Chờ tin hàng ngàn lao động Việt Nam từ Libya
(Dân trí) - Có lẽ chưa bao giờ những địa danh Tripoli, Benghazi…lại xuất hiện nhiều như thế trên các phương tiện truyền thông. Với chúng ta, nỗi âu lo còn bởi VN có hàng ngàn lao động mắc kẹt tại đất nước Libya đang trong cơn biến động được ví như “sóng thần” dữ dội.
Tôi từng chứng kiến nỗi khắc khoải, âu lo quặn thắt của nhóm các mẹ, các chị em có chồng, con em đi lao động xuất khẩu sang Iraq phải trở về giữa chừng do tình hình quá căng thẳng trong cuộc chiến lần trước tại quốc gia vùng Vịnh nổi tiếng về dầu lửa và cũng là “chảo lửa” này.
Những gương mặt hốc hác với những cặp mắt khô khốc, đỏ ngầu vì lo lắng và những đêm không ngủ cuối cùng đã được thay thế bằng bao giọt nước mắt ngập tràn trong mừng vui, hạnh phúc vì được gặp lại người thân trở về từ nơi bom rơi, đạn nổ.
Với khoản tiền bồi thường cùng công tác tổ chức sơ tán, ổn định việc làm cho người lao động được các cơ quan chức năng thời đó làm rất tốt, tôi được biết đa số người trở về đều sớm ổn định lại cuộc sống và công ăn việc làm.
Những lần sau, mỗi khi nghe thông tin chiến sự hoặc giao tranh nổ ra ở đâu đó có nhiều người lao động VN là lòng chúng tôi cũng thắt lại vì lo lắng. Cùng với gia đình, người thân, bạn bè của họ, chúng tôi cũng cuống cuồng “săn tin”, chia sẻ mọi điều cùng họ. Giữa họ và chúng tôi đã hình thành nên những kênh liên lạc có thể nói là vừa thân tình vừa tin tưởng lẫn nhau.
Mỗi lần nối được điện thoại, qua khoảng không xa xôi, chúng tôi luôn cảm nhận rõ sự nghẹn ngào của những đồng bào mình không may mắc kẹt lại ở những điểm nóng chiến sự xứ người. Tôi cũng không ít lần phải cố kìm nước mắt, nghe họ kể bằng giọng đứt quãng về những nỗi sợ hãi khi chưa thoát khỏi được hiểm nguy, cũng như về nỗi cô đơn và lo sợ trước khi được cùng trò chuyện bằng tiếng Việt với “người mình” từ Sứ quán, từ các cơ quan đại diện VN ở nước bạn hoặc từ trong nước gọi sang như chúng tôi.
Hiện chúng ta có khoảng 10 ngàn lao động Việt Nam thuộc 11 doanh nghiệp đang bị kẹt tại lại Libya. Họ sống và làm việc rải rác tại các địa bàn trên đất nước có diện tích hơn 1,7 triệu km2 này. Trong đó nhiều người ở sâu trong vùng sa mạc và có khoảng 2.000 lao động đang kẹt tại Benghazi - điểm nóng đã xảy ra bạo động lớn. Số còn lại đang làm việc tại thủ đô Tripoli và các vùng lân cận. Hiện các lao động VN đều an toàn.
Về phương án đưa các lao động VN về nước, tuy chưa có thông tin về quyết định sơ tán, nhưng báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ Ban Quản lý lao động VN tại Libya cho hay: trong ngày 23.2, cơ quan này đã liên hệ thu xếp cho 200 lao động VN đầu tiên rời Libya về nước. Trong vài ngày tới, hàng ngàn lao động khác cũng sẽ trở về.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga hôm 22/2 cũng cho biết: Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và kiều dân Việt Nam tại Libya.
Hy vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng vẫn mong hơn là tình hình Libya sẽ mau chóng ổn định để cả người dân nước bạn và những người nước ngoài, trong đó có VN sớm trở lại với cuộc sống yên bình và tiếp tục công việc tại xứ sở giàu tài nguyên này.
Thanh Nguyễn