Nữ thương binh ở Cà Mau 30 năm “đội đơn” đòi chế độ chính sách:
Chính quyền xin lỗi vì không công nhận danh hiệu “gia đình văn hoá” cho người dân?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Nữ thương binh 30 năm “đội đơn” đòi chế độ chính sách” không được công nhận gia đình văn hóa, sau khi Dân trí phản ánh, nữ thương binh Lê Hồng Xuân cho biết địa phương đã “hứa” sẽ công nhận gia đình bà đạt chuẩn văn hóa 5 năm liền.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Hồng Xuân cho biết, mới đây, chính quyền địa phương xã Thới Bình đã đến nhà xin lỗi gia đình bà. Những người đến xin lỗi có ông Lê Quốc Đoàn (Phó Ban Tổ chức xã Thới Bình) và ông Quách Văn Thọ (Bí thư Chi bộ ấp 3, nơi gia đình bà Xuân thường trú). Ngoài ra, cán bộ địa phương cũng "hứa" sẽ công nhận gia đình bà đạt chuẩn văn hóa 5 năm liền.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ xác minh thông tin trên thì lãnh đạo địa phương này lại viện nhiều lý do để từ chối trả lời với báo chí.
Cụ thể, ngày 16/2, PV gọi điện thoại cho ông Quách Văn Thọ (Bí thư Chi bộ ấp 3) hỏi, thì ông Thọ cúp ngang, gọi lại thì không liên hệ được.
Ông Lê Quốc Đoàn (Phó Ban Tổ chức xã Thới Bình) thì xác nhận có xuống nói chuyện với gia đình bà Xuân. Khi PV hỏi nội dung cuộc gặp, thì ông Đoàn viện lý do bận rồi cúp máy.
Còn ông Trần Trung Kiên (Chủ tịch UBND xã Thới Bình) thì nói: “Cái này anh xuống cơ quan tôi đi rồi gặp”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cho thời gian cụ thể thì ông Kiên nói: “Chiều nay thì tôi bận đi công tác”. Rồi ông Chủ tịch xã cũng viện đủ lý do: “Nay tôi đi xuống ấp, mai tôi dự hội nghị… nên vẫn chưa có lịch gặp phóng viên”.
Như Dân trí đã phản ánh, hơn 30 năm qua, nữ thương binh Lê Hồng Xuân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã “đội đơn” đến nhiều cơ quan chức năng để đòi chế độ chính sách cho mình, mà trước đó (năm 1999) Hội đồng xét duyệt Ban Tổ chức huyện ủy Thới Bình đã thống nhất chi trả cho bà. Tuy nhiên, từng ấy năm qua, vụ việc của bà Xuân vẫn rơi vào im lặng một cách lạ thường.
Theo trình bày của bà Lê Hông Xuân, năm 1966, bà là cán bộ của Huyện đội Thới Bình. Sau một thời gian công tác, bà Xuân được tổ chức phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán của xã Thới Bình. Đến năm 1987, do mất sức lao động (61%) nên bà Xuân được xem xét cho nghỉ theo chế độ người mất sức lao động.
Sau khi nghỉ việc, năm 1999, Hội đồng xét duyệt thuộc Ban Tổ chức huyện ủy Thới Bình đã thống nhất chi trả lương và các chế độ cho bà Xuân theo chính sách hưởng chế độ một lần, mức lương 290.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà đến thời điểm hiện tại, bà Xuân vẫn chưa được hưởng đồng nào. Khi nữ thương binh này tiếp tục “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, thì được ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình) ký quyết định trả lời khiếu nại với nội dung bác yêu cầu của bà Xuân. Lý do mà lãnh đạo huyện này đưa ra là căn cứ theo quy định hiện hành thì trường hợp của bà Xuân không thuộc diện được hưởng chế độ chính sách.
Cũng theo bà Xuân, mặc dù gia đình bà là gia đình truyền thống cách mạng, luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở địa phương, nhưng năm 2016 lại không được xét công nhận là gia đình văn hóa, trong khi trước đó gia đình bà luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu.
Khi bà Xuân hỏi thì ông Quách Văn Thọ (Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Thới Bình) cho rằng, lý do gia đình bà mất danh hiệu văn hóa vì gia đình bà liên quan đến nhiều đơn kiện, khiếu nại.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh