Tư vấn pháp luật:

Chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động?

(Dân Trí) – Tôi làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được 12 năm, sau đó doanh nghiệp này liên doanh với nước ngoài và tôi làm tiếp được 4 năm thì chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy khoản trợ cấp thôi việc người lao động được hưởng là bao nhiêu?

Trong đó tiền lương theo hợp đồng lao động của tôi tính bình quân 6 tháng liền kề trước thời điểm sang liên doanh làm việc là 310.000 đồng và tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động tại liên doanh là 2.000.000 đồng. (Nguyễn Văn Nghĩa, Email: nguyennghia1507@gmail.com).

 
Chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động? - 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Vì chúng tôi không rõ việc đơn vị cũ liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức như thế nào? Và việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của hai công ty như thế nào? Đồng thời việc bạn làm việc tại công ty mới có thực hiện theo hợp đồng lao động, ký với công ty mới hay không. Do vậy, chúng tôi đưa ra các quy định của pháp luật để bạn đối chiếu đưa ra đáp án phù hợp với trường hợp của bạn:

Thứ nhất, nếu DN nhà nước và DN nước ngoài có liên doanh và kế thừa quyền và nghĩa vụ:

Tại điểm b khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 5 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của chính phủ về Hợp đồng lao động “Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm cộng cả thời gian người lao động làm việc cho mình và thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó để tính trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

Như vậy, nếu hai doanh nghiệp sáp nhập, chia tách, chuyển quyền sở hữu, quản lý …thì doanh nghiệp sau cùng sẽ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho bạn. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc cho bạn là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với Doanh nghiệp sau cùng (mức lương 310.000đồng)

Công thức tính trợ cấp thôi việc:

Trợ cấp thôi việc

= Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp

x Tiền lương làm căn cứ trợ cấp thôi việc

x 1/2

Thứ hai, người lao động ký hai Hợp đồng lao động khác nhau:

Trường hợp này mỗi DN độc lập sẽ có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động mỗi năm làm việc là nửa tháng lương theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động.

Công thức chi trả tiền trợ cấp thôi việc tương tự ở phần nêu ở trên.

Mức lương để chi trả trợ cấp thôi việc của DN nhà nước là 310.000 đồng; mức tiền lương, tiền công để chi trả trợ cấp thôi việc của DN liên doanh là 2.000.000đồng.

Luật sư Ngô Thị Lựu

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Ban Bạn đọc