Vụ gia đình liệt sĩ mất nhà, đất tại Gia Lai:
Chính quyền đẩy gia đình có công cách mạng thành hộ nghèo
(Dân trí) - Sau khi bị chính quyền huyện Chư Pưh, Gia Lai lấy đất để xây trụ sở, gia đình ông Bùi A đã rơi vào cảnh không mảnh đất cắm dùi, không công ăn việc làm, đau ốm bệnh tật, khiến họ trở thành những người nghèo, không có gạo ăn…
Cố tạo “chứng cứ”?
Sau khi lấy đất nhà ông A một cách bất hợp pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Chư Pưh cùng một số cơ quan khác đã xây dựng trụ sở không đúng với quy định luật pháp ngay trên đất nhà ông A. Mặc cho gia đình ông A phản đối và không di dời do không có chỗ để đi. Theo quy định của luật pháp, trước khi giải phóng mặt bằng thì phải tiến hành đền bù, tái định canh, định cư cho người dân, nhưng chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà chính quyền địa phương không hề thực hiện các khâu trên. Nên nhiều người thắc mắc chẳng biết các cán bộ nơi đây đã “tiết kiệm” ngân sách cho nhà nước hay số tiền trên đã đi đâu (?)
Trước những việc làm trái khoáy trên của mình, ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh biện hộ rằng, đất nhà ông A trước giải phóng là “quận cũ đất quân sự”, sau giải phóng huyện ủy Chư Sê tiếp quản. Nên gia đình ông A đã “lấn chiếm đất của nhà nước” vì vậy không được đền bù. Còn một số hộ khác bên cạnh nhà ông A được đền bù vì chỉ có mình nhà ông A là lấn chiếm (?!). Theo ông Cường, lý do ông không đền bù tiền đất cho gia đình ông A theo quy định pháp luật là do ông có “bằng chứng” của UBND thị trấn Nhơn Hòa (Chư Pưh) xác nhận gia đình ông A đã lấn chiếm đất của nhà nước.
Tuy nhiên, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa khẳng định: năm 2010, đất nhà ông A là hộ đầu tiên bị thu hồi và xây dựng trụ sở. Lúc này, UBND thị trấn không hề được thông báo hay họp bàn gì về việc trên. Sau khi gia đình ông A khiến nại, khiếu kiện thì mãi đến đầu năm 2013, Phòng TNMT huyện mới bắt đầu “đi tìm” “chứng cứ” nên đã có công văn yêu cầu UBND thị trấn “xác minh nguồn gốc đất nhà ông A”: “Khi đền bù hộ ông Bùi A, thị trấn đâu biết chuyện đền bù đó. Khi làm xong hết rồi, sau đó xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì phòng TNMT mới có công văn (ra ngày 21/1/2013-PV) chỉ đạo mình đi xác minh nguồn gốc đất”, ông Khanh phân trần.
Sau khi nhận được văn bản trên, thị trấn Nhơn Hòa không hề có bất kì bằng chứng gì để xác định đất nhà ông A là lấn chiếm, trong khi sổ hộ khẩu nhà ông A đã chứng mình gia đình ông đến ở thôn Hòa Bình, Nhơn Hòa từ năm 1990. Và ông vẫn giữ được giấy tờ biên lai thuế nhà, đất từ những năm 1995 đến bây giờ. Tuy nhiên, để hoàn thành “chỉ đạo” của cấp trên, UBND thị trấn đã mời một số người nguyên là cán bộ từ năm 1993 và một số năm khác để “xác minh” nguồn gốc đất nhà ông A. Và không có ý kiến nào khẳng định đất nhà ông A là lấn chiếm. “Thị trấn không xác định gia đình ông A lấn chiếm đất, mà chỉ xác định ông đến ở và sử dụng đất từ năm nào”, ông Khanh khẳng định thêm.
