Chóng mặt mùa cưới

(Dân trí) - Hiện đang là lúc “cao điểm” mùa cưới mà giá cả mọi thứ đều “leo thang”. Điều đó không chỉ làm cho các đôi uyên ương phải “toát mồ hôi” vì “chạy đua” với giá cả để có được một đám cưới “bằng người” mà cả khách được mời cũng phải “chóng mặt”…

Chóng mặt vì giá… “leo thang”

Thời điểm “chính vụ” của mùa cưới cuối năm cũng trùng với khoảng thời gian gần tết nguyên đán. Đây cũng là lúc giá cả trên thị trường bước vào “mùa” tăng giá. Nhất là các mặt hàng, vật dụng, dịch vụ phục vụ cho đám cưới.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nhiều gia đình hiện nay quan niệm ngày cưới là ngày trọng đại nên phải tổ chức cho thật “hoành tráng” để có dịp “nở mày nở mặt” với thiên hạ và không để cho con trẻ phải “thua bạn kém bè”.

Một số bậc phụ huynh còn cho rằng, đám cưới càng to thì càng chứng tỏ “tầm cỡ” của gia đình, dòng họ. Với tâm lý đó, dù hoàn cảnh gia đình không có gì là khá giả, nhiều người vẫn cố chạy vạy, vay chỗ này, mượn chỗ khác để cố lo cho con có được một đám cưới “như con nhà người ta”.

Chị Nguyễn Thị M ở Thanh Lương – Thanh Chương vừa mới tổ chức xong đám cưới cho cậu con trai trưởng trong nhà cho hay: “Gia đình làm nông nghiệp thuần túy, may ra đủ ăn. Đám cưới của con vừa rồi hết gần 40 triệu, vay mượn hai bên nội ngoại cộng với tiền bán 1 con bò, 2 con lợn mới được 20 triệu, còn lại phải vay ngân hàng”.

Khi được hỏi về khoản nợ “hậu đám cưới” phải trả, chị M tiếp lời: “Tiền mừng cưới cũng trang trải được hơn một nửa số tiền đã vay. Số nợ còn lại thì cả nhà lo làm ăn, chăn nuôi tiết kiệm trả dần. Có tổ chức đám cưới cho con mới biết, giá cả cái chi cũng tăng, mà cái chi cũng phải thuê, phải mua. Từ cái cốc uống nước đến cái khăn trải bàn, rồi thì tiệc cưới, rạp cưới, xe hoa…”.
Chóng mặt mùa cưới - 1
Có nhiều đôi phải mất mấy năm làm lụng mới trả hết nợ đám cưới

Đám cưới ở quê cũng phải có đầy đủ xe hoa, áo cưới

Quả vậy, thời gian qua, các dịch vụ “ăn theo” mùa cưới phát triển nhanh nhưng không vì thế mà giá “mềm” đi. Ngược lại, các dịch vụ trong mùa cưới có xu hướng tăng giá, nhất là trong những ngày cao điểm.

Có nhiều khoản phải chi cho một đám cưới: tiền thuê váy cưới, tiền trang điểm, tiền chụp ảnh cưới, thuê xe hoa, đặt thiệp mời… Mỗi gia đình cũng tốn kém trên dưới vài chục triệu đồng.

Chi phí lớn nhất cho một đám cưới hiện nay vẫn là khoản tiệc cưới. Ở nông thôn, tiệc cưới thường được tổ chức tại nhà từ 2-3 ngày, ít thì khoảng 70-80 mâm, nhiều thì lên tới trên trăm mâm. Với giá cả thực phẩm như hiện nay, chi phí cho mỗi “mâm cơm thân mật” cũng tốn trung bình từ 450.000 đ – 500.000 đ.

Ở thành phố, do không gian chật hẹp, không có điều kiện để dựng rạp tại nhà và cũng nhằm thuận tiện trong khâu tổ chức, tiệc cưới thường được diễn ra ở các khách sạn, nhà hàng với mức giá “trọn gói” 1,2 triệu đồng – 1,6 triệu đồng/mâm cỗ 10 người.

