Nghệ An:
Chợ quê kêu cứu vì “rác”!
(Dân trí) - Không có nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm như ở thành phố, nên người dân các huyện thường diễn ra hoạt động giao thương, buôn bán ở các chợ quê. Tuy nhiên, cứ sau mỗi phiên chợ thì lượng rác thải tại các chợ nông thôn thường rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Những năm gần đây, kinh tế nông thôn phát triển kéo theo hàng hóa ở các chợ quê cũng dồi dào, phong phú với nhiều chủng loại. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Rác và các chất thải sau khi tan chợ vẫn chưa được thu gom và xử lý triệt để, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Từ bao đời nay, chợ Giếng Cồn, thuộc địa phận xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương là nơi buôn bán truyền thống của bà con địa phương. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi hàng ngày có một lượng lớn rác thải, nước thải từ các cửa hàng, kiot từ những túi nilon, giấy rác đến các sản phẩm thừa, nước thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, cá bị bỏ lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ, cũng như sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực.
Ô nhiễm nặng nhất hiện nay tập trung ở khu vực phía sau lưng chợ Giếng Cồn, rác tràn ngập tại ngay cả khu vực bán hàng. Mương thoát nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối mà bất cứ ai cũng có thể thấy được. Khu vực quầy bán thịt lợn xập xệ, nền nhà ẩm ướt, không có nước sạch để kéo vào vệ sinh.
Chị B.T.P, một tiểu thương ngao ngán: “Do là chợ quê lâu đời nên chợ Giếng Cồn chưa được đầu tư nâng cấp dẫn đến thiếu thốn các hạng mục vệ sinh môi trường cần thiết, như hệ thống thoát nước, mái che... Bên cạnh đó ý thức của người dân họp chợ vẫn chưa cao. Hiện tại chỉ có một người chuyên quét dọn tại chợ hàng ngày nhưng với hàng trăm người xả rác xả rác vô tội vạ thì thử hỏi làm sao giữ được vệ sinh môi trường”.
Dọc theo con đường Phạm Hồng Thái (TP.Vinh) đi về phía Hưng Nguyên sẽ không khó để bắt gặp cảnh nhộn nhịp của chợ quê xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên vào mỗi buổi chiều. Chợ được hình thành hơn 4 năm nay và mỗi buổi chiều tập trung rất đông người dân đến mua bán, chủ yếu là các mặt hàng về thủy sản đồng quê.
Tuy nhiên, do nằm trên tuyến đừng chính để đi vào Tp. Vinh nên lưu lượng xe cộ rất lớn. Lượng khói bụi thải ra bám đầy vào thực phẩm hai bên đường. Được biết, đây là khu chợ tự phát, không có hệ thống thoát nước nên nhiều người sau khi sơ chế cá, tôm xong đã tiện tay đổ trực tiếp nước thải ra đường, bốc mùi tanh hôi nồng nặc. Tuy ô nhiễm và mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chợ này vẫn diễn ra họp hàng ngày, lượng người mua vẫn rất đông đúc.
Chị Nguyễn Thị Tuyên, xã Hưng Châu một người dân thường đi qua khu chợ này cho biết: “Các tiểu thương đến đây đều sơ chế thủy sản ngay bên đường, đổ nước thải ra lòng lề đường nên rất ô nhiễm, một số hộ dân sống xung quanh đã phải đóng cửa vào mỗi buổi chiều do không chịu mùi hôi tanh…”
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: “Trước đây có dự án làm chợ tuy nhiên sau đó dự án này phải ngưng lại vì thiếu vốn. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là khu chợ duy nhất của địa phương.
Dẫu biết có tình trạng ô nhiễm nhưng do nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân trong xã và các xã lân cận rất cao nên khu chợ này không hể xử lý dứt điểm được. Tuy nhiên, hiện nay xã Hưng Thịnh đã lên kế hoạch xây dựng chợ tại khu đất này. Công việc đầu tiên là di chuyển các gian hàng vào sâu khoảng 15 mét và nâng cấp hệ thống thoát nước để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo giao thông đi lại cho người dân...”.
Tại chợ Tiến Thủy, thuộc xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã có cách đây gần 70 năm, đây là nơi giao thương, buôn bán chính của bà con trong xã. Tuy nhiên, sau mỗi phiên chợ, lượng rác thải ra rất lớn. Ngay phía cuối chợ là một khu đất dùng để tập kết rác với khối lượng khổng lồ.
Một số tiểu thương ở chợ Tiến Thủy cho biết: “Khối lượng rác thải hàng ngày rất lớn, nhưng công tác thu gom chỉ diễn ra 1 lần/ngày vào buổi chiều, dẫn đến rác ứ đọng cả ngày trong chợ. Bên cạnh đó, do chợ này đã có từ rất lâu nên việc quy hoạch, bố trí các gian hàng trong chợ vẫn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mùa mưa lầy lội, mùa nắng bốc mùi hôi tanh nồng nặc, đã làm cho môi trường ở đây bị ô nhiễm.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ước - Chủ Tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: “Là xã có mât độ dân cư rất đông nên công tác quản lí còn gặp nhiều vấn đề bất cập. Hằng ngày, xã đã giao cho ban quản lí chợ đưa rác ra xe đẩy tới chỗ bãi rác thải tập trung, sau đó xe của công ty sẽ đưa lên bãi rác của huyện để xử lý.
Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế do chợ đã tồn tại được gần 70 năm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cùng với số dân đông mà ý thức giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực chợ của nhiều người dân còn thiếu kém nên tình trạng ô nhiễm là không thể tránh khỏi.
Sắp tới sẽ xây dựng chợ có quy mô, có thể làm theo hai hình thức: Một là BOT, hai là xã sẽ xây dựng toàn bộ khu vực đồng đồi phía sau, công ty sẽ phải nộp thuế cho Nhà nước, và xã được 40% trong đó, tương đương với gần 20 tỷ đồng. Với số tiền đó, xã sẽ đầu tư lại cho tái cơ cấu để xây dựng cơ sở hạ tầng và khu xử lý rác để không còn tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra”.
Những khu chợ trên chỉ là một trong số các chợ nông thôn đang “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ thực trạng đó cho thấy để kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng.
Các đoàn thể, tổ chức xã hội phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên quan tâm đến vấn đề vệ sinh tại các khu chợ. Đồng thời người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng.
Một số hình ảnh chợ quê kêu cứu vì rác...