Từ đó, Phòng TNMT đã cho rằng “hộ ông Bùi A không chứng minh tính hợp pháp của diện tích đất được đền bù…” (?!)
Ông Khanh cũng cho biết, đất “quận cũ quân sự” trước đây rất rộng, không phải chỉ riêng nhà ông A. Các hộ gần nhà ông A không có giấy tờ đất giống nhà ông A, nhưng họ được đền bù giá cao lên đến vài tỷ đồng là do họ đã chứng minh được mình đến đây ở từ trước tháng 10/1993, còn gia đình ông A không chứng minh được.
“Độc hại mới có tiền đưa cho má mua thuốc”
Sau khi bị chính quyền lấy hết đất canh tác, tài sản trên đất được đền bù chưa tương xứng, bà Ký lại bị chính quyền làm cho lên cơn đau tim phải vào TPHCM chữa bệnh, từ đó đến nay gia đình ông A phải sống trong cảnh nghèo khổ. Hết đất đai, vợ chồng ông bà không có gạo ăn, không có tiền tiêu nên phải sống dựa vào vài cân gạo của 2 người con trai nghèo chu cấp cho cha mẹ: “Chúng cũng nghèo, phải nuôi con nữa, mỗi tháng phải thay nhau cho bố mẹ 10kg gạo với ít mắm muối. Nếu không bị cán bộ phá dỡ tiêu, và các cây cối khác, mỗi năm ông bà cũng thu được tiền trăm triệu rồi”, bà Ký buồn nói.
Cũng từ ngày mất đất, bà Ký và ông A luôn sống trong cảnh buồn phiền, cay đắng nên bệnh tim của bà Ký ngày càng nặng hơn. Theo định kỳ, 2 tháng bà phải vào TPHCM để tái khám và lấy thuốc nên chi phí lên đến hơn 4 triệu đồng: “Chua xót lắm, tôi muốn chết đi nhưng chết đi thì lấy chỗ đâu mà thờ, tôi phải gắng gượng để sống xem cảnh đời ra sao. Thằng út nó đi làm đá rất độc hại, tôi bảo nó nghỉ nhưng nó nói “độc hại mới có tiền đưa cho má mua thuốc”, không có thuốc là tôi không sống được. Mình khổ vậy đấy, nhưng mấy ông cán bộ đến cứ đập bàn, đập ghế để nói chuyện với tôi, lấy đất nhà tôi xong mấy ông đua nhau mua xe lớn, xe nhỏ”, bà Ký chua chát.
Việc lấy đất trái quy định pháp luật của chính quyền huyện Chư Pưh đã đẩy gia đình ông A vào cảnh nghèo nàn. Ông Khanh cho biết, gia đình ông A là đối tượng hộ nghèo mới của thị trấn từ năm 2013. Ông Khanh cũng đang “nghe nói” huyện đang huy động đóng ghóp của 1 ngân hàng thương mại gì đó, cùng với Ngân hàng chính sách hỗ trợ gia đình ông 50 hay 60 triệu để làm nhà. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Nếu có việc này thì số tiền “hỗ trợ” trên lấy từ đâu?
Những người thân ông A từng hy sinh xương máu của mình để ghóp phần mang lại độc lập, tự do cho đất nước. Hài cốt của bố ông A và liệt sĩ Bùi Văn Á (anh trai ông A) vẫn còn nằm lại nơi chiến trường khốc liệt, ấy vậy mà gia đình ông A đang bị chính quyền nơi đây đẩy vào cảnh “sau này chẳng biết lấy chỗ nào mà thờ”. Không chỉ vậy, chính sách cho người thờ cúng liệt sĩ của gia đình ông A cũng bị Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh chưa thực hiện đúng quy định. Nhưng khi PV lên đăng kí làm việc thì một cán bộ của Phòng cho biết, 1 lãnh đạo đi học, 1 lãnh đạo đi xuống xã và lịch làm việc đã kín tuần nên không có thời gian tiếp phóng viên.
Thiên Thư