Cho vay nặng lãi từ 2 triệu thành 300 trăm triệu: Nhóm chủ nợ côn đồ đối mặt án khủng

(Dân trí) - "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi", luật sư Nguyễn An phân tích.

Như Dân trí đã đưa tin Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45), công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ thêm 4 đối tượng trong đường dây chuyên cho vay nặng lãi do hai anh em ruột Nguyễn Thế Sang và Nguyễn Thế Thông (HKTT tại TP Hải Phòng) cầm đầu để điều tra về các hành vi: bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cướp tài sản…

Theo hồ sơ tại PC45, từ cuối năm 2015, qua công tác nắm địa bàn, các trinh sát thuộc PC 45 phát hiện tại một số xã trên địa bàn huyện Bình Giang (Hải Dương), xuất hiện một nhóm khoảng vài chục đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen. Băng nhóm này rất manh động, côn đồ, hung hãn và thực hiện nhiều vụ án gây hoang mang trong người dân nhưng do tâm lý sợ hãi nên các bị hại không ai dám đứng ra tố cáo.

Qua rà soát, sàng lọc, các trinh sát xác định, cầm đầu đường dây tội phạm đang làm mưa, làm gió này là Nguyễn Thế Sang.


4 đối tượng trong nhóm cho vay nặng lãi rồi tính gian lên gấp trăm lần tại cơ quan công an.

4 đối tượng trong nhóm cho vay nặng lãi rồi tính gian lên gấp trăm lần tại cơ quan công an.

Nhận định vụ án, Luật sư. TS Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho biết: Theo khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi".

Theo đó, tội cho vay nặng lãi tại Bộ luật hình sự quy định như sau:

Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định:

"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Nếu theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi. Ví dụ: Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cao nhất đối với cho vay tiền Việt Nam (đồng) kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 1,5%/tháng thì hành vi cho vay tiền (VN Đồng) kỳ hạn 3 tháng với mức lãi trên 15%/tháng (gấp từ 10 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép trở lên) sẽ bị coi là cho vay lãi nặng.

Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

“Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, có thể thấy các đối tượng trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ với một tội mà có thể nhiều hơn vậy.

Đối với hành vi khống chế, đe dọa làm hại người thân của bị hại cũng như chính bản thân họ để ép ký giấy nhận nợ chính là vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS): “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Các đối tượng này đã thực hiện nhiều lần và có tố chức nên sẽ bị truy cứu tại khoản 2 Điều 135. Tuy nhiên cũng như tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sẽ căn cứ vào số tiền chiếm đoạt được để có thể đưa ra khung hình phạt thích đáng hơn cho Sang và đám đàn em. Mức hình phạt cao nhất của tội này lên đến hai mươi năm tù, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội cấu thành hình thức, do vậy căn cứ vào hành vi và mục đích của hành vi đó đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của việc cho vay nặng lãi, chưa nói đến việc đã “phù phép” biến hai triệu thành ba trăm triệu chỉ sau vài ngày” - Luật sư An cho biết

Cùng đó, để khống chế và bắt cóc nạn nhân nhằm uy hiếp, chiếm đoạt tiền, các đối tượng trên đã dùng thủ đoạn bắt rồi đưa về hang ổ. Đây chính là phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Cụ thể là phạm tội tại khoản 2 Điều 123: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.”

Không chỉ dừng lại ở đó, khi nhận được sự phản kháng không chịu trả tiền của người vay, chúng còn có hành vi gây thương tích để “dằn mặt” họ. Hành vi gây thương tích cho anh N (nạn nhân trong vụ việc) ngay tại nhà riêng cấu thành Tội cố ý gây thương tích Điều 104 BLHS.

Sang và Thông có hành vi mua ma túy đá cho đám đàn em sử dụng, bỏ tiền tổ chức tiệc chiêu đãi đàn em ma túy và gái mại dâm nhằm ràng buộc để đám đàn em trung thành tuyệt đối. Với các hành vi này, Sang và Thông còn vi phạm các tội phạm về ma túy như: Tội tang trữ, mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194 BLHS); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tùy (Điều 197 BLHS).

Như vậy, các hành vi trái pháp luật trên của Sang, Thông và đồng bọn đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong trường hợp này, tổng hợp hình phạt mà các đối tượng nhận được sẽ lên tới ba mươi năm tù.

Phạm Thanh (ghi)