trực tiếp số tiền đấy mà chuyển cho UBND huyện.

“Sau sự việc xảy ra tại huyện Yên Dũng, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang có kiểm điểm, có chấn chỉnh trong toàn ngành cả bằng văn bản và cả tại hội nghị. Cá nhân tôi và tập thể chỉ kiểm điểm và rút kinh nghiệm và báo cáo sự việc lên UBKT tỉnh ủy Bắc Giang”, bà Minh cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc Le Van Nhan bình luận: “Rút ruột ngân sách tức là ăn cướp tiền thuế của đất nước, của nhân dân thế mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Không phải thiếu trách nhiệm mà là Cố ý thiếu trách nhiệm... những ông Cán bộ lãnh đạo này cho dù đang giữ chức vụ gì vẫn phải xử nghiêm trước pháp luật, không nên rút kinh nghiệm như trò chơi trẻ lên ba để làm cho bộ máy công quyền sạch bóng tham ô tham nhũng”.

Bạn đọc MinhDuc Mai hài hước: “Cái dây kinh nghiệm đúng là dài vô tận, sợi dây này mà thay làm cáp quang thì không lo cá mập cắn đứt”.

Bạn đọc Fortuner: “Các vụ án rút ruột, sai phạm kinh tế nghiêm trọng hàng trăm hàng ngàn tỷ vừa qua đều được khởi tố như vụ này có lẽ quan tham cũng sẽ giảm dần. Nhưng tiếc rằng sợi dây kinh nghiệm dài quá rút mãi mà không hết nên vẫn phải "Rút kinh nghiệm tiếp".

Phải điều tra xác minh làm rõ , vi phạm Pháp luật đến đâu thì phải xử đến đó. Tại sao lại dùng từ kiểm điểm trách nhiệm, dù người đó là ai. Tất cả mọi công dân đều phải sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, bình đẳng trước Pháp luật. Tuyệt đối không được phân biệt, đối xử, thiên vị”.

Bạn đọc Keochuong: “Sao cứ liên quan đến quan chức thì văn hóa rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc lại sẵn đến thế. Mọi công dân đều sống công bằng theo hiến pháp và pháp luật. Vậy cứ theo pháp luật mà làm thì dân nhìn vào mới thấy công tâm chứ”.

Bạn đọc Đỗ Hưng: “Cái này là trộm cắp tiền của của Nhân dân rồi mà còn đề nghị Kiểm điểm trách nhiệm à, chuyển hồ sơ ra cơ quan công an điều tra làm rõ, chuyển Viện kiểm sát xử lý, tội đến đâu xử lý đến đó”.

Bạn đọc Tấn Nghĩa Nguyễn thắc mắc: “Làm sai nguyên tắc tài chính, bòn rút ngân sách phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại sao người dân vi phạm là xử lý ngay, còn cán bộ sai phạm cứ dùng dằng mãi?”.

“Án cho dân, còn lệ cho quan đấy. Hai đứa học sinh lấy cắp cái bánh mỳ thì đưa ra truy tố, mấy quan ở UBKT huyện ủy bòn rút tiền công thì còn phải điều tra chán”, bạn đọc NguyễnDuyTruy.


Lãnh đạo huyện uỷ huyện Yên Dũng. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Yên Dũng).

Lãnh đạo huyện uỷ huyện Yên Dũng. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Yên Dũng).

Thông tin mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Bắc Giang vừa chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Tiến Duẩn, nguyên Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Yên Dũng vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng với việc khởi tố bị can Duẩn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với đối tượng Vũ Thị Tiền, nguyên kế toán Phòng LĐ- TB& XH huyện Yên Dũng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định trong thời gian ông Nguyễn Tiến Duẩn giữ chức vụ Trưởng Phòng LĐ- TB& XH huyện Yên Dũng, bà Vũ Thị Tiền làm kế toán đã thực hiện nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả thâm hụt quỹ hơn 5 tỷ đồng.

Đối tượng Vũ Thị Tiền đã lập nhiều bộ chứng từ mua sắm hàng hóa, tài sản, thuê dịch vụ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng nhưng thực tế không có tài sản đưa về cơ quan, gây thất thoát hơn 900 triệu đồng ngân sách.

Đặc biệt, Phòng LĐ- TB& XH huyện Yên Dũng thu hơn 1 tỷ đồng là tiền cắt chế độ chậm của đối tượng hưởng bảo trợ, người có công với cách mạng đã chết và hơn 1 tỷ đồng thu hồi của các trường hợp hưởng chế độ thương binh sai quy định nhưng không nộp ngân sách mà giữ lại đưa vào quỹ cơ quan sử dụng trái nguyên tắc.

Trước đó, Báo Dân trí đã thông tin việc Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Bắc Giang đã chính thức đưa ra kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, chi trả chế độ trợ cấp cho người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Yên Dũng.

Thời gian xảy ra sự việc là khi ông Duẩn giữ chức vụ Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng từ tháng 7/2011 đến 6/2015.

UBKT tỉnh Uỷ Bắc Giang còn đề nghị Ban thường vụ tỉnh uỷ Bắc Giang chỉ đạo Ban thường vụ huyện uỷ Yên Dũng, Bí thư huyện uỷ Yên Dũng, Phó bí thư - Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng và Phó chủ tịch UBND huyện Yên Dũng phụ trách khối văn xã (giai đoạn 2011 - 2015) kiểm điểm trách nhiệm về việc để cán bộ thuộc quyền quản lý vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Khả Vân (tổng hợp)