Chữ "Hiếu" giữa luật và đời
(Dân trí) - Chữ Hiếu luôn trở thành chủ đề gây tranh cãi ở khắp nơi trên thế giới. Về cơ bản, ai cũng hiểu rằng cái gốc của mỗi con người đều nằm ở gia đình, ở mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ.
Từ lâu chúng ta đã có quan niệm rằng, cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để chăm lo, dìu dắt con cái. Đến lúc bậc sinh thành già yếu, con cái có trách nhiệm trông nom, phụng dưỡng đến khi họ nhắm mắt xuôi tay thì cả nghĩa lẫn tình mới trọn vẹn.
Điều này cũng được quy định rất rõ ràng trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể, Khoản 2 Điều 70 Luật này quy định con cái phải "Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình". Đồng thời, Khoản 2 Điều 71 cũng quy định "con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ".
Theo Điều 10 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định về nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi như sau:
- Phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi.
- Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi; chu cấp về kinh tế; thanh toán chi phí điều trị và chăm sóc y tế động viên khi người cao tuổi ốm đau; mai táng khi người cao tuổi chết.
- Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi phải cùng nhau hợp tác trong việc phụng dưỡng người cao tuổi.
Như vậy, nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ không phải chỉ phát sinh khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật không tự chăm sóc cho bản thân mà bình thường con cái cũng phải có nghĩa vụ này với cha mẹ. Bên cạnh đó, khi cha mẹ lớn tuổi thì con, cháu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng.
Con cái không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử lý?
Pháp luật cũng quy định, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha, mẹ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng. Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với cha, mẹ theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho cha, mẹ lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (Tội không chấp hành án), thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Hiện nay với sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế, nhiều người có quan điểm rằng, cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ và tạo mọi điều kiện cho con phát triển đến năm 18 tuổi. Khi già cả, về hưu và không còn khả năng chăm sóc bản thân - họ sẽ phải đến viện dưỡng lão và sống ở đó đến cuối đời.
Theo đó, con cái không cần chu cấp hay ngó ngàng cũng là chuyện rất bình thường.
Không thể phủ nhận quan điểm này sẽ khiến cho con cái có thể tự lập từ sớm, tuy nhiên sự hiếu kính bố mẹ đã in sâu vào tiềm thức của con người Việt nên dù có tự lập từ sớm thì khi cha mẹ về già họ vẫn chu cấp, chăm sóc cha mẹ.
Vậy nên quy định này không chỉ là những quy định pháp luật khô khan mà còn là lưu giữ cho đời sau những nét đẹp văn hóa, đạo đức, lối sống của ông cha ta từ ngàn năm, con cái hiếu kính cha mẹ, trả nghĩa sinh thành đã in sâu vào trong tiềm thức mỗi con người Việt.
Bên cạnh đó, trong những gia đình đông anh em, có nhiều trường hợp anh em trong nhà đùn đẩy hay xảy ra tranh chấp về trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Người ở xa thì cho rằng nên không về chăm sóc phụng dưỡng được, người ở gần thì nói rằng mình không đủ kinh tế.
Hay có những trường hợp, người con cho rằng bố mẹ thương yêu ai hơn thì người được yêu thương đó nên trở về để trả công, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ… Đây là những thực trạng thường gặp về câu chuyện "chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ" trên thực tế.
Tuy nhiên, họ không nghĩ rằng, cha mẹ thì là cha mẹ chung, ai cũng có trách nhiệm chăm sóc. Chữ Hiếu không chỉ thể hiện bằng việc anh chi nhiều tiền hay tôi có nhiều công chăm sóc mà là sự khỏe mạnh, bình an của cha mẹ khi về già, họ thấy con cháu đoàn kết, yêu thương nhau.
Những người con ở xa, ở gần, giàu có hay thiếu thốn thì nên thông cảm chia sẻ cho người kia, người ở xa có thể góp tiền, người ở gần thì góp công để có thể chăm sóc cha mẹ tốt nhất có thể. Anh em cùng nhau chia sẻ những khó khăn để tạo điều kiện tốt nhất cho trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
Tựu chung lại, điều quan trọng nhất chính là anh em đoàn kết để có thể "cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ". Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là đạo đức xã hội, lối sống, quan niệm từ bao đời nay.
Luật sư Trần Thị Hiền
Văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội