Tư vấn pháp luật:
Chiếm tài sản không được thừa kế bị xử tội gì?
(Dân trí) – Khi ông bà nội tôi mất không để lại di chúc. Do đó chú tôi đã tự ý chiếm 1/3 mảnh đất, mà không được sự đồng ý của đại gia đình. Như thế có phạm pháp không? Nếu có thì xử thế nào? (Trần Thị Kim Ngân, Email: kim_ngan_87@yahoo.com).
Ảnh minh họa
Trả lời:
Ông bà nội của bạn mất đi không để lại di chúc nên tài sản của ông bà bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Như vậy, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế của ông bà nội bạn vẫn còn và các bác bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế.
Theo điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Theo bạn trình bày, ông bà nội bạn có 8 người con nên hàng thừa kế thứ nhất của bà ông gồm 8 người con (gia đình ông bà nội bạn trong trường hợp này bố mẹ của ông bà nội bạn đã mất trước khi ông bà nội bạn mất). Mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau từ phần di sản mà ông bà nội bạn để lại. Việc chú bạn quây lại vườn và lấn chiếm hơn 1000m2 là vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy trong trường hợp các bác bạn khởi kiện ra tòa, Tòa án sẽ chấp nhận đơn khởi kiện chia thừa kế và chia diện tích đất thuộc quyền sở hữu của ông bà nội bạn cho 8 người con theo quy định của pháp luật. Chú bạn buộc phải giao diện tích đang chiếm hữu cho người được Tòa án chia.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc