“Chạy” Tết Trung thu

(Dân trí) - Một vị sử gia khả kính đã từng ngẫm thế cuộc bể dâu mà luận rằng: “Nhìn vào sự học thì thấy thịnh suy của đời”. Còn người đời nay, có thể tự nhiên mà thốt lên rằng: “Cứ nhìn vào bánh trung thu thì biết đời mình thịnh suy ra sao”.

Thế nên, cũng chả biết nên buồn hay vui khi hàng năm cứ đến ngày này, bao bậc cha chú phải tất bật đến… méo mặt để lo cho “cái tết thiếu nhi”.

 

Điêu đứng vì… tìm quà

 

Để chuẩn bị cho đứa con trai đầu lòng vào học trong một trường điểm của Hà Nội, ngay từ cuối tháng 9, bà chị dâu của tôi đã “phát lệnh” cho chồng phải mua cho được một hộp bánh Trung thu thật “xịn” để biếu thầy hiệu trưởng.

 

Cửa hàng đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là một cửa hàng nằm bên hông Toà nhà Vincom, có cái tên rất ngoại: Bánh Trung thu Hồng Kông. Mới nhìn lướt qua đã thấy ngợp bởi những hộp bánh to nhỏ ken dày trên các kệ, tất cả rực một màu đỏ. Vừa dừng xe trước cửa hiệu, hai cô bé tuổi chừng mười tám đôi mươi, bước ra chào mời: “Anh vào mua bánh đi. Loại này này, mới nhập về chiều qua đấy. Hàng này mới chỉ có một vài cửa hiệu có thôi. Đảm bảo đi biếu sếp thì khỏi phải bàn”.

 

Vừa kịp liếc qua bảng giá: 855 nghìn đồng/hộp, tôi vội đặt hộp bánh về nguyên vị trí của nó. “Cái này to tiền quá, em còn loại nào rẻ hơn không?”. Đưa tay chỉ vào một hộp bánh chín chiếc trên giá, cô nhân viên nói: “Đó là loại rẻ nhất, giá 257.000đ/hộp. Loại này thì kém chất lượng hơn, nhưng mẫu mã cũng được”. Thấy tôi lắc đầu nguây nguẩy chế đắt, cô nhân viên này hồn nhiên giải thích: Bởi nguyên liệu nhập 100% từ Hồng Kông, thậm chí cả bao bì bọc bánh và đầu bếp cũng được… nhập từ Hồng Kông về!

 

Thấy chừng vị khách vẫn còn ngần ngừ, cô bán hàng liền tung “tuyệt chiêu”: “Anh khó tính thế, đến bánh nội mà giá còn cao nữa là, đằng này, bánh của chúng em nhập khẩu 100%! Anh xem khách mua đâu chả như nhau”. Nhìn quanh khách mua hàng, tôi thấy cô nhân viên nói quả thật cũng có lý. Một số người dường như đến mua cho cơ quan đặt với số lượng lớn. Nếu không phải là những ông “bụng phệ, tai dài” thì cũng là thanh niên tay xách nách mang như vừa từ phi trường đặt chân xuống… khách sạn.

 

Theo lời mách của Khang - ông bạn “mệnh quan rửa đường” (cái tên “sang trọng” pha chút tự hào dành cho nghề phóng viên), vốn am tường thung thổ và từng trải nhiều cái Tết Trung thu đi mua quà “biếu sếp”, chúng tôi tìm đến là khách sạn Hilton. Vẫn mang vẻ bề ngoài đầy hấp dẫn nhưng may thay, giá thành… mềm hơn một chút. Loại hộp có 8 chiếc bánh nhỏ giá 195.000đ và loại 4 chiếc bánh lớn là 240.000đ/hôp. Ở chính giữa quầy hàng là hộp bánh gồm 10 chiếc nhỏ, một chai rượu ngoại và một bộ ấm uống trà mang nhãn hiệu Tràng An cộng thêm một hộp trà ở bên trong có giá: 1,2 triệu đồng.

 

Sau vài vòng nữa, hai anh em chúng tôi đi đến thống nhất quay về và khai báo thật với bà chị dâu rằng… quá đắt. Để tăng thêm tính thuyết phục, chúng tôi mang một số tờ báo có nói về chuỵện bánh nhập ngoại không an toàn cả về nguồn gốc xuất xứ đến chất lượng bên trong. Sau một hồi tính toán, bà chị dâu của tôi quyết định, tìm hàng bánh nội.

 

Tết cho trẻ hay cho… già?

 

Cứ tưởng chỉ những công nhân viên chức mới phải tíu tít lo chuyện quà cáp, ai dè đến một công dân hạng ba mưu sinh trên đất Hà Thành như gia đình người hàng xóm của tôi, chồng là công nhân nhà máy kim khí, vợ chạy chợ “buôn thúng, bán mẹt” cũng không tránh khỏi cảnh “vắt chân lên cổ” lo cho cái Tết Trung thu.

 

“Trăm sự cũng vì… sự học của con cái mà cố thôi bác ạ. Tội nghiệp con bé, nhìn những đứa bạn cùng lớp xúng xính chờ đón Tết Trung thu, chờ đón nhận những món quà mà vợ chồng tôi thấy mủi lòng. Thôi thì, bớt ăn, bớt tiêu đi một chút, cũng phải mua lấy một món quà đến nhà thầy cho nó… trọn nghĩa”, anh chồng tâm sự.

 

Tôi mang cái chuyện cả gia đình cùng “chạy” Tết Trung thu này đến than thở với người thầy đã dạy tôi từ khi còn học vỡ lòng. Mân mê chén trà đã nguội ngơ, ông già ngậm ngùi: Quả là thời nay, không khó khăn gì đề nhận ra một số thầy cô lợi dụng những ngày tết, ngày lễ để nhận quà biếu từ các bậc phụ huynh. Đặc biệt, có một số còn trơ trẽn, bật đèn xanh cho các bậc phụ huynh phải đến nhà mình, tất nhiên là kèm theo cả những gói quà “kính biếu”. Nhưng thực ra, người đáng trách hơn cả chính là những bậc phụ huynh, những người đang làm hỏng thầy cô khi tạo cho những người thầy, người cô đó thói quen “lĩnh quà” ngày lễ.

 

***

Không biết có phải vì tôi thuộc típ người “bảo thủ” mà sao tôi vẫn thèm biết bao hương vị bánh Trung thu ngày xưa, và tất nhiên, cả cái không khí chờ đợi đêm “rước đèn ông sao” nữa. Những chiếc bánh được bán ra từ “lò” Bà Triệu, Hàng Đường, Hàng Điếu; những chiếc đèn ông sao được rao bán từ những người dân thuộc vùng quê Nam Đinh; những quả bồng, quả bưởi… Chỉ thế thôi, cũng đủ làm lên một “đêm hội mùa thu” rồi.

 

H.P