Chồng thế chấp tài sản chung để vay tiền, vợ có thể kiện hủy giao dịch?

PV

(Dân trí) - Vợ chồng tôi có khoản tiền tiết kiệm là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng trên sổ tiết kiệm chỉ đứng tên anh ấy. Tôi phát hiện chồng lén thế chấp sổ tiết kiệm này tại ngân hàng để vay tiền.

"Tôi có quyền kiện giao dịch thế chấp giữa chồng tôi và ngân hàng là vô hiệu không?", câu hỏi của một độc giả Dân trí.

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận.

Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng liên quan đến các loại tài sản gồm: Bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Theo đó, việc người chồng xác lập, thực hiện giao dịch thế chấp sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng để vay vốn kinh doanh không được xem là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nói cách khác, việc sử dụng, định đoạt sổ tiết kiệm nêu trên phải do vợ chồng thỏa thuận, người chồng không được tự ý thế chấp sổ tiết kiệm này tại Ngân hàng mà không cho vợ biết.

Vợ có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa tuyên giao dịch thế chấp giữa chồng và Ngân hàng vô hiệu không?

Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC v/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, tại Công văn nêu trên có hướng dẫn liên quan đến trường hợp này tại tiểu mục 6 Mục III như sau:

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Mục 3 Điều 6 Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN thì "Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm", nên người đứng tên trên thẻ tiết kiệm (sổ tiết kiệm) có toàn quyền quyết định đối với số tiền trong thẻ tiết kiệm do mình đứng tên. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó".

Tuy nhiên, tại Điều 8 Nghị định số 126/204/NĐ-CP cũng liệt kê các trường hợp người thứ ba bị coi là không ngay tình trong việc xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, cụ thể:

(1) Đã được vợ, chồng cung cấp những thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 126/2014/NĐ-CP mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

(2) Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người chồng hoặc vợ đứng tên chủ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng (đứng tên chủ thẻ, sổ tiết kiệm) được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó nên hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp giao dịch với người thứ ba không ngay tình theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 nêu trên.

Do đó, đối với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, nếu giữa vợ chồng đã công khai thỏa thuận về việc định đoạt tài sản chung là sổ tiết kiệm này phải được sự đồng thuận của vợ chồng và phía Ngân hàng biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch với người chồng, mặc cho người vợ không biết đến giao dịch này thì Ngân hàng được coi là người thứ ba không ngay tình và người vợ có thể khởi kiện tại Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch thế chấp sổ tiết kiệm giữa chồng và Ngân hàng vô hiệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, trình tự, thủ tục xét duyệt nhu cầu, hồ sơ vay vốn, thế chấp của Ngân hàng tương đối chặt chẽ. Để phòng ngừa các rủi ro liên quan đến trường hợp không ngay tình trong xác lập, thực hiện giao dịch với các cá nhân, ngân hàng thường đề nghị khách hàng đã có vợ hoặc chồng khi xác lập, thực hiện các giao dịch với phía ngân hàng thì phải có chữ ký của cả vợ và chồng trong các văn bản, hợp đồng liên quan nên rất ít khi phía Ngân hàng rơi vào tình trạng không ngay tình.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ hôn nhân, vợ và chồng hãy cùng nhau chia sẻ những vấn đề tài chính một cách công khai, minh bạch để tránh những rủi ro và những trường hợp mâu thuẫn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Nguyên Thảo