Chớ lạm dụng đèn chiếu

Khoảng mấy năm gần đây, với phong trào dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, các thầy cô giáo ở các cấp từ mẫu giáo cho đến cao học đều cố gắng tìm ra các phương pháp giảng dạy mới kích thích người học.

Đó là những nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận của các giáo chức. Trong số các những cái mà được coi là mới đó, không ít người cho rằng sử dụng projecto - tức đèn chiếu là đột phá hay thậm chí là cứu cánh cho việc giảng dạy theo cách mới.

Ở đây, chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy (cụ thể là việc sử dụng đèn chiếu - projecto), làm sinh động thêm cho việc giảng dạy của học sinh ở nhiều môn học. Song cũng cần nhớ rằng, do tính đặc thù của từng môn học khác nhau, nên không thể sử dụng đại trà đèn chiếu cho tất cả các môn học được. Hoặc có những môn chỉ chiếu được ở một số bài, thậm chí chỉ một số mục cụ thể nào đó thì thích hợp, còn nếu lạm dụng chiếu ở tất cả các môn, các bài một cách “đồng tiến” thì dẫn tới tình trạng chỉ chiếu chữ và chữ. Kết quả người học bị loạn chữ và hoa mắt vì chữ do đèn chiếu.Và người học sau một thời gian cảm thấy... mới vì thầy biết... sử dụng công nghệ hiện đại để chiếu, thì lại quay ra chán nản vì chẳng hiểu gì mấy do cái gì thầy cũng thích… chiếu và sính… chiếu.

Trong các trường đại học và cao học hiện nay có những môn học theo chúng tôi, dù có mệnh danh là cải tiến bằng cách nào đi chăng nữa cũng không thể dùng đèn chiếu để thay thế cho..phấn, bảng hay bút lông và ngôn ngữ của người thầy. Trừ trường hợp, người dạy dùng xen kẽ cho một số bài, một số mục cụ thể nào đó và cho phạm vi không quá đông người học. Đó là các môn “chung” như Toán, Hình hoạ và các môn lý luận như Triết học, Chính trị học. Còn các môn nào “không thể chiếu” được nữa thì xin các đồng sự bổ sung, do chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát được các môn khác. Có thể nhận thấy, dạy theo cái mới ...đèn chiếu thì người thầy chỉ mệt lúc soạn bài, song khi lên lớp thì thầy của các môn “không thể chiếu” được này lại khoẻ..re. Thầy chỉ cần ngồi một chỗ và chỉ bấm và..bấm và quan trọng là ít phải cử động, ít tốn..calo vì nói ít và tiện hơn nữa là khỏi ..bẩn tay vì thầy không phải dùng phấn và bảng hay bút lông. Do đó, có một số thầy có máy tính xách tay, rất “sung sướng” khi tận dụng ưu thế tuyệt vời này vào để giảm bớt sự mệt nhọc “cổ truyền”của nghề giáo chức. Một số thầy quá lạm dụng đèn chiếu đối với các môn này, dẫn đến sinh viên chán nản và hễ thầy đó đến dạy sinh viên lại kháo nhau, ông “đèn chiếu” đã đến.

Cần nhớ rằng phương pháp đèn chiếu chỉ sử dụng thích hợp đối với những môn nhất định và phù hợp với đối tượng của những môn học cụ thể hoặc một số bài và mục cụ thể. Không thể nhân danh, sử dụng công nghệ dạy học mới để..chiếu tràn lan cho mọi môn học sẽ gây ra kết quả ngược lại. Ngay cả khi thích hợp với môn học đó nhưng cũng chỉ chiếu được cho một lớp học chuẩn với số lượng không quá đông sinh viên. Các trường đại học và cao học hiện nay, đối với các môn “chung” nói trên, số lượng sinh viên thường không dưới 100, có lớp đến gần 200 người. Những lớp dạng này có chiếu thì người sau chỉ có nước..xem lưng người trước. Khảo sát sinh viên học môn chung ở đại học và cao học được các thầy “chiếu đèn” thì họ cho rằng không thích hợp vì cho rằng các thầy chỉ sính..khoe chữ và khoe cách sử dụng được ..vi tính. Hơn thế, các môn lý luận chung đòi hỏi ưu thế của người diễn giảng là hùng biện tốt, và đặc biệt người thầy cần phải có nhiệt tình và khẩu khí, năng khiếu hùng biện thì mới mang lại sự đồng cảm từ người học. Không cẩn thận mà sính “chiếu” thì có nguy cơ là máy dạy chứ không phải người dạy. Nếu thầy chiếu lên mà nói qua loa và chiếu tiếp, kết quả là người học chẳng những không ghi chép được gì cả và cuối cùng là chán nản vì bị gây mê bằng.. đèn chiếu.

Sinh viên cho biết, khi học các môn chung, nếu không..chiếu thì họ còn ghi được ít nhiều và theo dõi được tiến trình bài giảng, nhưng nếu chiếu thì họ..bó tay vì không hiểu được.

Trên đây là những ghi nhận qua khảo sát đối với người học và cả ở người dạy ở các môn chung. Hoàn toàn không hề có ý phủ nhận tác dụng của cồng nghệ thông tin với giảng dạy, vì nó đã phát huy tác dụng tốt ở nhiều môn học khác nhau. Chỉ lưu ý một điều là không nên lạm dụng để áp dụng đại trà “cái mới” này một cách thiếu chọn lọc vào tất cả các môn được coi là “chung” như đã nêu trên, để tránh phản tác dụng giáo dục. Không thể nhân danh cái mới để “đồng tiến” tràn lan như có thời, có lúc chúng ta đã làm nhưng kết quả không được như mong muốn. Đối với các môn học đòi hỏi sự hùng biện, sự diễn giải, nếu áp dụng máy chiếu vào tràn lan thì chắc chắn chúng ta sẽ mắc bệnh siêu hình, máy móc. Cần phải tính đến đặc thù của từng môn học khi áp dụng công nghệ mới vào dạy học. Đó là cách làm chọn lọc nhằm đem lại kết quả cao. Rất mong có sự trao đổi bổ sung để góp phần nâng cao trình độ giảng dạy và cải tiến phương pháp mới.

TS Trần Hồng Lưu
(Khoa Mác - Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng)

LTS Dân trí - Đèn chiếu chẳng qua là công cụ hỗ trợ và minh họa cho rõ thêm bài giảng của thầy giáo. Có thể dùng công cụ đó để chiếu những hình vẽ, những biểu bảng, những bộ phận máy móc thiết bị, những cảnh vật thiên nhiên đặc sắc của một vùng nào đó hay chân dung những nhân vật lịch sử,v.v. Đương nhiên đèn chiếu kết hợp với máy vi tính, có thể đưa cả bài giảng lên màn hình, nhưng không ai làm như vậy, mà thông thường chỉ đưa những đề mục chính yếu và những điều tóm lược cần nhấn mạnh giúp cho người học dễ theo dõi bài giảng và ghi nhớ những điều quan trọng nhất.

Đã gọi là công cụ, dù là công cụ của công nghệ thông tin thời nay cũng không thể thay thế được con người, càng không thể thay thế được vai trò của người thầy. Vận dụng công cụ sao cho thích hợp, giúp cho người học dễ thu nhận được kiến thức và phát huy được vai trò tích cực của mình, thì đấy là trách nhiệm của người thầy giáo.