Từ gần một tháng trở lại đây, hầu hết các khách sạn, nhà hàng tổ chức dịch vụ cưới ở Tp. Vinh đều tăng giá từ 5 – 10% so với thời điểm khác trong năm và cùng kỳ năm ngoái nhưng hầu như các địa điểm ít nhiều có “thương hiệu” trong dịch vụ tổ chức các đám cưới đều đã kín lịch khách hàng đặt cưới.

Bác Lê Văn H sắp tổ chức đám cưới cho cậu con trai út vào cuối tháng 11 âm lịch cho biết: “Tôi đã đặt chỗ ở khách sạn từ hơn 1 tháng trước nhưng viện lý do là giá thực phẩm tăng sau lũ lụt, họ đã báo tăng giá mỗi mâm thêm 100000 đ. Lúc đầu, gia đình có ý định chuyển sang đặt ở một khách sạn khác nhưng cũng không còn chỗ cho đúng ngày đã ấn định nên đành phải chấp nhận giá báo thay đổi’. Như vậy, tính ra với 100 mâm cỗ cưới như gia đình bác H dự định đặt, gia đình bác sẽ phải chi trả thêm 10 triệu đồng.

Đã thành truyền thống, không chỉ các đôi uyên ương phải mua nhẫn cưới để trao cho nhau trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời, các gia đình 2 bên nội ngoại cũng mua vàng tặng cho đám cưới của con trẻ. Gia đình nhà trai mua vàng cho lễ ăn hỏi được “đầy đặn” còn gia đình nhà gái mua vàng cho con gái làm của hồi môn khi về nhà chồng. Trong khoảng vài tháng gần đây, cùng với đà tăng của giá vàng trên thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục “nhảy múa” khiến cho không ít người phải lo lắng về chuyện mua vàng cho đám cưới.

Chóng mặt vì… thiệp mời cưới

Đã thành lệ, đi đám cưới tất không thể thiếu được khoản quà mừng. Quà mừng gọn, nhẹ, thông dụng nhất được nhiều người lựa chọn bấy lâu nay vẫn là… phong bì.

Ở nông thôn, mỗi khi gia đình nào tổ chức đám cưới, gia chủ sẽ mời hết họ hàng, con cháu, thông gia hai bên nội ngoại xa gần, rồi đến các mối quan hệ đồng niên, đồng ngũ, xóm giềng… Vì vậy, chuyện “nhà nhà rủ nhau đi ăn cưới” khi mùa cưới bước vào thời kỳ cao điểm không phải là chuyện lạ.

Bác Nguyễn Văn T ở Nam Giang – Nam Đàn tâm sự: “Từ tháng 9 đến nay, gia đình tôi đã nhận được tổng cộng 21 cái thiệp mời cưới. Toàn của những gia đình bà con, anh em họ hàng, bạn bè thân thiết cả, người ta đã mời, không đi không đành nhưng nhọc nhất vẫn là khoản quà mừng. Ở quê tôi bây giờ đi đám cưới người trong làng hầu hết đều bỏ phong bì ít nhất 1 trăm ngàn, còn chỗ anh em họ hàng, bạn bè thân thích thì 3 trăm ngàn, 5 trăm ngàn có khi còn hơn. Tính ra mùa cưới cuối năm nay, cho đến thời điểm hiện tại gia đình tôi đã phải chi gần 4 triệu tiền mừng cưới”.

Không chỉ ở nông thôn, ở thành phố do tiệc cưới tăng giá nên phong bì mừng cưới vì thế mà cúng phải “nhích” lên theo. Một mâm cỗ cưới có giá dao động từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng. Như vậy, nếu không muốn để chủ nhà “lỗ” thì mỗi khách phải mừng ít nhất là trên 100.000 đ. Nhưng ít ai lại mừng 120000 đ hay 160000 đ, thôi thì tối thiểu cũng cố gắng “làm tròn” lên 200000 đ.

Số tiền ấy không phải là nhỏ so với mức thu nhập của đa số người lao động, công chức nhà nước, nhất là khi phải “chạy sô” liên tục nhiều đám cưới trong một khoảng thời gian ngắn.

Chị Hoàng Thị T, giáo viên một trường THPT trên địa bàn Tp. Vinh chia sẻ: “Vợ chồng mình đều là giáo viên, đang nuôi con nhỏ. Lương tháng cả 2 vợ chồng cộng lại cũng chỉ gần 5 triệu. Tháng vừa rồi đã phải chi gần 3 triệu cho 12 cái đám cưới, tiền mua sữa cho con cũng phải cắt xén bớt. Vài năm trước, mình thấy khá nhiều đám cưới đã chuyển từ tiệc mặn sang tiệc ngọt, vừa đỡ tốn kém cho gia chủ, vừa “nhẹ gánh” khoản phong bì cho khách được mời. Không hiểu sao phong trào tiệc ngọt chỉ rộ lên được một thời gian ngắn rồi lắng xuống, còn dường như tiệc mặn lại ngày càng sang hơn, số tiền mừng đám cưới vì thế mà cũng tăng hơn”.

Với những người  trẻ tuổi hoặc các gia đình có con chưa xây dựng gia đình thì việc “háo hức” đi đám cưới còn vì tâm lý “trước người sau ta”, rồi một thời gian nữa sẽ đến lượt nhà mình. Nhưng đối với nhiều người mà con cái đã dựng vợ gả chồng từ lâu hoặc những người già nghỉ hưu sống nhờ con cháu thì việc đi đám cưới chẳng khác nào là dịp để “trả nợ miệng”. Trong khi giá cả đồ ăn thức uống ngày càng tăng, đồng tiền ngày một trượt giá thì với nhiều người được mời đi dự đám cưới thì điều quan tâm lo lắng vẫn là độ dày mỏng của chiếc phong bì.

Thời gian qua, mặc dù các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp vận động việc thực hiện tiết kiệm trong mùa cưới song kết quả thu được còn hạn chế, dường như mới chỉ dừng lại ở việc “hô khẩu hiệu”.

Đáng nói là, nhiều cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong việc thực hiện tiết kiệm khi tổ chức đám cưới cho con em mình. Thậm chí, có người có chức có quyền còn xem việc tổ chức đám cưới cho con em là một dịp để ‘kinh doanh”. Khi mà cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thì khó mà vận động quần chúng nhân dân thực hiện được.

Thiết nghĩ, ngày cưới không chỉ là ngày vui lớn của các đôi uyên ương mà còn là ngày trọng đại đối với mỗi gia đình. Tổ chức một đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nhất là phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc chính là cách khiến cho ngày vui được thực sự trọn vẹn, có ý nghĩa.

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

LTS Dân trí - Chuyện cưới xin đã được bàn đến nhiều nhưng xem ra cho đến nay vẫn còn nhiều lãng phí vừa tốn kém cho “gia chủ” vừa gây phiền hà cho khách được mời.

Mà thật ra hạnh phúc của đôi lứa đâu có phụ thuộc vào đám cưới to hay nhỏ; tính văn hóa của đám cưới càng không phụ thuộc vào sự phù phiếm, sa hoa của đám cưới. Điều đó chỉ thể hiện sự đua đòi của những “trưởng giả học làm sang” mà thôi.

Đám cưới văn minh thời nay chính là đám cưới biết tổ chức gọn nhẹ, vui mà không tốn kém, không lấy mâm cao cỗ đầy và phong bì nặng, nhẹ làm tiêu chí đánh giá sự sang hèn của đám cưới.

Tùy theo khả năng của từng gia cảnh mà tổ chức đám cưới cho phù hợp. Chính quyền các cấp cũng như các tổ chức đoàn thể, nhất là ngành văn hóa nên tuyên truyền, khuyến khích những đám cưới tổ chức theo hình thức mới, giảm bớt tiệc tùng, ăn uống lãng phí.